Điểm sáng trong quản lý
Vi Hương, xã của huyện miền núi Bạch Thông nơi có 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch cộng đồng, đươc đánh giá là một trong những điểm sáng trong quản lý các công trình nước sạch ở tỉnh Bắc Kạn. Đã cả chục năm nay, không bao giờ nghe thấy việc có người dân phàn nàn về chất lượng nguồn nước, cũng như thiếu nước sinh hoạt hay vấn đề không đảm bảo vệ sinh nào khác.
Khi được hỏi vì sao xã lại quản lý tốt như vậy, ông Lường Văn Ninh, cán bộ phụ trách lĩnh vực nước sạch của UBND xã Vi Hương chia sẻ: Từ những năm 2000, ở xã đã có công trình nước sạch đầu tiên được xây dựng do tổ chức phi Chính phủ Chilfun tài trợ.
Mặc dù chưa lắp đồng hồ, nhưng xã đã thành lập tổ quản lý để thường xuyên đi nhắc nhở bà con nêu cao ý thức tiết kiệm vì cộng đồng, động viên bà con đóng tiền sử dụng theo hộ để có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Đến năm 2008, tất cả các công trình được lắp đặt đồng hồ nước, thu tiền theo số công tơ là 1.000đ/m3, để còn có kinh phí vận hành, quản lý.
"Tuy là phí như vậy là thấp, nhưng như vậy phù hợp với điều kinh tế còn nghèo của nhân dân trong xã. Khi nào mà sửa chữa có phát sinh cao hơn, thì bà con lại tự nguyện đóng góp thêm. Chính vì không muốn mất tiền, nên ai cũng có ý thức sử dụng và bảo vệ công trình", ông Ninh chia sẻ thêm.
Áp dụng trên toàn tỉnh
Lý do của nhiều công trình không hiệu quả sau khi đi vào sử dụng phần lớn đến tự việc buông lỏng quản lý, không thu tiền sử dụng, để người dân dùng tự do,… Thậm chí vì không mất tiền nên có nhiều người xả nước bừa bãi, xả cả xuống ao, xuống ruộng, khiến cho nhưng hộ dân ở cuối nguồn không có nước dùng. Lâu ngày sinh ra mâu thuẫn, người dân tự phá hoại công trình, hoặc lâu ngày mắc rác, mắc cây dẫn tới hư hỏng nhưng không có người sửa chữa, hoặc không có kinh phí.
Vì lý do đó, sau này tất cả các các công trình nước sạch cộng đồng đều được lắp đặt đồng hồ nước, những công trình cũ được lắp đặt bổ sung là 6.600 đồng hồ vào tới tận các gia đình. Các công trình được giao cho các tổ quản lý tại chỗ, tự hạch toán kinh phí vận hành, sửa chữa và có lương cho cán bộ tham gia.
Những người tham gia các tổ quản lý sẽ được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh tổ chức cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về kỹ năng quản lý, vận hành và sửa chữa. Đồng thời được đi tham quan học tập thực tế tại các mô hình đang quản lý hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Hơn 100 công trình không hoạt động
Năm 2019 đã sửa chữa được 12 công trình nước sạch hư hỏng đưa vào sử dụng, còn năm 2020 là 15 công trình. Nhưng hiện tại vẫn còn nhiều công trình đang không phát huy được hiệu quả, thậm chí là đã dừng hoạt động từ lâu.
Cụ thể, có tới 16% trong tổng số 640 công trình nước sạch của toàn tỉnh, tương đương với con số khoảng hơn 100 công trình đang dừng hoạt động do đã hư hỏng từ nhiều năm trước đây. Ngoài lý do quản lý yếu kém, còn một nguyên nhân khác là thời điểm hiện tại, nhiều nơi nguồn nước thay đổi do trồng rừng, do biến đổi khí hậu,…
Giải thích cho lý do vì sao có tới cả trăm công trình không được sửa chữa, đưa vào sử dụng như vậy, ông Bế Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết: Kinh phí để sữa chữa các công trình này là rất lớn, tỉnh nghèo nên bố trí nguồn vốn hạn chế, chủ yêu nhờ vào các cơ quan Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn thì mới có thể sớm khắc phục được tình trạng trên.
Vì vậy mà, những nơi có công trình nước sạch cộng đồng bị hư hỏng, hoặc chưa có thì người dân đang khắc phục tạm thời bằng cách tự đầu tư đường ống kéo về, hoặc đào giếng khoan để lấy nước dùng tạm.