| Hotline: 0983.970.780

Người làm yên ngựa trên cao nguyên

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:54 (GMT+7)

Tôi gặp được Dũng 'ngựa' hay Dũng 'cao bồi' trên cao nguyên Đà Lạt. Xem ra anh còn xuân hơn tuổi bởi tác phong nhanh nhẹn và rất 'cao bồi'.

Dũng 'cao bồi' trên cao nguyên.

Dũng "cao bồi" trên cao nguyên.

Tôi là khách không hẹn mà đến. Vui mà tìm anh. Cứ loanh quanh mãi theo địa chỉ mung lung rằng, anh ở khu ga Trại Mát- cách thành Phố Đà Lạt chừng 5 Km. Đã rẽ vào năm nẻo đường để hỏi nhưng vẫn không ra.

Trời bỗng mưa. Một cơn mưa rừng ào ào tháng hè nhưng vẫn lạnh. Tôi vội chạy vào một mái hiên bên đường dẫn tới đồi thông hai mộ. Bất ngờ một chiếc Vespa chồm tới. Một cái mũ cao bồi ngẩng lên. Cặp mắt xếch nhìn thẳng tôi hỏi có phải đang tìm Dũng “ngựa” không. Tôi gật đầu. Anh vỗ ngực nói: “Tôi đây. Nghe có người nhắn. May quá tìm được anh”.

Vậy là tôi gặp được Dũng “ngựa” hay Dũng “cao bồi” trên cao nguyên Đà Lạt. Xem ra anh còn xuân hơn tuổi bởi tác phong nhanh nhẹn và rất “cao bồi”. Nhìn anh cũng có thể đoán ra tuổi, bởi đôi mắt ngựa, tóc đuôi ngựa và thường đội chiếc mũ phớt rộng vành cùng chiếc răng hổ luôn đeo trước ngực. Nhìn dáng anh hơi còng lưng khi rướn con Vespa leo dốc tôi hình dung anh đang cưỡi ngựa phi lên đồi cỏ xanh. Và đó là ngôi nhà trước vườn cây đầy hoa Cẩm tú Cầu.

Vừa ngồi vào bàn trà, anh lôi ra cho tôi xem một số mẫu yên ngựa mà anh vừa đóng xong. Khách tận Pháp đặt hàng. Tôi ngạc nhiên vì đó là một cái yên ngựa mầu trắng nuột nà với những đường may đều tăm tắp. Anh ngắm lại nó với một cảm xúc khác lạ. Tôi nghĩ đôi mắt xếch ấy đang nhớ lại biết bao ký ức theo thời gian tràn về. Anh quỳ trước những chiếc yên ngựa và kể câu chuyện vì sao mình lại trở thành người đóng yên ngựa ở xứ sở cao nguyên Lâm Viên này.

… Mười tuổi anh đã trở thành người chăn ngựa cùng với bố ở trường đua Phú Thọ, Sài Gòn ngày ấy. Đó là những ngày cậu bé Nguyễn Anh Dũng chăm sóc những miếng cỏ non cho từng chú ngựa vào cuộc thi. Dũng còn là người bạn hiền của những chú ngựa, mỗi khi có tiếng động lạ trong đêm. Rồi những giấc mơ hiện về. Những vó ngựa tung trên thảo nguyên mênh mông. Cậu bé Dũng ước có một ngày được cưỡi những chú ngựa phi nước đại lên đỉnh núi.

Thế rồi cầu được ước thấy khi lớn lên, Dũng được cùng bố trở về quê hương Đà Lạt sinh sống, và gắn bó cuộc đời với ngựa. Đà Lạt gắn bó với hình ảnh chiếc xe ngựa và những chú ngựa của người Lạch thường phi qua thảo nguyên mênh mông. Dũng như bị mê muội với vó ngựa.

Từ đó, Nguyễn Anh Dũng dẫn một tuấn mã của gia đình lên khu đồi du lịch để cho mọi người chụp ảnh. Nhiều kỷ niệm với du khách khi thuê ngựa của anh để chụp ảnh. Không ít người bị ngã chỉ vì ngựa không có yên. Hầu như tất cả những người chăn ngựa ngày ấy đều phi ngựa không có yên.

Anh nhớ có lần một cô bé ngã ngựa vì không có yên để bám vào. Nhìn đôi mắt cô bé tỏ ra hoảng hốt vì sợ hãi, Dũng nghĩ ngay đến cần phải có một chiếc yên trên lưng ngựa. Nó vừa an toàn cho mọi người và cũng tôn vinh dáng đẹp của chú tuấn mã. Anh chắc lúc đó sẽ nhiều du khách tìm đến chụp ảnh.

Hai bố con anh đã phải đi mượn một chiếc yên ngựa của một người Pháp để lại từ xưa. Một đêm thức trắng để “mổ” yên ngựa. Vừa dỡ từng mũi chỉ may, vừa vẽ lại và đo đạc những mẫu da ghép nối, hai cha con anh Dũng hì hục ghi chép từng chi tiết trên khung gỗ được bọc da. Đặc biệt khi ghép lại như cũ không dễ dàng chút nào.

Phá ra thì dễ nhưng bọc lại mới là một bài học để đời. Làm đi làm lại hai bố con Dũng thuộc từng thao tác cần thiết và chặt chẽ nhất. Khi tiếng gà gáy sang canh tư, chiếc yên mới bọc lại được y nguyên như cũ. Đó là một đêm của năm 1983, Nguyễn Anh Dũng tròn 17 tuổi, và trở thành người đóng yên ngựa đầu tiên ở thành phố sương mù này…

Góc kỷ niệm của Dũng 'ngựa'.

Góc kỷ niệm của Dũng "ngựa".

Từ đó nhiều người chăn ngựa tìm đến. Nhiều chủ xe kéo ngựa tìm đặt hàng. Rồi vài năm sau là những khách từ Hà Nội và Sài Gòn lên tận nơi đặt Nguyễn Anh Dũng làm yên ngựa, với nhãn mác “Made in DaLat”. Tiếng lành đồn xa. Cái tên Dũng “yên ngựa”, gọi tắt là Dũng “ngựa” có từ đó.

Dân trên cao nguyên này còn gọi anh là Dũng “cao bồi” vì anh cưỡi ngựa cũng rất đẹp, với những đường phi nước đại như bay trong sương vậy. Một bất ngờ đến với Nguyễn Anh Dũng khi có đơn đặt hàng làm yên ngựa từ Mỹ, hay Pháp gọi về. Nhiều ngày mọi người trong gia đình đều phải bắt tay vào làm phụ cùng anh, để kịp trả hàng theo hợp đồng.

Khi nghe anh kể chuyện, tôi mới hay chung quanh bộ yên ngựa còn nhiều những chi tiết không thể thiếu như dây ức, dây đuôi, khớp miệng ngựa và dây cương…Tất cả đã trở thành một bộ thời trang cho yên ngựa.

Ngựa hay cần phải có bộ yên đẹp và hợp với mầu da và dáng dấp. Một chiếc yên da được thiết kế phong cách hiện đại nhưng lại phải êm ái không làm đau lưng ngựa. Đường dài là vậy. Người cưỡi ngựa vừa an toàn vừa thấy mình được tôn lên vẻ đẹp bởi chiếc yên da êm ái. Điều đó đòi hỏi người làm yên ngựa phải nghiên cứu kỹ tâm lý người cưỡi ngựa và phải tính toán từng chi tiết trên lưng ngựa để thiết kế kiểu mẫu thích hợp.

Tôi chợt hỏi, tính đến nay, anh đã làm được bao nhiêu chiếc yên ngựa. Anh ngớ người tính không ra, bèn rút ngăn kéo giở sổ ghi chép về những khách hàng đã đặt từng năm một. Kể cả khách nước ngoài và trong nước tổng số cũng phải đến hơn ba trăm bộ.

Anh còn nói, có năm khách hàng đặt tới 50 bộ yên ngựa, phải thuê thêm cả chục thợ may và cắt da làm cả ngày cả đêm mới kịp trả hàng. Có thể nói Nguyễn Anh Dũng là người đầu tiên và cũng là người duy nhất làm yên ngựa ở thành phố Đà Lạt.

Thế rồi câu chuyện của chúng tôi cứ lan man quanh chuyện về ngựa ở Đà Lạt. Anh kể, gần đây có cuộc thi ngựa của người Lạch, nhưng ngựa đều không có yên. Thế mới khó. Tôi không thể hình dung các vận động viên sẽ phải ngồi trên lưng ngựa thế nào.

Anh Dũng nói, họ không thể ngồi vì buộc phải đứng trên bàn đạp để điều khiển dây cương. Họ thi phi nước đại và mở nước rút với độ nghiêng người rất kỳ diệu. Đó là những kỵ mã dũng cảm. Có người ngã vì bị ngựa hất tung khi ngồi trên lưng chúng. Vậy mà họ ngồi bật dậy và lại nhảy lên lưng ngựa thi tiếp, không chịu bị bỏ rơi giữa chừng.

Nguyễn Anh Dũng lại chợt nhớ, có lần nghệ sĩ gạo cội Lý Huỳnh thuê tới 70 con ngựa để đóng phim dã sử, nhưng đều không có yên. Chính vì thế nên những cảnh chiến đấu và thể hiện tinh thần của chiến binh trên lưng ngựa, ông đều phải thuê những kỵ mã người Lạch đóng thế. Lúc ấy mới biết chiếc yên ngựa quan trọng biết nhường nào.

Còn chuyện nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng, lúc sinh thời ông tham gia đóng phim có cảnh cưỡi ngựa, nhưng đã bị ngã gãy sống lưng phải chữa trị đến 6 tháng. Tìm hiểu nguyên nhân, vì chiếc yên không hợp làm đau lưng ngựa, nên nó đã hất ông ngã gãy xương. Đến nửa năm sau, phải đợi nghệ sĩ Hồ Kiểng khỏi đau, bộ phim mới được quay tiếp…

Chuyện mãi rồi cũng đến lúc phải tạm biệt. Cầm chiếc yên ngựa trắng đầy kỷ niệm trên tay, anh Dũng cùng tôi nhìn về phía hồ Than Thở, bên cạnh đồi thông hai mộ, và cùng im lặng. Tôi chợt nghĩ, có lẽ lúc này anh đang nhớ đến những ngày cùng bạn phi ngựa trên những nẻo đường dốc uốn lượn, vượt qua những đồng cỏ xanh.

Đó là những buổi sáng đầy sương bay. Hay đó là hoàng hôn vừa phủ bóng. Cùng chiếc yên ngựa đầu tiên, khi anh bế một cô bé lên chụp ảnh trên đồi cỏ xanh. Con ngựa cao lớn bước đi nhẹ nhàng như lướt trên thảm cỏ. Cô bé ngồi trên chiếc yên ngựa trắng, tay cầm dây cương vừa đập hai chân vào bụng ngựa, vừa ngoái lại nhìn anh, với nụ cười đẹp như bông hoa Mimosa dịu dàng hé nở trong ánh bình minh.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.