| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Nam Định khởi đầu năm mới khó khăn

Thứ Ba 23/02/2021 , 11:18 (GMT+7)

Những ngày đầu năm mới, thời tiết không mấy thuận lợi, cùng với đó nguồn thủy sản gần bờ cạn kiệt khiến ngư dân vùng ven biển Nam Định khởi đầu năm mới khó khăn.

Ngư dân xã Hải Lý gỡ cá, bề bề ra khỏi lưới. Ảnh: Mai Chiến.

Ngư dân xã Hải Lý gỡ cá, bề bề ra khỏi lưới. Ảnh: Mai Chiến.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngư dân các xã ven biển ở huyện Hải Hậu, Nam Định bắt đầu bước vào công việc thường ngày, đó là làm nghề lộng (đánh bắt hải sản gần bờ biển). Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, ngư dân phải dậy từ sáng sớm, kiểm tra máy móc, sắp xếp ngư cụ đánh bắt…

Ông Phạm Văn Hinh (xóm 9, xã Hải Lý) thổ lộ, sau những ngày vui xuân, đón tết bên gia đình và người thân, mùng 4 tết ông quay trở lại công việc hàng ngày “xông biển” chuyến đầu tiên, khởi đầu cho một năm mới với mong muốn tôm cá đầy khoang.

Song, những ngày đầu năm mới, đánh bắt không mang lại hiệu quả, sản lượng hải sản thu về ít hơn so với cùng kì năm ngoái, giá bán ở ngưỡng thấp. Biết là vậy, nhưng ông vẫn phải vươn khơi, bám biển để kiếm sống, nuôi gia đình.

Hiện, gia đình ông Hinh đã theo nghề lộng hơn 20 năm nay. Ngày nào cũng vậy, cứ 2 giờ sáng, tiếng chuông báo thức reo lên là vợ chồng ông bật dậy, chuẩn bị ngư cụ để đi đánh bắt hải sản. Sau 7 - 8 tiếng đồng hồ lênh đênh ngoài biển, ông thu lưới dần và chuyển lái vào bờ.

Vừa gỡ lưới, ông Hinh vừa nói, chuyến nào đánh trúng mẻ cá, mẻ tôm… thì có lãi, còn không thì huề vốn, thậm chí là lỗ. “Năm nay, gia đình tôi ra khơi từ hôm mùng 4 tết, từ hôm đó đến nay đánh bắt không hiệu quả, có ngày được, có ngày không”, ông Hinh chia sẻ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá bán bề bề (tôm thuyền) thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Ảnh: Mai Chiến.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá bán bề bề (tôm thuyền) thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Hinh, đầu năm ngư dân chủ yếu đánh bắt cá khoai, bề bề (tôm thuyền), mực, sứa. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều quán ăn, hàng quán không có khách, sức tiêu thụ kém, do đó giá bán hải sản thấp hơn so với mọi năm.

Nếu như năm ngoái, cá khoai bán 300.000đ/kg, bề bề dao động từ 150.000 - 250.000đ/kg, mực 100.000đ/kg; thì đầu năm nay hạ xuống chỉ còn 200.000đ/kg cá khoai, 100.000 - 120.000đ/kg bề bề, 80.000đ/kg mực; thậm chí sứa chỉ còn 5.000đ/kg mà không có người mua.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (xóm 8, Hải Lý) cũng xuất hành chuyến biển đầu tiên từ hôm mùng 5 tết. Chị Hiền bảo, những ngày đầu năm thời tiết không thuận lợi, sóng biển to, cùng với đó là tàu giã cào hoạt động lộng hành, cày xới gần bờ biển nên nguồn thủy sản dần cạn kiệt, do đó sản lượng đánh bắt không được nhiều. Nhiều chủ thuyền, còn bị tàu giã cào làm hỏng và rách lưới kéo, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Chị Hiền nhẩm tính: “Trung bình mỗi chuyến ra khơi thu về 300.000 - 500.000 đồng, trừ tiền dầu và một số chi phí khác thì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, chúng tôi phải dậy sớm, chịu lạnh ngoài biển…”.

Hải sản sau khi thu về sẽ được thương lái thu mua tại biển. Ảnh: Mai Chiến.

Hải sản sau khi thu về sẽ được thương lái thu mua tại biển. Ảnh: Mai Chiến.

Theo các ngư dân ở đây, nhiều chuyến ra khơi họ phải đánh thuyền sang tận vùng biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), vùng biển giáp tỉnh Thanh Hóa để đánh bắt hải sản. Hải sản sau khi thu về sẽ được thương lái mua tại biển hoặc chủ thuyền đem ra chợ bán.

Mặc dù, những chuyến biển đầu năm không mang lại hiệu quả, nhưng những ngư dân ở đây vẫn nở nụ cười, nói chuyện rôm rả với nhau sau một đêm thức trắng thả lưới ngoài biển. Họ không quan niệm chuyến “xông biển” đầu năm không mang lại may mắn là sẽ đen đủi cả năm, bởi đi biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết, con nước…

Ông Nguyễn Thanh Sỹ, cán bộ UBND xã Hải Lý cho hay: Toàn xã có hơn 100 thuyền, mủng đánh bắt gần bờ; 21 thuyền đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 17 - 20m/chiếc. Những năm gần đây, đánh bắt nghề lộng không mang hiệu quả nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề; chuyển sang làm nghề khác, có thu nhập cao hơn.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm