| Hotline: 0983.970.780

Người bán báo dạo lừng danh

Thứ Sáu 22/06/2012 , 09:10 (GMT+7)

Mấy chục năm làm nghề bán báo dạo, Phạm Từ Long không những mua được đất, xây nhà mà còn nuôi được cả gia đình, cho 2 đứa con ăn học đàng hoàng,...

Mấy chục năm làm nghề bán báo dạo, Phạm Từ Long không những mua được miếng đất hẹp, cất ngôi nhà nhỏ ở nội thành TP HCM, nuôi được cả gia đình, cho 2 đứa con ăn học đàng hoàng, mà còn lập trúng thưởng khoảng 400 giải lớn nhỏ do các tờ báo tổ chức.

1.  Học hành cũng khá, nhưng hoàn cảnh không may mắn (cha mẹ mất sớm, phải sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con họ hàng), sức khỏe lại không có, nên từ mấy chục năm nay, Phạm Từ Long đành phải chọn đường phố làm chốn mưu sinh. Hơn 20 năm trước, khi mới từ Huế vào TP HCM, anh chọn ngay nghề bán vé số dạo. Ngày ngày lầm lũi đi về hàng chục cây số, khoản tiền kiếm được chẳng là bao. Nhưng vì biết tằn tiện, tiết kiệm từng đồng, nên trừ chi phí sinh hoạt, anh cũng để dành ra được một chút. Niềm vui duy nhất của Long khi ấy là những lúc rảnh rỗi mượn được một tờ báo nào đó ngồi đọc. Mê đọc báo, yêu từng tờ báo, Long quyết định chuyển nghề, từ bán vé số dạo sang bán báo dạo.


Phạm Từ Long và một số giải thưởng từ các cuộc thi do các báo tổ chức

Trước đây, Long đi bán báo dạo bằng xe đạp. Hàng ngày, từ Gò Vấp, anh đạp xe tới tận trung tâm thành phố ở quận 1 để bán báo. Quãng đường đạp xe bán báo mỗi ngày, cả đi lẫn về, tới khoảng bốn chục cây số. Sức khỏe yếu, lại phải đạp xe nhiều như thế, nên không tránh khỏi những lúc mỏi mệt, rã rời. Nhiều khi đang trên đường đi bán báo, thấy mệt quá, anh phải dừng xe lại, ngồi xuống bên đường, tính nghỉ ngơi một lát cho lại sức. Nhưng vì mệt tới ngồi nghỉ rồi... ngủ quên luôn, nên nhiều hôm tỉnh dậy, khi chiếc xe đạp cà tàng cùng mớ báo còn bán dở đã không cánh mà bay. “Tính ra, tôi đã bị mất tới 7 chiếc xe đạp”, Long nhớ lại, “Đã mất xe đạp lại còn phải bỏ tiền túi ra đền số báo bị mất, rồi tốn tiền đi xe ôm về nhà, buồn lắm”.

Bây giờ, Phạm Từ Long không lo bị mất xe đạp nữa vì anh đã chuyển về bán báo dạo gần nhà, mà “phương tiện” đi lại chính là đôi chân tuy gầy guộc nhưng bền bỉ, dẻo dai. Mỗi ngày, từ ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm trên đường 12 (phường 11, quận Gò Vấp), anh bắt đầu hành trình bán báo dạo của mình khi đi ra đường Lê Văn Thọ. Từ đó, anh đi lên đường Phạm Văn Chiêu, sang đường Lê Đức Thọ, rẽ qua đường Thống Nhất để tới đường Quang Trung, rồi vòng trở về Lê Văn Thọ. Dĩ nhiên, đó chỉ là hành trình cơ bản, vì mỗi hôm đi bán báo, anh phải xê đi, xích lại trên từng con đường, tìm tới những chỗ tập trung nhiều quán ăn, quán nhậu, là những nơi có thể bán được nhiều báo nhất. Đó là kinh nghiệm mà Long đúc kết được sau nhiều năm bán báo dạo.

Nhưng để bán được nhiều báo, còn phải có nghệ thuật bán hàng. Bởi nếu như đại đa số những người bán báo dạo thường đi bán báo vào buổi sán là thời điểm người dân TP HCM đọc báo nhiều nhất, thì Long lại bán báo từ chiều tới tối. Anh bảo: “Mình mới về bán báo gần nhà được mấy năm nay, khi mà những người hay đọc báo vào buổi sáng đã là khách hàng ruột của những người bán báo dạo ở đây từ trước. Nếu bán báo buổi sáng, không thể cạnh tranh được với người ta. Vì thế, tôi chọn thời gian bán báo từ chiều đến tối. Lúc ấy, bán báo khó hơn, nhưng mình lại có cái thế gần như độc quyền”

Dẫu được thế “độc quyền”, nhưng đế bán được báo vào buổi chiều và tối, Phạm Từ Long phải thường xuyên trổ tài thuyết phục khách hàng. Anh kể “Chiều tối mà mời người ta mua báo, thường bị chê là báo đã cũ rồi. Vì thế, tôi thường phải thuyết phục khách rằng mỗi tờ báo có giá trị trong 24 giờ. Nó chỉ cũ với người đã đọc. Còn nếu anh chưa đọc thì vẫn là mới, là cũ người mới ta. Anh chỉ bỏ ra có vài ngàn đồng để mua một tờ báo mà biết được rất nhiều thông tin thú vị trong đó”. Nhờ đó, suốt bao năm bán báo, dù nắng hay mưa, Phạm Từ Long chưa bị ế báo một ngày nào. Thu nhập từ bán báo dạo tuy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nghề này đã mang lại cho anh nhiều niềm vui.

2. Niềm vui thường ngày của Phạm Từ Long với nghề bán báo dạo là làm bạn đọc đầu tiên của nhiều tờ báo trong ngày, tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức, thông tin bổ ích trên báo chí. Nhờ đó, đến nay, Phạm Từ Long đã sở hữu cái kỷ lục mà không biết đã có thể nói là “có 1 không 2” hay chưa, đó là sở hữu khoảng 400 giải thưởng lớn nhỏ từ các cuộc thi do các báo tổ chức, hay những cuộc bốc thăm trúng thưởng do các doanh nghiệp tổ chức trên mặt báo. Giải nhỏ như giải ô chữ, giải câu đố trên các báo thì không kể hết. Những giải lớn như các cuộc thi viết, thi tìm hiểu về sự kiện nào đó, Long trúng cũng nhiều. Có thể kể ra đây như giải nhất cuộc thi tìm hiểu về SEA GAMES do Báo Thể thao Việt Nam tổ chức, trị giá 15 triệu đồng, giải ba và giải khuyến khích cuộc thi “Thổ công Sài Gòn 300 năm” trên Báo Tuổi Trẻ, trị giá 2,5 triệu đồng ...


Phạm Từ Long (giữa) nhận giải cuộc thi tìm hiểu Luật Bầu cử Quốc hội do Báo Người Lao động tổ chức

Nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà anh như tủ lạnh, quạt ..., cũng nhờ trúng các giải bốc thăm may mắn trên các báo, mà có. Có lần anh bốc thăm trúng thưởng trên Báo Thanh Niên, được giải là một chuyến du lịch sang Trung Quốc, trị giá 20 triệu đồng. Anh đem bán lại giải cho người khác, lấy 8 triệu đồng về đưa cho vợ để lo cho con cái ăn học và sinh hoạt hàng ngày. Long trúng giải nhiều tới mức cứ thấy anh bước vào tòa soạn, những người làm công tác bạn đọc ở nhiều tờ báo lại đoán ngay anh đến dể nhận một cái giải nào đó. Những giải thưởng ấy, không chỉ giúp anh có thêm thu nhập mà còn là niềm tự hào của tay bán báo dạo kỳ cựu này. Bởi tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nhiều người đã công nhận rằng Phạm Từ Long là người trúng nhiều giải trên báo nhất hiện nay, là một trong những người bán báo dạo thành công nhất ở TP HCM.

Nói Long là một trong những người bán báo dạo thành công nhất ở TP HCM, kể ra cũng không phải là lời tâng bốc quá đáng. Bởi nhờ bán báo dạo mà anh đã mua được đất để cất ngôi nhà nhỏ. Thực ra, tiền mua đất cũng có phần không nhỏ từ khoản để dành được trong thời gian bán vé số dạo. Nhưng bán vé số rồi bán báo dạo mà mua được đất, dù là với diện tích khá hẹp, ở ngay nội thành TP HCM hồi 20 năm trước, thì có được mấy người?

Mong muốn nhất hiện nay của Phạm Từ Long là tìm được ai đó có thể mua lại bộ sưu tập hơn 30 tờ báo mà anh tích cóp trong suốt những năm bán báo dạo đã qua. Thực ra, Long chẳng muốn chia tay bộ sưu tập này chút nào, nhưng vì cái gác xép nhà anh đã bị mối mọt quá rồi. Nếu không sớm gửi gắm được bộ sưu tập ấy cho một người mê báo nào đó, e rằng sẽ bị mối mọt xơi tái hết. Tiếc lắm!

Nhưng thành công và cũng là niềm vui lớn nhất mà Phạm Từ Long có được từ nghề bán báo, chính là một gia đình tuy nghèo nhưng giàu tình cảm, luôn tràn ngập những tiếng cười hạnh phúc. Nhắc lại chuyện lấy được vợ, Long cười: “Tôi đã nghèo lại còn xấu trai. Bao nhiêu năm trời chẳng quen được cô nào. Cuối cùng, tôi đành phải nhờ cậy tới chuyên mục làm quen của Báo Thanh Niên. Nhờ chuyên mục đó, đã làm quen được với cô ấy qua thư từ. Hai người thư qua thư lại cả một xấp dày mới gặp nhau. Đến khi gặp, thì cô ấy đã không nỡ... rút lui, thế là thành vợ, thành chồng”.

Cưới nhau năm 1998, đến nay, vợ chồng Phạm Từ Long đã có hai cậu con trai khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Đứa lớn là Thiên Phúc, học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Du, một trường có tiếng ở TP HCM. Con trai nhỏ là Khôi Nguyên, mới học hết lớp 5 và cũng đang xin vào trường của anh trai. Cứ nhắc tới vợ con là gương mặt xương xương, khắc khổ của Phạm Từ Long lại ngời lên vẻ hạnh phúc, mãn nguyện.

Và vì cái gia đình nhỏ ấy, mà dù đã có thể mở một sạp báo bên một lề đường nào đó để đỡ phải đi lại vất vả, nhưng Phạm Từ Long vẫn quyết định tiếp tục giữ nghề bán báo dạo. Anh bảo mình đi quen cái chân rồi. Vả lại, đi bán báo dạo, tuy có cực nhọc hơn nhưng lại không lo bị ế báo, vì thế có nhiều tiền hơn để mang về nuôi vợ con. Long cũng chẳng lo nghề bán báo dạo sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi sự cạnh tranh từ báo mạng, bởi theo anh, những bác đạp xích lô, các anh xe ôm, các bà các chị tiểu thương…, đâu có điều kiện để mà vô mạng coi báo. Do đó, anh tự tin sẽ còn sống được dài dài nhờ cái nghề mà cũng như là cái nghiệp này.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm