| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân trúng lộc đầm Ô Loan

Thứ Ba 08/02/2022 , 11:13 (GMT+7)

PHÚ YÊN 2 năm qua, nhờ quyết liệt ngăn chặn tình trạng đánh bắt hủy diệt, nguồn lợi thủy hải sản ở đầm Ô Loan (Phú Yên) đã được hồi sinh.

Đầu năm bắt tôm đất, hàu, cua gạch

Những ngày qua, ngư dân 4 xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sống ven đầm Ô Loan đi bắt tôm đất, hàu, cua gạch. Từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến nay, người dân sống quanh đầm được hưởng lộc từ đầm.

Hàu bắt ở đầm Ô Loan. Ảnh: MHN.

Hàu bắt ở đầm Ô Loan. Ảnh: MHN.

Ông Nguyễn Văn Bình ở xóm Đá, xã An Cư đi bắt cua, tôm đất trên đầm Ô Loan cho hay: Cua ở đầm Ô Loan bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ. Mỗi đêm có người bắt 2 - 3 kg. Loại cua này có con to bằng cái tô, chén, càng to bằng ngón chân cái. Ban đêm đánh lưới về, sáng người trong xóm ngồi trói cua (dùng dây chuối quấn chặt không cho cua bò, dùng càng kẹp) bán cho thương lái...

Cua gạch là loại cua lớn, ngon, khi hấp hoặc luộc, nướng, gạch cua có vị béo. Còn tôm đất ở đầm Ô Loan có 2 loại: Tôm bạc và tôm rằn (còn gọi là tôm he), trong đó, tôm bạc thịt ngon. Hiện nay tôm bán 200.000 đồng/kg, tôm mới xuất hiện nên số lượng ít, mỗi đêm bắt được 1 kg.

Bà Nguyễn Thị Duyên ở xã An Ninh Đông đang cạy hàu chia sẻ: Hàu xuất hiện nhưng con còn nhỏ. Cạy hàu ruột bán 150.000 đồng/kg. Đặc sản trong đầm là tôm đất, cua gạch, hàu. Hàu sống trong môi trường tự nhiên đầm Ô Loan bám vào các bờ đá, xếp vào loại thượng hạng. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, nướng, có vị ngọt thanh tao.

Hồi sinh tôm cá

Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, cửa biển An Hải, nơi đầm thông với biển khai thông mở rộng nên nước biển tràn vào làm cho tôm đất, cua gạch, hàu xuất hiện trở lại. Trước đây do cửa biển An Hải bị bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, cộng với đánh bắt hủy diệt nên gần 5 năm qua tôm đất trong đầm vắng bóng.

Ban đêm đánh lưới về, sáng người trong xóm ngồi trói cua (dùng dây chuối quấn chặt không cho cua bò, dùng càng kẹp) bán cho thương lái... Ảnh: MHN.

Ban đêm đánh lưới về, sáng người trong xóm ngồi trói cua (dùng dây chuối quấn chặt không cho cua bò, dùng càng kẹp) bán cho thương lái... Ảnh: MHN.

Bà Phan Thị Nhung nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Hòa Hải, cho hay: Trước đây, nhiều năm liền đầm Ô Loan “đói” nên ban đêm buồn thiu. Nay đầm hồi sinh với nhiều loại tôm cá, cua. Từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến nay, ban đêm người đi đánh bắt chong đèn sáng rực như “phố trên đầm”. Nhiều nhất là đèn đóng chấn bắt tôm đất. Tuy không nhiều nhưng Tết năm nay, người dân sống quanh đầm được hưởng lộc từ đầm.

Thời gian qua, có lúc rong giẻ, rong nhớt nổi lên từng đám dày phủ kín mặt đầm Ô Loan. Ông Bùi Văn Tiến, người lớn tuổi sống ven đầm thuộc xã An Hiệp cho rằng: Nguyên nhân là do cọc tre cắm giăng mùng để bắt vẹm như bãi chông dưới đầm, còn lưới mùng giăng “bó” kín đầm. Đến mùa sinh sản, tôm đất rạy (mới nở), nhưng do lưới mùng bắt vẹm giăng kín, tôm mẹ không vào được nên đẻ ngoài xa bị cá rô phi ăn hết, cộng với đánh bắt hủy diệt bằng lờ Thái Lan nên tôm đất gần như mất dạng. Việc giăng lưới mùng làm cản trở dòng chảy nên nguồn nước ô nhiễm nên cua, cá dưới đầm cũng cạn kiệt.

Ngư dân dùng sõng câu (xuồng nhỏ) thả lưới trên đầm Ô Loan. Ảnh: MHN.

Ngư dân dùng sõng câu (xuồng nhỏ) thả lưới trên đầm Ô Loan. Ảnh: MHN.

Đầm Ô Loan rộng 1.570 ha. Hai năm qua, UBND huyện Tuy An ra quân “giải cứu” đầm Ô Loan, thu hồi lờ bóng Thái Lan, lưới mùng, cọc tre cắm thành que đăng dưới đầm, với quyết tâm làm đẹp thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan.

Theo đó, huyện Tuy An thành lập đoàn kiểm tra sử dụng ca nô tiến hành kiểm tra quanh đầm về công tác giải tỏa hồ nuôi tôm xây dựng trái phép, thu hồi lưới mùng, lờ, trên đầm Ô Loan. Thống kê của UBND huyện Tuy An, đoàn kiểm tra đã tháo dỡ 3.082 hàng cọc tre (người dân tự tháo dỡ 60 hàng cọc). Cùng với đó, đoàn thu 4.173 lờ bóng Thái Lan, giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu 119 hồ, với diện tích trên 58,4 ha.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Sau khi xử lý lấn chiếm, giải tỏa các hộ dân dùng cọc tre cắm dưới đầm, địa phương phân định vùng nuôi, chia bốc thăm lại trong diện tích quy hoạch hơn 200 ha các khu nuôi tôm. Ngành nông nghiệp đã có dự án quy hoạch thả nuôi 102 ha sò huyết. Bây giờ đầm Ô Loan rộng rãi, nước trong xanh trở lại, cá tôm sinh sôi, tạo kế sinh nhai cho người dân ven đầm.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm