| Hotline: 0983.970.780

Người hùng bản Tưn

Thứ Tư 10/10/2012 , 09:35 (GMT+7)

Anh Mùi Văn Quân được coi là người hùng bởi anh đã bỏ công sức, tiền của làm con đường hơn 1km rộng 4m cho bà con dân bản phát triển sản xuất.

Ở bản Tưn, xã Xuân Nha (huyện Mộc Châu, Sơn La), người dân gọi anh Mùi Văn Quân (dân tộc Mường, SN 1975) là người hùng. Bởi anh đã bỏ công sức, tiền của làm con đường hơn 1km rộng 4m cho bà con dân bản phát triển sản xuất.

>> Độc đáo mái nhà long lanh
>> ''Thánh địa'' trăn núi

Xóa đường “âm phủ”

Bao đời nay, người dân ở bản Tưn coi con đường vào khu đất canh tác suối Lựp là đường xuống “âm phủ” bởi nó được dựng theo phương thẳng đứng. Đất dưới khu suối Lựp rất phì nhiêu nhưng con đường dài hơn 1km bị án ngữ bởi vách đá dựng đứng, người dân không thể xuống canh tác nên đất đai bị để hoang phí, cỏ mọc um tùm.

Người Mường ở đây nói, nếu ai xuống được suối Lựp thì coi như đã thắng được tử thần, chứ đừng nói chi đến chuyện làm đường.

Ấy vậy mà Mùi Văn Quân đã làm được điều phi thường ấy.

Chúng tôi biết anh Quân qua lời giấy thiệu của một cán bộ đồn biên phòng Xuân Nha (Mộc Châu, Sơn La). Quân là gương điển hình làm kinh tế ở nơi đây, hiện đang chiếm vị trí quán quân về diện tích trồng ngô của xã. Ngoài ra, anh còn kiêm thêm việc thu mua ngô, buôn bán hàng tạp hoá, mở dịch vụ vận tải. Mỗi năm trừ cho phí, Quân thu về cả trăm triệu đồng từ việc kinh doanh các mặt hàng này.

Sinh ra và lớn lên ở bản Tưn, Quân đã thấu hiểu việc lên nương với những con đường đi lại rất khó khăn. Muốn đến được nương ngô, nương lúa phải qua bao ngọn đồi, vách đá. Để có được hạt thóc, bao ngô phải gùi mất cả ngày đường mới đưa về nhà được. Có những hộ mất cả tháng trời vận chuyển bằng cách mang vác, gùi mà không xuể, khiến sản phẩm làm ra chẳng lời lãi được bao nhiêu, vì thế cuộc sống cứ thế đói nghèo dai dẳng.

Khi hỏi về việc mở đường, Quân tỏ ra e ngại, rồi bảo chúng tôi: “Việc làm của tôi có gì to tát đâu mà các anh viết bài. Tôi làm đường vì tôi tiếc cho vùng đất ở suối Lựp, đất đai màu mỡ, vậy mà bà con để hoang không sản xuất được cây gì. Bởi đường vào đó không có nên bà con muốn trồng ngô, sắn, dong riềng thì xe không vào được để chở đi bán. Còn nếu có đường đi, xe vào tận nơi thu mua thì mỗi hộ dân trong bản sẽ bỏ túi kha khá tiền".

Ý nghĩ thì tốt đẹp như vậy nhưng để làm đường bằng sức người thì không hề dễ dàng. Quân tính đến việc mua máy xúc để làm đường, có như thế mới hoàn thành sớm và bớt tốn công sức.



Anh Mùi Văn Quân bỏ tiền của làm ra còn đường 1km cho dân bản phát triển sản xuất

Quân đem ý tưởng táo bạo ấy bàn với vợ. Vợ Quân lắc đầu nguây nguẩy. Nhớ lại những ngày ban đầu, vợ Quân - chị Đinh Thị Lộc kể: Nghe chồng bảo kiếm 300 triệu mua máy xúc về làm đường, tôi hỏi chồng có “điên” không, bởi bao nhiêu năm vợ chồng tích góp mới được hơn 100 triệu đồng, giờ bỏ ra mua máy móc thì coi như mất không.

 Rồi anh Quân bảo với tôi rằng: “Có đường, xe chạy vào tận nơi thì ngô, sắn… sẽ được bán hết. Người dân sẽ giàu có và vì thế gia đình mình cũng khấm khá lên”. Nghe chồng nói vậy thì tôi chỉ còn nước xuất tiền ra để anh Quân mua máy thôi.

