| Hotline: 0983.970.780

Huyện miền núi thoát nghèo từ trồng rừng

Thứ Ba 05/12/2023 , 10:38 (GMT+7)

Những năm qua, huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo.

Huyện Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Huyện Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có diện tích tự nhiên gần 69.000ha, trong đó, trên 90% là rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu.

Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gỗ các loại, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, huyện Ba Chẽ đang phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng cho giá trị kinh tế cao như ba kích, trà hoa vàng...

Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Ba Chẽ đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Ông Triệu Cắm Thành (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chia sẻ, gia đình ông đã chuyển 3ha trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn. "Trước đây, gia đình trồng keo lấy gỗ, được cán bộ xã giải thích về lợi ích, giá trị kinh tế của cây gỗ lớn và chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã quyết định thu hẹp diện tích rừng keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn như lim, quế, xen với cây dược liệu cho giá trị cao như ba kích, trà hoa vàng, cho thu nhập ổn định", ông Thành cho biết.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã trồng được hơn 280ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là lim, lát, dổi, 432ha cây bản địa như quế, hồi, thông và trên 72ha cây dược liệu ba kích, trà hoa vàng, cát sâm.

"Huyện Ba Chẽ chú trọng phát triển các cây lâm nghiệp có giá trị cao, cây gỗ lớn, tập trung tái tạo rừng lim, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ gắn sản xuất với chế biến lâm sản, dược liệu", ông Vinh nhấn mạnh.

Thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2025, huyện Ba Chẽ xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Những năm qua, huyện Ba Chẽ đã vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cây bản địa gồm quế, thông và cây dược liệu ba kích, trà hoa vàng, cát sâm. Đây là những loại cây cho giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều hộ đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã liên kết cùng nhau thành lập tổ, nhóm, HTX phát triển nghề rừng sản xuất theo hướng tập trung, cùng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ do anh Triệu Quay Phúc làm giám đốc đã tạo việc làm cho nhiều hộ dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ do anh Triệu Quay Phúc làm giám đốc đã tạo việc làm cho nhiều hộ dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đầu năm 2020, anh Triệu Quay Phúc cùng một số người đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, gồm 11 thành viên. Ngay sau khi thành lập, HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 90 hộ dân trong xã với gần 180ha quế, nhiều khu rừng đã đến kỳ thu hoạch do bà con trồng từ trước đó. Anh Phúc cùng các thành viên trong HTX còn làm vườn ươm sản xuất giống cây quế bán cho bà con địa phương.

Anh Phúc chia sẻ: "Từ khi tham gia vào mô hình liên kết với HTX, nhiều hộ trong thôn, xã có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm nhờ cây quế, đời sống kinh tế ổn định, thoát cảnh đói nghèo, xây được nhà mới và cho con cái học hành đầy đủ".

Cùng với đó, huyện Ba Chẽ khuyến khích người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ đó người sản xuất có vốn để tu bổ, chăm sóc rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Với hướng đi trọng tâm là phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, lấy trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu làm mũi nhọn, đang là hướng đi đúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để huyện miền núi Ba Chẽ hoàn thành mục tiêu đề ra toàn huyện không còn hộ nghèo, không có hộ tái nghèo và phát sinh nghèo trong năm 2023.

Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao ở Ba Chẽ đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt NTM nâng cao; thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng, tăng 67,3 triệu đồng so với năm 2010. Đến nay huyện không còn hộ nghèo.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.