| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân mỏi mòn ngóng tiền hỗ trợ nhiên liệu

Thứ Sáu 15/07/2022 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Giữa thời 'bão giá' xăng dầu, ngư trường vắng cá, ngư dân ra khơi là nhờ vào tiền hỗ trợ nhiên liệu, thế nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào…

Vay nóng để bơm dầu đi biển

Về vùng quê biển Vĩnh Lợi thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời ca thán về chuyện chậm nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu của những chủ tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã, muốn có tiền bơm dầu đi biển, các chủ tàu cá thậm chí đã phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao.

Theo ngư dân Trần Văn Minh (44 tuổi), chủ tàu cá BĐ 92196 TS (410CV) ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, từ đầu năm 2022 đến nay, tàu cá của anh đã làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu cho 4 chuyến biển. Chuyến cuối cùng tàu của anh Minh vừa cập bờ cách nay khoảng 20 ngày, chuyến biển nào bán sản phẩm xong anh cũng lo đi rút tin làm hồ sơ ngay.

Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu nhất tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu nhất tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của anh Minh có công suất chỉ hơn 400CV nên mỗi chuyến biển được hỗ trợ 75 triệu đồng, thế nhưng từ đầu năm đến nay, anh Minh chưa nhận được tiền chuyến nào. Đó là chưa kể năm ngoái anh còn một chuyến biển do máy giám sát hành trình bị trục trặc không rút tin được, dù sau đó đã hoàn tất hồ sơ nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được tiền.

“Mấy năm nay dân đi biển khổ lắm, làm ăn thất bát nên không có tiền tích lũy. Mỗi lần tàu ra khơi phải vay nóng bên ngoài để đổ dầu, mua đá lạnh, lương thực và ứng trước cho thuyền viên. Vậy mà tiền hỗ trợ nhiên liệu từ đầu năm đến nay tôi ngóng mỏi cổ mà chẳng thấy đâu, dù hồ sơ đã làm hoàn tất. Còn hồ sơ của chuyến biển bị trục trặc máy giám sát hành trình cũng đã làm xong nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu”, ngư dân Minh than thở.

Ngư dân Nguyễn Văn Tâm (39 tuổi), chủ tàu cá BĐ 92271 TS ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng lâm cảnh tương tự. Tàu cá của anh Tâm bám biển từ mùng 8 tháng Giêng âm lịch đến nay, anh đã hoàn tất 4 hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu. Cũng như những chủ tàu khác, cứ cập bờ chuyến nào là anh Tâm lo rút tin làm hồ sơ chuyến đó. Ấy vậy mà từ đó đến nay anh cũng chưa nhận được đồng tiền hỗ trợ nào.

“Chuyến biển nào tôi cũng phải bơm dầu nợ, đợi nhận tiền hỗ trợ thì trả, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy đâu. Nếu quen biết thì cây dầu cho mình nợ được 1 chuyến, nghĩa là đổ dầu 2 lần trả tiền 1 lần, nếu không quen biết thì phải trả gối đầu, đi chuyến này về phải trả tiền thì cây dầu mới cho mình nợ chuyến tới. Sắm tổn phí cho chuyến biển phải vay nóng bên ngoài. Vay nóng thì lãi gắt lắm, nếu quen biết thì lãi nhẹ hơn chút, vay 100 triệu đồng trả lãi 4 triệu/tháng. Nếu lấy tiền của người ở nơi khác đến Mỹ Thành cho vay thì phải chịu lãi lên tới 8 - 10 triệu đồng/tháng/100 triệu”, anh Tâm bộc bạch.

Mỏi mòn ngóng tiền hỗ trợ, nhiều ngư dân phải chấp nhận vay nặng lãi để có tiền đổ dầu đi biển. Ảnh: VĐT.

Mỏi mòn ngóng tiền hỗ trợ, nhiều ngư dân phải chấp nhận vay nặng lãi để có tiền đổ dầu đi biển. Ảnh: VĐT.

Chuyện kể của anh Tâm nghe càng lúc càng thấy bi đát. Trước đây, anh đóng chiếc tàu có số hiệu BĐ 94779 TS đến mấy tỷ đồng để hành nghề lưới vây. Theo nghề này mấy năm càng ngày càng lỗ, anh Tâm phải đổi tàu lớn lấy tàu nhỏ, nghề cũng đổi luôn từ làm lưới vây sang nghề câu mực để đỡ áp lực về thuyền viên, vì nghề câu mực chỉ đi có 4 người, còn nghề lưới vây phải hơn 10 người.

Đổi tàu, anh Tâm được bù 1,6 tỷ đồng, bán giàn lưới vây được 180 triệu đồng nữa, nhưng cũng chỉ đủ trả nợ. Giờ làm nghề câu mực nhưng cũng thất bát, những chuyến biển đều trông chờ vào tiền hỗ trợ nhiên liệu, nhưng từ đầu năm đến nay chưa nhận được đồng nào nên lại phải chịu cảnh khó khăn chất chồng.

Vì đâu nên nỗi...?

Tại Quyết định phê duyệt tàu cá được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển đợt 2/2022 của UBND tỉnh Bình Định ký ngày 25/6/2022, trong đợt này, Bình Định có 856 tàu/867 hồ sơ được nhận. Trong đó, huyện Phù Cát có 86 tàu cá/87 hồ sơ được nhận số tiền 7.485.000.000đ; huyện Phù Mỹ có 57 tàu/66 hồ sơ được nhận số tiền 5.480.000.000đ; Thị xã Hoài Nhơn có 685 tàu/686 hồ sơ được nhận số tiền 57.760.000.000đ; Thành phố Quy Nhơn có 28 tàu/28 hồ sơ được nhận số tiền 2.435.000.000đ. Trong đợt 2/2022, Bình Định phê duyệt 856 tàu cá được nhận tổng cộng 73.160.000.000đ.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, sau khi kết thúc chuyến biển, tàu cá cập bờ bán xong sản phẩm trong vòng 15 ngày phải làm xong hồ sơ đề nghị nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu. Việc đầu tiên là các chủ tàu rút tin, làm hồ sơ rồi nộp cho cơ quan chức năng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, Chi cục Thủy sản Bình Định quy định tàu cá ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Thành phố Quy Nhơn nộp hồ sơ tại Chi cục Thủy sản (tại Quy Nhơn); riêng tàu cá của Thị xã Hoài Nhơn nộp hồ sơ cho Trạm Thủy sản đóng trên địa bàn Hoài Nhơn để trạm chuyển về Chi cục.

Sau khi Chi cục Thủy sản Bình Định nhận hết hồ sơ, sẽ lập danh sách gửi về xã, để UBND xã thông báo công khai trong 15 ngày, nếu danh sách ấy không nảy sinh vấn đề gì, xã sẽ gửi lại danh sách đó ngược về. Sau đó, Chi cục Thủy sản Bình Định tập hợp lại những hồ sơ đã công bố công khai nhưng không có ai thắc mắc gì để đưa ra thẩm định.

Những năm gần đây, biển vắng cá nên ngư dân làm ăn thất bát, nay lại đang khốn đốn vì giá xăng dầu tăng vọt. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm gần đây, biển vắng cá nên ngư dân làm ăn thất bát, nay lại đang khốn đốn vì giá xăng dầu tăng vọt. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi thẩm định, Chi cục Thủy sản trình hồ sơ ấy cho UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định hỗ trợ. Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh sẽ được gửi về địa phương, để một lần nữa địa phương thông báo công khai mức hỗ trợ của từng tàu, trong vòng 10 ngày nếu không có sự cố gì thì kho bạc sẽ xếp lịch chi tiền và thông báo về xã, để xã thông báo cho dân ngày giờ nhận tiền tại kho bạc.

“Nếu nhanh thì từ khi làm hồ sơ đến 1 tháng rưỡi hoặc 2 tháng sau là chủ tàu sẽ nhận được tiền, chậm thì 2 tháng rưỡi. Bình Định có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ nên hồ sơ rất nhiều, có lượt tàu đến 1.000 hồ sơ, đợt trước làm không hết phải gối đầu qua đợt sau nên không kịp giải quyết, dẫn tới nhiều hồ sơ nhận tiền chậm. Chúng tôi đang rất cố gắng giải quyết nhanh nhất cho bà con, nhất là trong bối cảnh nhiên liệu tăng cao như hiện nay”, ông Nguyễn Công Bình cho hay.

Giải thích vì sao từ đầu năm đến nay nhiều tàu cá đã hoàn thành 3 - 4 hồ sơ nhưng mãi đến nay chủ tàu vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, dù UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt và ban hành quyết định hỗ trợ, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết thêm: “Kinh phí hỗ trợ nhiên liệu là từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương, khi nào Trung ương phân bổ về mới có tiền để chi chứ tỉnh không có kinh phí ứng trước.

Năm 2021 - 2022 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ngân sách Trung ương phân bổ về chậm, cuối năm 2021, Sở NN-PTNT cùng với Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định gửi kế hoạch kinh phí cho Trung ương rồi, mới đây tỉnh lại có văn bản đề nghị 1 lần nữa”.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm