| Hotline: 0983.970.780

Người dân xã ATK vẫn phải dùng nước khe

Thứ Sáu 09/10/2020 , 08:08 (GMT+7)

Là xã vùng ATK (an toàn khu), Bằng Lãng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm do có hơn 10 mỏ chì kẽm và xưởng chế biến.

Chỉ thiếu nước sạch

Nà Niềng là thôn ở gần trung tâm của xã Bằng Lãng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có đường giao thông thuận tiện, có điện lưới quốc gia, gần trường học và trạm y tế…nhưng cái còn thiếu và cũng là niềm mong mỏi của người dân  là có nước sạch dùng trong sinh hoạt.

Trước đây, các hộ dân trong thôn chủ yếu dùng nước giếng đào, có một số ít ở gần nguồn khe nước thì dùng máng tre dẫn nước về. Nhưng theo người dân thì dùng nước giếng chất lượng nước không đảm bảo.

 Đến nay, nhiều hộ làm kinh tế có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, đã tự bỏ tiền đầu tư đường ống dẫn nước từ các khe núi về dùng, được cho là sạch, ngon hơn và đảm bảo chất lượng hơn nước giếng. Những nhà ở gần thì cũng phải kéo 4 – 500m, nhà ở xa thì hơn 1km là bình thường.

Những người dân Nà Niềng có điều kiện đã tự bỏ tiền đầu tư hàng km ống nhựa dẫn nước từ khe núi về. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những người dân Nà Niềng có điều kiện đã tự bỏ tiền đầu tư hàng km ống nhựa dẫn nước từ khe núi về. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trao đổi với phóng viên, một người dân là ông Lưu Văn Phúc chia sẻ, từ gần chục năm nay, gia đình không dùng nước giếng nữa mà đã mua ống dẫn nước về. Trước thì dùng vòi nhựa mềm, nhưng nhanh hỏng, phải thay và sửa liên tục. Vừa rồi đầu tư 4 cuộn ống nhựa HDPE, mỗi cuộn dài 200m với giá là 4 triệu đồng để thay thế, rất là tốn kém nhưng bà con vẫn phải chấp nhận.

Còn một số ít gia đình kinh tế còn khó khăn, như hộ ông Đào Văn Trai là một ví dụ. Ông Trai cho biết gia đình sử dụng giếng đào này đã mấy chục năm, bây giờ dùng vẫn tốt. Tuy nhiên gần nhà có ruộng lúa, cách khoảng 60m mét thì là con suối chảy từ mỏ quặng chì Nà Loọng (mỏ cũ không còn khai thác). Dù gia đình đào giếng sâu tới 12m, sâu hơn mặt ruộng, mặt suối tới hơn 5 – 6m, để có thể lấy được nước ở tầm sâu. Nhưng thực tế có độc hại hay không thì không biết.

Người dân mong muốn có nước sạch hợp vệ sinh do Nhà nước đầu tư để thay thế cho nguồn nước khe không ổn định và không qua hệ thống lọc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân mong muốn có nước sạch hợp vệ sinh do Nhà nước đầu tư để thay thế cho nguồn nước khe không ổn định và không qua hệ thống lọc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nỗi lo nguồn nước nhiễm độc

Những vấn đề ở thôn Nà Niềng, cũng chính là những tồn tại đang diễn ra tại xã Bằng Lãng. Cả xã có 10 thôn thì có tới 9 thôn người dân không được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh do Nhà nước đầu tư. Hiện chỉ có 1 thôn đã có sẵn nước sạch từ trước khi sáp nhập vào xã Bằng Lãng từ xã Phong Huân cũ vào tháng 3/2020.

Ông Đào Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã Bằng Lãng giải thích, mặc dù là xã nghèo vùng chiến khu xưa, nhưng do nằm trong vùng quân sự đặc biệt CT229 nên bị hạn chế trong việc nhận nguồn tài trợ các công trình xã hội nói chung từ nguồn nước ngoài, chứ không riêng gì lĩnh vực nước sạch. Mặc dù có nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, chúng tôi rất cần nhưng không thể tiếp nhận được. Nhiều năm nay, xã Bằng Lãng đã đề xuất lên huyện Chợ Đồn, nhưng huyện nghèo không bố trí được kinh phí thực hiện nên lại đề xuất lên tỉnh. Đến nay vẫn chưa được đầu tư.

Cũng theo ông Tranh, việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch ở Bằng Lãng là rất cấp thiết, bởi trên địa bàn xã có tới 13 mỏ khai khoáng quặng chì, kẽm và các nhà máy chế biến quặng đang hoạt động. Những đơn vị này đều nằm những nơi có địa hình cao hơn mặt bằng sinh sống của người dân rất nhiều, thậm chí là đầu nguồn nước, vì vậy việc ô nhiễm không chỉ nguồn nước mặt và cả mạch nước ngầm là khó tránh khỏi.

Nguy cơ mạch nước ngầm ở xã Bằng Lãng bị ô nhiễm do các hoạt động từ các mỏ quặng chì kẽm và xưởng chế biến khoáng sản, nhưng nhiều người dân Bằng Lãng vẫn phải dùng giếng đào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nguy cơ mạch nước ngầm ở xã Bằng Lãng bị ô nhiễm do các hoạt động từ các mỏ quặng chì kẽm và xưởng chế biến khoáng sản, nhưng nhiều người dân Bằng Lãng vẫn phải dùng giếng đào. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân trong xã rất mong sớm được Nhà nước đầu tư các công trình nước sạch, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt của người dân, mà còn giảm được nguy cơ nhiễm bệnh về sau do nguy cơ ảnh hưởng từ các mỏ khai khoáng và các xưởng chế biến.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.