Về vùng Lai Vung, Đồng Tháp, chỉ cần hỏi nhà anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, ai cũng biết. Nhưng khi gặp rồi, lại thấy một nông dân Nam Bộ thứ thiệt. Chẳng ai nghĩ, đây từng là một phi công lái máy bay Mig 17, từng 7 lần bấm nút hạ 7 máy bay Mỹ.
NHỮNG CON SỐ 7
Từ thị trấn Lai Vung, chạy theo con đường bê tông nhỏ quanh co, tiếp tục đi vào một con đường đất nhỏ mới vừa rải đá sỏi, hai bên là cánh đồng lúa xanh rì, nhưng vắng người, tôi đến nhà ông Bảy. Căn nhà ván đơn sơ nằm lọt thỏm giữa ao cá và vườn cây. Nhìn quanh chẳng thấy bóng người, tôi cất tiếng hỏi: “Chú Bảy có nhà không?”, thì nghe tiếng một phụ nữ từ trong vọng ra: “Ai đó? Ổng đi ruộng chưa về. Đợi chút nghen”. Ngay lúc đó ông Bảy từ ngoài cổng đi vào, dáng người cao gầy, chân không mang dép, ống xắn cao đến gối, nhưng một bên đang tuột dần xuống. Tôi chưa kịp chào, ông đã sang sảng: “Tao là Bảy, Nguyễn Văn Bảy nè, chú mầy có chuyện gì cần hỏi à?”. Tôi cười thích thú với vẻ rất “Nam Bộ” của ông rồi gật đầu chào.
Dẫn tôi vào nhà sau, đến căn “thủy tạ” theo đúng tên gọi nhưng nhỏ xíu chỉ đủ cho bốn người ngồi. Ông châm trà mời tôi uống, anh hùng Nguyễn Văn Bảy chậm rãi kể chuyện đời ông qua một loạt các con số 7: Ông là người con thứ 7 trong gia đình, 17 tuổi vào bộ đội, học 7 ngày lên 7 lớp, bắn rơi 7 máy bay địch bằng MiG 17, được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1967, con trai thứ 2 của ông sinh vào tháng 7 năm 1967 và nay ông đã 77 tuổi.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Thành, huyện Lai Vung. Thuở nhỏ, ông là đứa trẻ hiếu động và rất thích bộ đội. Những khi quân du kích về xã để đánh đồn bót, ông đều xung phong đi xem tình hình địch về báo cáo lại. Lớn lên chút, trong khi bao thanh niên xung quanh tính đến chuyện lấy vợ thì ông lại khắn gói theo du kích. Trải qua gần tháng trời thử thách ý chí, cuối cùng chàng thanh niên Nguyễn Văn Bảy cũng được vào du kích xã, đó là năm 1954.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy với kỷ vật ghi dấu ấn hào hùng năm xưa
Làm du kích chưa tròn năm, ông Bảy tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơnevơ. Đến năm 1958, ông Bảy cùng 2 người đồng đội quê Đồng Tháp khác được chọn vào lính không quân, được đưa đi học và huấn luyện trở thành phi công. Cũng trong thời gian này, ông Bảy học bổ túc văn hóa từ lớp 3 lên đến lớp 10 chỉ trong 7 ngày. Nói về việc học, ông Bảy hóm hỉnh bảo rằng: “Lão học luật đàn hồi Newton rất dễ, cũng như tay đấm vào bàn thì bị đau là do đàn hồi; học đại số thì biết là có số âm và dương, vậy là lão lại được lên lớp”. Năm 1960, trước khi đi học tại Trung Quốc, anh hùng Nguyễn Văn Bảy được gặp Bác Hồ, Người căn dặn rằng, các cháu miền Nam phải học thật giỏi, để khi hòa bình chở Bác vào thăm bà con. Và lời dặn của Bác là hành trang, là động lực để Nguyễn Văn Bảy quyết tâm học thật giỏi để đánh thắng Mỹ.
Năm 1965, khi Mỹ chủ mưu rải bom chống phá miền Bắc, Nguyễn Văn Bảy là một trong những phi công đầu tiên lái MiG 17 đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Mở đầu cho cuộc chiến trên không ác liệt.
“XÁP LÁ CÀ” VỚI MÁY BAY MỸ
Chỉ trong vòng 2 năm từ 1965 đến 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia vào 13 trận đánh khốc liệt trên bầu trời miền Bắc, với 7 lần nhả đạn, MiG 17 do phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển đã biến nhiều loại máy bay tối tân của địch như thần sấm F105, con ma F4H, hay thập tự quân F8C thành những bó đuốc sáng rực trên bầu trời. Với chiến công lẫy lừng ấy, ông là một trong ba phi công đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và huy hiệu Bác Hồ.
Nói về cách đánh máy bay địch, ông Bảy như sống lại phút giây hào hùng năm nào, giọng mạnh mẽ, ông kể, do máy bay Mỹ là những máy bay hiện đại, lại được các phi công giàu kinh nghiệm của Mỹ cầm lái, nên việc chiến đấu là hết sức nguy hiểm. Tháng 10/1965, lần đầu tiên tham gia chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, Hà Bắc, chiếc MiG 17 của ông chưa đạt đủ độ cao và chưa kịp nhìn thấy rõ kẻ thù đã bị trúng đạn, máy bay của ông bị thủng 82 lỗ, buồng lái thủng lỗ chỗ. Vậy mà, phi công Nguyễn Văn Bảy vẫn hạ cánh an toàn trong sự thán phục của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô. Riêng phi công Nguyễn Văn Bảy càng nung nấu quyết tâm tiêu diệt máy bay địch.
Rút kinh nghiệm từ đợt đánh đầu tiên, ông Bảy đã áp dụng cách đánh mới. Nhận thấy MiG 17 của mình lái chỉ trang bị chỉ 3 khẩu pháo với 200 viên đạn là quá ít để đánh trực diện với máy bay địch. Giải pháp đưa ra là phải áp sát máy bay địch. Theo ông Bảy, đó là cánh đánh “nắm thắt lưng”, ông chỉ quyết định bóp cò khi đã tận mắt thấy phi công, đọc rõ số hiệu trên máy bay địch. Và chính cách đánh tiếp cận gần và mạo hiểm như thế, trong 7 lần siết cò, ông Bảy đều tiêu diệt được máy bay địch.
Tháng 10/2012, một đoàn phóng viên từ Mỹ sang đã phỏng vấn anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy. Và, đoàn phóng viên Mỹ đã bị ông Bảy “hút hồn”. “Họ bảo lão là một trong năm anh hùng không quân được nước Mỹ ghi nhận trong chiến tranh Việt Nam, chú thấy lão có oách không?”, ông Bảy vui vẻ kể chuyện, chòm râu bạc phất phơ theo cơn gió chiều. |
Với cách đánh khôn ngoan và sáng tạo đến phi thường ấy, ngày 29/6/1966, đơn vị của ông Bảy đánh nhau với tốp Thần sấm F105D của Mỹ khi chúng đánh vào kho xăng Đức Giang (Hà Nội) và đã hạ gục một chiếc, viên phi công chỉ huy là thiếu tá Murphy Neal Jones bị bắt làm tù binh. Hay như trận đánh ngày 24/4/1967, từ sân bay dã chiến Kiến An, đơn vị ông đã chiến đấu với tốp máy bay Mỹ đánh cảng Hải Phòng và ông Bảy đã bắn tan chiếc F8C do viên thiếu tá hải quân E. J Tucker lái. Khi những chiếc máy bay khác quay lại trả đòn, ông áp dụng cách quay ngoặt và đánh vòng tròn để tránh tên lửa của địch, khi phi công địch vẫn còn chưa đánh hết một vòng tròn, thì ông Bảy đã tiến sát bên cạnh, sau loạt đạn, ông bắn nổ tung chiếc F4H. Năm 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lược vũ trang.
Sau năm 1967, ông Nguyễn Văn Bảy chuyển sang làm nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn lớp phi công đàn em đi sau tiếp tục chiến đấu. Trong đó, đơn vị do ông nắm giữ đã đánh nhiều trận quan trọng như đánh bom Hạm đội 7 của Mỹ năm 1972, đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975. Khi được hỏi về trận Điện Biên Phủ trên không, anh hùng Nguyễn Văn Bảy cho biết, Điện Biên Phủ trên không đã vượt quá tầm chiến đấu của MiG 17, nó nhường lại cho máy bay hiện đại hơn là MiG 21 mà người bắn hạ B52 đầu tiên là anh hùng Phạm Tuân. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, máy bay MiG 17 đã trở thành một phần lịch sử hào hùng của không quân rồi.