Ngay khi được vợ xuất tiền, Quân chạy ra thị trấn Mộc Châu tiếp tục vay mượn bạn bè và ngân hàng để mua một chiếc máy xúc đã qua sử dụng với giá 300 triệu đồng.

Có máy, rất nhiều lần Quân cơm đùm cơm nắm vượt rừng, băng núi đi thăm dò con đường để thiết kế. Ngày đem máy về, dân bản bảo Quân là "thằng khùng", “thần núi” còn chịu huống là con người. Vách đá núi dựng thẳng, đi bộ còn phải trèo thì làm sao mà mở đường được?

Mặc cho mọi người can ngăn, Quân vẫn thuê người lái máy xúc và bắt tay vào công việc. Ai ngờ, khi máy xúc tiến vào đây cũng chịu đầu hàng. Quân lại đành phải chạy vạy xin phép cơ quan chức năng để được nổ mìn phá đá.

Vậy là quãng đường 1km cũng hoàn thành (từ có ý tưởng, đến khảo sát và hoàn thành, anh Quân mất tròn 1 trăm trời, từ 2007 - 2008). Ngoài sức mình, Quân thuê thêm 3 nhân công khoan đá và một người lái xúc với thù lao 150 đồng/ngày. Mìn nổ đến đâu, Quân đưa máy vào san ủi và cạy đá đến đó.

 Tôi hỏi: Thế trong vòng một tháng mất bao nhiều tiền xăng dầu, thuốc nổ? Quân cười: “Anh hỏi vậy thì thách đố tôi rồi. Tôi có ghi vào sổ sách đâu? Hết thì mua đổ vào chứ có ai tính toán gì. Còn thuốc nổ thì tôi nhớ, bởi mỗi lần đi mua phải qua nhiều thủ tục giấy tờ. Hết tròn 2 tạ”.

Đem về cho bản 740 triệu đồng/năm

Hiện mỗi vụ ngô, Quân đứng ra thu mua cho bà con dân bản. Quân không nợ hay thiếu ai một đồng nào. Và năm nay Quân đã mua được trên 200 tấn ngô, chưa kể sắn, dong riềng. Quân tính toán, với giá ngô tươi hiện bán 37.000 đồng/kg thì 36 hộ dân bản Tưn thu về 740 triệu đồng, bình quân mỗi hộ thu về hơn 20 triệu/năm. Đó còn là chưa tính hàng chục ha dong riềng, sắn…

Ông Hà Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Nha, cho biết:

"Anh Mùi Văn Quân không những mở đường vận chuyển ngô, dong riềng đi tiêu thụ mà còn cung cấp giống cho người dân sản xuất. Bên cạnh đó anh còn là gương điển hình làm kinh tế cho người dân noi theo. Anh Quân đã tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương, xứng đáng là "người hùng của bản Tưn" như mọi người phong tặng".

Quân cũng là người đứng ra cung cấp ngô, dong riềng giống cho người dân. Mỗi vụ Quân tự bỏ tiền túi mua 1 tấn ngô và 7 tấn dong riềng giống cung cấp cho bà con mà không lấy một đồng tiền lãi nào. Việc làm này khiến chúng tôi thắc mắc. Nghe xong Quân lên tiếng: “Tôi không lấy tiền lãi của người dân nhưng có một ràng buộc là cuối vụ bà con phải bán ngô, dong riềng cho tôi. Thị trường mua giá bao nhiêu, tôi mua như vậy. Nói chung là cả hai bên đều có lợi”.

Anh Mùi Văn Kiên, một trong những hộ dân trồng ngô ở khu vực suối Lựp, tâm sự: “Trước đây khi chưa có đường, khu vực này chả ai đoái hoài tới. Nay có con đường của anh Quân, xe ô tô vào tận nơi, chúng tôi chỉ có mỗi việc đưa nông sản từ trên nương xuống đường cách vài ba trăm mét, bốc lên xe rồi ngồi tính tiền".

Cũng là người dân bản Tưn, chị Mùi Thị Hồng trồng 3ha ngô. Vụ vừa rồi, chị thu về hơn 25 triệu đồng, hiện đang còn 1 nương dong riềng chưa thu hoạch, dự tính sẽ thu về 5 triệu đồng nữa.

“Trước đây, chúng tôi muốn trồng ngô thì phải ra tận thị trấn Mộc Châu mua giống nhưng có vụ trồng xuống mà chả cho thu hoạch. Nhưng từ khi có ngô giống của anh Quân thì sản lượng tăng cao, sâu bệnh ít. Không những thế, anh còn bày cách cho bà con trồng cấy sao cho hiệu quả nữa. Với 3ha trồng ngô, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 20 triệu đồng”, chị Hồng tâm sự. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm