| Hotline: 0983.970.780

Người đứng đầu tâm không sáng sẽ chi phối hoạt động tập thể

Thứ Sáu 22/12/2017 , 08:28 (GMT+7)

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, ở đâu người đứng đầu đề cao trách nhiệm của mình, kiểm soát tốt hệ thống, là ngọn cờ khơi dậy sinh khí đấu tranh phê bình trong nội bộ tốt thì ở đấy tập thể mới trong sáng, giải quyết mọi việc khách quan. 

Còn ở đâu người đứng đầu cấp ủy mà cái tâm không sáng, lại lo vun vén lợi ích cá nhân thì dễ chi phối hoạt động của tập thể.

15-52-02_db_le_thnh_vn
ĐBQH Lê Thanh Vân

Trả lời phỏng vấn NNVN, về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta trong năm 2017, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, Đảng đã có nhiều đột phá, có những đột phá làm cho nhiều người ngạc nhiên. Với quyết tâm của Đảng và người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân, cán bộ, đảng viên rất tin tưởng vào những việc làm đúng đắn của Đảng.
 

Sau vi phạm là dối trên lừa dưới

Thưa ông, việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và khởi tố ông Đinh La Thăng, ông Phan Đình Đức cho thấy không có vùng cấm trong xử lý đảng viên vi phạm. Song dư luận vẫn đặt câu hỏi, đâu là điểm yếu trong kiểm soát quyền lực của ta hiện nay?

Việc xử lý kỷ luật một loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thời gian qua cho thấy kỷ cương của Đảng đang được siết chặt theo đúng quy định. Suốt một thời gian dài vấn đề kiểm soát quyền lực còn buông lỏng, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở, cộng với quyết tâm chưa cao làm nảy sinh nhiều tiêu cực, sai phạm.

Ở đây có mấy vấn đề, một là các quy định giám sát kiểm tra giữa các bộ phận cấu thành trong bộ máy Đảng và nhà nước quy định chưa chặt chẽ. Hai là việc bố trí cán bộ chưa đủ tâm, chưa đủ tầm để giữ vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ. Ba là, tiếng nói của nhân dân, truyền thông trong thời gian qua rất quan trọng.

Chúng ta thấy, những vụ việc được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị kết luận là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, lại không phải từ sự tự giác, thành khẩn khai báo của cá nhân, tổ chức vi phạm. Cũng không phải từ sinh hoạt nội bộ, đấu tranh phê bình trong tổ chức đảng. Hầu hết các vụ việc được dư luận xã hội và từ báo chí phản ánh.

Khi sự việc vỡ lở, những cá nhân, tổ chức trót “nhúng chàm” không những không tự giác nhận trách nhiệm, mà còn quanh co, chối tội. Đơn vị, tổ chức trực tiếp liên quan thì tìm mọi cách bao che, bưng bít thông tin, khi buộc phải kiểm tra, xem xét thì làm lấy lệ, có biểu hiện dối trên lừa dưới, coi thường dư luận.

Vụ việc ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá minh chứng cho điều đó.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Khi ông Tuấn làm Giám đốc Sở Xây dựng thì ông Trịnh Văn Chiến làm Chủ tịch UBND tỉnh. Nay ông Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị Ban Bí thư kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng thì ông Chiến đang là Bí thư Tỉnh ủy. Vậy theo ông, Đảng cần xem xét trách nhiệm của ông Trịnh Văn Chiến đến đâu?

Ngay trong Quy định 181 và mới đây là Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm đã quy định rất rõ về xử lý trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm. Chiếu theo Nghị quyết Trung ương 4 thì việc xử lý này là không khó.

Vấn đề đặt ra là vì sao Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn nhẹ như thế? Nhiều người cho rằng như thế là không bình thường. Vấn đề lúc này là phải xem xét trách nhiệm của tập thể, từng thành viên trong tập thể và trách nhiệm của người đứng đầu tập thế đó.

Có những vua con ở địa phương

“Từng đi luân chuyển ở địa phương làm Phó Bí thư tôi biết rất rõ bộ mặt thật của việc sử dụng quyền lực ở địa phương. Nếu các cơ quan Đảng của cấp trên, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà không sâu sát, không kiểm soát được thì rất dễ có những vua con ở địa phương.

Những vua con này sẽ muốn làm gì thì làm, nào là đưa con trai, em gái, con rể… vào bộ máy. Họ từng sử dụng quyền lực của một vua con để chi phối hoạt động tập thể, bê cả thùng phiếu từ tầng 5 xuống tầng 1 và tắt bóng điện để kiểm phiếu nhằm làm ảnh hưởng kết quả. Bằng những thủ đoạn ấy để khống chế cá nhân, tập thể của những ông vua con như thế đã đến lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần xem xét lại toàn bộ, kể cả những địa phương khác, cả những nơi từng xảy ra điểm nóng”, ĐBQH Lê Thanh Vân kiến nghị.

Trong một thời gian dài, trên cương vị là Ủy viên Ủy ban, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã “Ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định... Quyết định thành lập mới một số ban chuyên trách trực thuộc Sở trái thẩm quyền, trái các chủ trương của Đảng, Nhà nước …” đã không được Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ các văn bản trái quy định (theo khoản 5 Điều 22 Luật tổ chức chính quyền địa phương). Vậy thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến lúc bấy giờ đến đâu?

Việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 – 2020 kỷ luật ông Tuấn ở mức khiển trách được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là chưa tương xứng với tính chất, mức độ lỗi phạm theo quy định của Đảng. Vậy tới đây Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân người đứng đầu là ông Trịnh Văn Chiến sẽ tổ chức kiểm điểm như thế nào theo yêu cầu của Trung ương? Họ sẽ tự nhận hình thức kỷ luật ở mức nào hay chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc?
 

Thiếu liêm sỉ, tự trọng thì hay lỗ mãng

Tương tự, việc Yên Bái xử lý kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN - MT bằng cách cho làm Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh liệu như thế có coi thường dư luận và có được xem là nâng đỡ không trong sáng gia đình ông Phạm Sỹ Quý không, thưa ông?

Đúng là điều dư luận đòi hỏi là phải xử lý nghiêm trường hợp này vì ông Quý là em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Muốn làm rõ vấn đề này thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc, kiểm tra Cấp ủy, người đứng đầu Cấp ủy ở Yên Bái để xem Yên Bái có bao che, có làm trái các quy định không?

Ví dụ như ở Thanh Hóa hay Quảng Nam, nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương không vào cuộc thì việc xử lý của chính quyền địa phương và báo cáo của cơ quan chuyên môn là không thật, sai lệch rất lớn với thực tế. Rõ ràng là có sự bao che, nể nang, thậm chí có thể có chi phối kết quả thanh tra trước đó.

Qua một năm có nhiều người bị kỷ luật, khởi tố lại là con cháu quan chức. Ông có bình luận gì trước việc nhiều quan chức cứ lót ổ cho con nằm theo kiểu tầm gửi?

Tôi chưa thấy thời kỳ nào lại phát căn bệnh đưa người nhà, người thân, đồng hương, đồ đệ vào trong bộ máy ghê như giai đoạn này. Căn bệnh đó là để trục lợi quyền lực, từ quyền lực đẻ ra tham nhũng. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có một đánh giá sát thực, xử lý còn chưa nghiêm minh. Trường hợp nào cũng nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng thực tế có phải thế đâu.

Dĩ nhiên không loại trừ có tài, đức nhưng thường là cha, là ông của họ có lòng tự trọng, có liêm sỉ. Tôi muốn nhắc đến thời kỳ những năm đất nước có chiến tranh, khó khăn. Ông Đặng Xuân Kỳ là một người có phẩm chất, có năng lực nhưng vì thanh danh của gia đình, dòng họ, ông đã không dựa dẫm vào vị thế của người bố là ông Đặng Xuân Khu (Tổng bí thư Trường Chinh) và nhiều trường hợp khác của các bậc tiền bối như câu chuyện của ông Kỳ.

Còn bây giờ người ta đưa con, cháu vào làm việc một cách lỗ mãng, phải chăng người cha, người ông của họ không có liêm sỉ và lòng tự trọng? Khi dư luận nêu ra thì họ leo lẻo là đúng quy trình, có người trơ trẽn đỗ lỗi do cấp dưới tham mưu.

Vì quan hệ huyết tộc, lợi ích mà có người đứng đầu bất chấp tiêu chuẩn cán bộ, bổ nhiệm em gái từ nhân viên tạp vụ lên đến PGĐ Sở; bổ nhiệm cả người từng phạm tội làm Bí thư Huyện ủy, con trai ăn chơi trác táng làm lãnh đạo Sở; con rể làm Bí thư Huyện ủy đến 9 giờ sáng họp Ban Thường vụ, anh em gọi điện mới biết ngủ chưa dậy.

Xin cảm ơn ông!

Có một vấn đề chung giữa câu chuyện Yên Bái và Thanh Hóa là cho đến giờ phút này, các cơ quan chức năng không làm rõ được nguồn tài sản kếch xù của những người vi phạm từ đâu mà có? Phải chăng chúng ta đang thiếu luật hay do nể nang, né tránh?

Nể nang, né tránh thì có, còn hành lang pháp lý và cách làm thì không thiếu. Theo tôi cứ điều tra từng tuyến sẽ bóc tách ra được ngay. Cứ tiếp cận từng kênh, xử lý dứt điểm từng quan hệ một thì sẽ ra hết. Chẳng hạn tài sản của cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa thực ra không khó để tìm ra nguồn gốc. Vấn đề là cơ quan chức năng phải đối chất với cô Quỳnh Anh để lý giải nguồn tài sản từ đâu mà có.

Có một điều vô lý, rất phi lý là ngay cả Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa khi tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với cô Quỳnh Anh cũng không gặp cô ta được. Một cơ quan kiểm tra của Đảng mà lại không triệu tập được được người bị kiểm tra để đối chất liệu đã thuyết phục dư luận chưa? Có gì mờ ám trong đó? Có ai đứng đăng sau chi phối không? Cái đó, Trung ương cần tiếp tục làm rõ để vụ việc được kết luận công tâm, khách quan.

 

Xem thêm
Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất