| Hotline: 0983.970.780

Đầm Ô Loan 'vắng bóng' hải sản

Thứ Tư 12/02/2020 , 09:34 (GMT+7)

Mấy năm trước, tháng Giêng ngư dân ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) trúng đậm cua, tôm tít, cá hồng cùng nhiều hải sản khác. Thế nhưng năm nay đã khác.

Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở đầm Ô Loan.

Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở đầm Ô Loan.

Thủy sản trong đầm cạn kiệt

Ông Phan Văn Tấn, ngư dân ở ven đầm thuộc xã An Hiệp (huyện Tuy An) cho hay: Mấy năm trước, sau tết, cua xuất hiện trong đầm, tôi thả lưới bắt cua giống con to bằng khu chén đem thả vô hồ nuôi, sau đó cua lớn bán. Nhưng năm nay, thả lưới ngâm cả ngày đêm, sáng ra thăm không có con cua nào. Không chỉ cua, mà thời điểm này, trước đây tôm đất, vẹm, hàu bắt đầu rạy thì nay không thấy bóng dáng.

Đầm Ô Loan rộng 1.570ha với nhiều loại thủy sản sinh sống, là nguồn sống bao đời nay của hàng ngàn gia đình thuộc 5 xã: An Hòa, An Hải, An Hiệp, An Ninh Đông, An Cư ven đầm. Thế nhưng, gần đây ngư dân các xã ven đầm ngày càng lâm vào khốn khó. Nhiều gia đình lâu nay sống bằng nghề thả lưới bắt cua, lặn bắt hàu, đóng chấn, bây giờ rảnh tay vì các loại thủy sản trong đầm đã cạn kiệt.

Ông Bùi Long, ở xã An Cư, phân trần: Trước, ban đêm đi đóng chấn bắt lịch huyết, cua gạch, mỗi đêm kiếm tiền triệu, đêm nào “đói” cũng kiếm ngày công lao động cỡ 200.000 đồng, nay bỏ nghề luôn. Thường tháng Giêng là thời điểm sau đợt mưa lụt, tôm cá trong đầm hồi sinh nhưng năm nay tôm cá biệt tăm luôn.

Bà Trần Thụ Thu, một người chuyên mua hải sản trong đầm Ô Loan chia sẻ: Thường sau tết, sáng sớm tôi chạy xe máy ven đầm mua gom các loại hải sản, vẹm, cua, cá, tôm cũng được vài chục ký, nhưng năm nay đi vòng ven đầm về vài ký, có bữa về không.

Trước tết, đầm Ô Loan xuất hiện con cháy (hình dạng giống như con vẹm xanh, sống bám thành chùm như miếng cơm cháy), nhưng hiện tay con cháy “thả tay” chết chìm dưới đầm. Ông Trần Quang, ở xã An Ninh Đông, nhà ở cạnh mé đầm làm nghề bắt con cháy cho hay: Sau đợt lụt năm rồi con cháy xuất hiện trong đầm, con cháy bám dày bờ đá, dùng rựa dạt xuống hốt bỏ bao. Có người dùng chấn đăng thả cho con cháy bám vào rồi vớt lên dùng rựa dao cùn nạo bán cho người nuôi tôm hùm giá 800 đồng/kg.

Con cháy xuất hiện nhiều, dễ bắt nên có gia đình mỗi ngày kiếm tiền triệu. Thế nhưng sau tết con cháy hết dần. “Thời gian qua, bên xã An Ninh Đông trúng luồng nước nên con cháy xuất hiện nhiều, gần đây nước ô nhiễm nên con cháy không bám nữa “thả tay” chết chìm”, ông Quang nói.

Tôm nuôi chết

Hiện nay đầm Ô Loan bước vào vụ thả nuôi tôm thẻ chân trắng, thế nhưng nhiều người vừa thả nuôi thì tôm chết, lượng tôm giống hao hụt nhiều. Ông Trình Văn Tấn ở xã An Hải (huyện Tuy An), một người nuôi tôm thả chân trắng ở đầm Ô Loan, cho hay: Vụ này, tôi mua 1 vạn con giống, ban đầu thả ương bằng cách quây tròn lưới lỗ nhỏ giữa hồ, rồi bung giống trong lưới lỗ nhỏ ra hồ lớn. Sau một tuần thả con giống ra, khi mấy ngày nay tôi thăm chừng không thấy tôm đu trên mùng dừng ven theo bờ đá.

Nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực đầm Ô Loan thuộc xã An Ninh Đông, An Cư cũng đang thấp thỏm lo âu vì đã xuất hiện tôm chết. Cách đây hơn một tuần, bà Trần Thị Ánh, ở xã An Cư, cải tạo hồ nuôi trước nhà bằng cách moi bùn, chèn đá, giăng mùng xung quanh chuẩn bị thả tôm thẻ chân trắng nuôi, trước tình trạng tôm chết. Bà Ánh lo lắng: Hồ tôi vớt sạch rau câu, rong giẻ, định thả giống thì nghe hồ xung quanh thả trước giờ không còn con nào nên nán lại.

Bà Trần Thị Ánh, cải tạo hồ nuôi trước nhà bằng cách vớt sạch rau câu, rong giẻ, định thả giống thì nghe hồ xung quanh thả trước giờ không còn con nào nên nán lại. 

Bà Trần Thị Ánh, cải tạo hồ nuôi trước nhà bằng cách vớt sạch rau câu, rong giẻ, định thả giống thì nghe hồ xung quanh thả trước giờ không còn con nào nên nán lại. 

Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, hiện nay nước mặn trong đầm đã cạn, nhiệt độ môi trường cao, rong tảo phát triển mạnh, sự phân hủy các chất hữu cơ diễn ra nhanh, đào thải các độc tố ra môi trường, nước trở nên đậm đặc thiếu oxy cục bộ vào sáng sớm. Gần đây, ở các vùng bãi cạn trong đầm, rong nhớt, rong giẻ phát triển mạnh, đã có hiện tượng một số cá, tôm chết.

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phú Yên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuy An, trong đó có đầm Ô Loan, nhiều đối tượng thủy sản nước mặn, nước lợ, được bà con nông dân nghiên cứu, tìm hiểu nuôi các đối tượng thủy sản nước mặn như nuôi tôm sú, thẻ chân trắng, cá mú, cá chẽm, cua biển…

Đầm Ô Loan rộng 1.570ha với nhiều loại thủy sản sinh sống, là nguồn sống bao đời nay của hàng ngàn gia đình. 

Đầm Ô Loan rộng 1.570ha với nhiều loại thủy sản sinh sống, là nguồn sống bao đời nay của hàng ngàn gia đình. 

Tuy nhiên ngành nuôi thủy sản của huyện Tuy An còn gặp những khó khăn nhất định. Đầu tiên do mật độ nuôi dày nên đã làm ô nhiễm môi trường nuôi gây nên tình trạng dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Tiếp đến người dân lâu nay chỉ nuôi theo tập quán, chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giảm ô nhiễm môi trường để góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sống trong ao, đầm, vùng. Cùng với các giải pháp giảm mật độ nuôi, đảm bảo môi trường, trong quá trình nuôi, nông dân tìm kiếm nguồn cung cấp giống có chất lượng để tránh xảy ra dịch bệnh.

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm