| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Quảng Ninh hào hứng trước công nghệ mới trong khai thác thủy sản

Thứ Năm 07/12/2023 , 14:20 (GMT+7)

Được tiếp cận với công nghệ mới trong khai thác thủy sản, ngư dân Quảng Ninh bày tỏ sự hào hứng và mong muốn nhanh chóng được áp dụng vào sản xuất.

Hội nghị tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Hội nghị tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã có nhiều tư vấn, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, người dân. Ở lĩnh vực khai thác, từ năm 2016 - 2023, Viện đã tiến hành chuyển giao 3 công nghệ vào thực tiễn sản xuất, gồm: Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp, hệ thống tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy, hệ thống ánh sáng đèn LED cho nghề lưới chụp.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và người dân, các công nghệ được chuyển giao đều mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân khi ứng dụng vào thực tiễn. Hiện nay đã được nhân rộng cho người dân phục vụ đánh bắt hải sản trên biển.

Được biết, Viện đã tiến hành lựa chọn các địa điểm chuyển giao hệ thống tời thủy lực vào thực tiễn sản xuất tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận và hệ thống ánh sáng đèn LED tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ cho cộng đồng ngư dân, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các quận, huyện tại các địa phương chuyển giao.

Ngoài ra, Viện cũng hợp tác với một số doanh nghiệp, như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty TNHH Như Nga,… để cung cấp thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và truyền thông trong suốt quá trình chuyển giao.

Mới đây, Viện Hải sản đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Buổi tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo Viện Hải sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh và đông đảo ngư dân.

Tại buổi tập huấn, ngư dân tại các tỉnh thành ven biển phía Bắc được tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại trong khai thác thủy sản như hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp, hệ thống tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy, hệ thống ánh sáng đèn LED cho nghề lưới chụp.

Ông Nguyễn Phi Toàn, Viện phó Viện Nghiên cứu Hải sản, cho biết, với hệ thống tời thủy lực, sau khi được chuyển giao đã giúp người dân giảm được chi phí, giảm số lượng lao động nhưng lại tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác. Việc công nghệ này giúp giảm thời gian thu lưới sẽ giúp tăng chất lượng hải sản đánh bắt.

Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng mức độ an toàn lao động cho các thuyền viên trong quá trình thu thả lưới trên biển, do ngư dân không phải trực tiếp dùng tay để thao tác lưới nên sẽ hạn chế rủi ro đi rất nhiều so với công nghệ cũ. Qua đó phần nào giúp tăng thu nhập của thuyền viên tăng lên so với trước đây, ngư dân yên tâm bám biển, tình trạng thiếu lao động đi biển dần được khắc phục.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, sau khi nghiên cứu xong, đơn vị đã chuyển giao thành công 32 mô hình tời thủy lực thay thế cho tời cơ truyền thống của nghề lưới chụp mực khai thác hải sản xa bờ tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến hiện tại, đã nhân rộng được khoảng 650 mô hình trong cả nước do cộng đồng ngư dân tự đầu tư vốn.

Các công nghệ của Viện Nghiên cứu Hải sản sẽ mang lại hướng đi mới cho ngư dân các tỉnh thành ven biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các công nghệ của Viện Nghiên cứu Hải sản sẽ mang lại hướng đi mới cho ngư dân các tỉnh thành ven biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bằng hệ thống tời thủy lực, sẽ giúp làm tăng 15-25% năng suất lao động, tăng 15-16% lợi nhuận, 1,5 lần thu nhập của người lao động và tăng 2-3 mẻ lưới trong 1 đêm do giảm thời gian thu lưới.

Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng tuổi thọ dây giềng rút chính từ 3-4 tháng lên đến 6-7 tháng, tăng an toàn lao động đối với thao tác thu thả lưới và giảm 2-3 thuyền viên trên tàu lưới chụp nếu lắp đặt hệ thống tời thủy lực.

Việc lắp đặt các mô hình công nghệ này đang nhanh chóng lan tỏa trong cả nước, số lượng tàu lắp đặt hệ thống tời tăng lên rất nhanh và kết quả khảo sát cho thấy 100% tàu lưới chụp đóng mới đều có mong nguyện vọng lắp hệ thống tời thủy lực mới này.

Ông Nguyễn Văn Dũng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) chia sẻ: "Tôi là chủ một tàu 24m lưới chụp đánh bắt tuyến khơi trên vùng biển Quảng Ninh. Hiện chi phí cho 1 tháng đi biển hết 180-200 triệu, trong đó tốn kém nhất là tiền dầu, mỗi tháng hết khoảng 8.000 lít dầu. Vừa qua, tôi đã được tham gia buổi tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản. Tôi rất vui và hào hứng khi nhận thấy việc sử dụng bóng đèn LED sẽ giúp giảm chi phí từ 50-60% trong mỗi chuyến đi biển. Tôi mong muốn được Viện Hải sản cũng như phía Công ty Rạng Đông giúp đỡ, hỗ trợ về giá để nhanh chóng áp dụng công nghệ mới vào khai thác thủy sản".

Với công nghệ ánh sáng đèn LED, khi sử dụng đã giúp các tàu khai thác hải sản tiết kiệm được khoảng khoảng 40% nhiên liệu chạy máy phát điện, năng suất khai thác cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần, doanh thu cao hơn khoảng 20%.

Ngoài ra, đèn LED chiếu sáng có định hướng, không tỏa nhiệt lượng cao trong quá trình hoạt động nên sẽ giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường. Do không phát xạ tia tử ngoại (UV) nên công nghệ này không gây hại cho mắt, không làm bỏng da và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của lao động trên tàu.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất