Sau dịch, một số hộ chăn nuôi ở Phú Thọ gắng gượng vào đàn. Ảnh: Mai Chiến. |
Trong lúc trông chờ tiền để tiếp tục chăn nuôi, nhiều hộ phải đi làm công nhân, số khác bán nhà, cắm sổ đỏ gắng gượng vào đàn.
Lũ lượt bỏ đi làm công nhân
Tính đến thời điểm này, Phú Thọ có gần 60 xã của 11 huyện, TP công bố hết DTLCP. Tuy nhiên tại các địa phương, người chăn nuôi chật vật xoay xở tìm hướng đi mới trong lúc chờ tiền hỗ trợ.
Yên Lập là huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, với 70% đồng bào dân tộc Mường, chủ yếu sống nhờ vào chăn nuôi. Sau dịch, chuồng trại người dân vẫn bỏ trống, nhiều người dân bỏ đi làm công nhân, một số hộ chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm…
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập, đến nay huyện có 5 xã công bố hết dịch. Dịch xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống nông dân, tình trạng nợ nần, mất việc làm phổ biến. Lựa chọn đầu tiên của nhiều hộ là chuyển đổi sang vật nuôi khác (trâu, bò, gà, vịt…) hoặc đi làm công nhân, phụ hồ…
Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, xã Thượng Long (huyện Yên Lập), kinh tế phụ thuộc vào đàn lợn 130 con, dịch xảy ra phải tiêu hủy hết. Suốt 3 tháng nay, chị Thủy mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ để trả tiền cám, tiền lãi ngân hàng còn nợ 500 triệu đồng.
Quanh năm chỉ biết trông chờ vào đàn lợn, lợn chết, gia đình chị chán nản, suy sụp tinh thần. Vợ chồng bàn nhau đi làm công nhân, bảo vệ hoặc chăm sóc người ốm ở bệnh viện. Đứng trước nhiều ngã đường, chị Thủy chọn đi làm công nhân, chồng ở nhà chăm sóc con cái và nuôi thêm 100 con gà để kiêm thêm thu nhập.
Chị Thủy chua chát: “Cuộc sống nhiều khi bí lắm, không biết xoay xở, bấu víu vào cái gì. Tôi bây giờ đi làm công nhân may mặc được 3 triệu đồng/tháng để trả lãi ngân hàng, chồng tính đi phụ hồ nhưng nhiều tuổi rồi không chỗ nào nhận. Người dân trong vùng có lợn chết đi làm thuê hết. Chúng tôi mong vào đàn lắm rồi, chờ tiền hỗ trợ từng ngày mà chưa có”.
Rơi vào cảnh éo le như hộ chị Thủy, chị Đinh Thị Ngọc Ngân, ở xã Hưng Long (huyện Yên Lập) vay ngân hàng 300 triệu để đầu tư nuôi lợn, chưa trả hết nợ, dịch nổ ra phải tiêu hủy cả 100 con.
Hết dịch, chị Ngân đắn đo lựa chọn công việc đi làm. Trước mắt, chị chọn đi giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bị ốm tại bệnh viện. Công việc vất vả, nhưng được trả lương khá cao 6-7 triệu đồng/tháng, nhờ thế chị có thể trả tiền cám, tiền lãi ngân hàng.
Chuồng trại người dân bỏ trống, chờ tiền hỗ trợ để tái đàn. Ảnh: Mai Chiến. |
“Thời gian này, tôi chỉ biết đi giúp việc, chăm sóc người già, người ốm tại bệnh viện thôi. Bây giờ không có tiền, không thể tái đàn, không thể chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt… Trước mắt đi làm thuê để trả lãi ngân hàng, cho các cháu ăn học, chứ lâu dài lấy vốn làm ăn thì chưa có”, chị Ngân rầu rĩ.
Nợ chồng nợ vẫn cố tái đàn
Chung cảnh như ở Yên Lập, người chăn nuôi ở TP Việt Trì (Phú Thọ) cũng lao đao vì chưa có vốn để tái đàn, trong khi nợ tiền tỷ ngân hàng. Dẫu khó khăn, một số trang trại quy mô lớn vẫn gắng gượng tái đàn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Việt Trì cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang giảm, hiện có 6 xã công bố hết DTLCP. Dù vậy đa số người dân vẫn lo lắng dịch tái phát nên chưa dám vào đàn. Chỉ một số hộ nuôi thăm dò với số lượng ít vài con đến vài chục con.
Số vào đàn mới có gia đình ông Nguyễn Ngọc Kiều, phường Thanh Miếu (TP Việt Trì). Trong 3 năm qua, trang trại 300 con lợn của ông phải gánh chịu dịch tai xanh, rồi đến đợt rớt giá, đặc biệt đợt dịch này ông mất gần 2 tỷ đồng. Đứng trước bước đường cùng, ông Kiều phải bán nhà trả nợ ngân hàng, tiền cám cho các đại lý, song còn nợ 300 triệu đồng.
Hơn 2 tháng nay, ông Kiều dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ chờ hết dịch để tiếp tục vào đàn. Ông nhận định cuối năm chắc chắn giá lợn sẽ cao, nếu tái đàn sẽ có chút gỡ gạc nhưng không phải thế mà ồ ạt tái đàn. Để đảm bảo tái đàn hiệu quả, chất lượng giống phải tốt, lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có bảo hành con giống, còn hàng trôi nổi không mua.
Bên cạnh đó, hệ thống chuồng trại xây dựng quy mô 500m2 theo tiêu chuẩn khép kín, với chi phí gần tỷ đồng, ông xác định không để phí vào chăn nuôi gia cầm, thủy cầm…
Một số hộ dân chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm. Ảnh: Mai Chiến. |
Ông Kiều chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào đàn lợn, dịch nổ ra, phải tiêu hủy số lượng lợn rất lớn, gia đình rơi vào khánh kiệt. Tôi đang chờ tiền hỗ trợ có sớm để tiếp tục tái đàn, chứ chuồng lợn chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm… hiệu quả không cao. Hiện tôi đang vay mượn nuôi thử 60-70 con lợn rồi”.
Còn với hộ bà Nguyễn Thị Kim Liên (phường Thanh Miếu) có đàn lợn 200 con chết sạch. Sau gần 3 tháng, gia đình bà chưa nhận được tiền hỗ trợ. Do nợ gần một tỷ tiền ngân hàng, bà phải cắm sổ đỏ để thế chấp. Để tránh chuồng bỏ trống, bà Liên chuyển sang nuôi gần 200 con gia cầm và đang xoay xở tiếp tục vào đàn.
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích nhân dân tái đàn. Người dân tái đàn phải báo cáo với chính quyền cơ sở, nếu không báo cáo mà tự làm, nếu dịch xảy ra sẽ không có hỗ trợ nữa. Hiện một số hộ dân chăn nuôi quy mô lớn chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm, thủy sản…; những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn, không chuyển sang chăn nuôi khác mà chỉ để chuồng trống”.
“Chúng tôi trả tiền hỗ trợ người dân theo từng tháng một, tháng nào trả tháng đấy. Cơ bản người dân đã nhận được tiền hỗ trợ. Tháng 7 vừa thẩm định xong, làm tờ trình trình UBND tỉnh. Việc triển khai chi trả cho người dân thuộc các huyện, TP”, ông Nguyễn Tất Thành. |