Chỉ học những mô hình thành công
Đó chính là chị Hoàng Thị Bình ở xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Lúc tôi đến đã là cuối tháng bảy, trời nắng như đổ lửa nhưng chị vẫn đi cùng máy để sang cấy 18ha cho 3 hộ ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Họ sản xuất muộn hơn để cách ly về thời vụ với lúa đại trà vì làm lúa giống.
Mấy chục năm trước, cũng như nhiều người khác ở quê, chị đi kinh tế mới trong Tây Nguyên, lăn lộn tới 10 năm nhưng vì điều kiện học hành của con cái mà lại ngược ra Bắc. Trở về, chị nuôi lợn và làm ruộng, cũng muốn sống một đời bình dị của nhà nông nhưng lại thấy thương dân mình tuy tiếng là Thủ đô mà vẫn phải còng lưng cấy, hè dưới nắng lửa 38 - 40 độ C, đông trong gió rét 10 - 12 độ C. Năm 2020, chị rủ một người quen bắt taxi đến Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai mời họ về làm dịch vụ mạ khay - cấy máy cho quê mình.
Phần do khoảng cách quá xa, phần do năng lực không đủ để mở rộng sản xuất nên đơn vị này đành phải từ chối. Tuy nhiên anh Trạm trưởng vẫn dẫn mọi người ra đồng để xem cách mà cái máy cấy dắt tay hoạt động ra sao. Mới nhìn thấy cái máy cấy dắt tay, chị Bình đã ao ước ngay một ngày quê mình sẽ có được những thiết bị như thế. Chị rủ người đi cùng chung vốn mua nhưng ông này sợ vất vả liền thoái thác.
Chị lại sang Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất (Hà Nội) để xem mạ khay - cấy máy dạng ngồi và được anh Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng tâm sự thật lòng rằng qua bao thất bại giờ mới được vài năm thành công. Bí quyết của mạ khay thứ nhất là phải chọn được giá thể tốt, dễ làm, dễ thoát nước; thứ hai là khi làm mạ phải căn từng loại giống, hạt to thì gieo 130gram/khay, còn hạt nhỏ chỉ gieo 125gram/khay. Làm mạ đạt là đã quyết định được 90% thành công.
Cuối cùng, chị Bình mạnh dạn đến Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gặp anh Nguyễn Bá Giang - Trạm trưởng bày tỏ ý định mình sẽ làm mạ khay - máy cấy cỡ lớn. Mới nghe thấy thế, anh đã can chị đừng mua máy cấy cỡ lớn, dạng ngồi vì đắt tiền mà hãy mua máy cấy dắt tay dạng nhỏ vì giá có 80 triệu đồng thôi.
“Chị có biết nhiều nơi mua máy cấy về thất bại, vỡ nợ không? Chị hãy mua cái máy nhỏ trước, sau làm ăn được thì mua máy lớn cũng chưa muộn”, anh Giang khuyên. Nhưng chị Bình cười, trả lời rằng: “Cảm ơn em, chị đã quyết định rồi”.
Chị về nói với gia đình nhưng hai đứa con và những người thân ai cũng phản đối. Dẫu vậy, chị vẫn đầu tư tới 1 tỉ đồng để mua 1 máy cấy dạng ngồi 7 hàng, 1 giàn gieo và 15.000 khay mạ, trong đó đến một nửa là tiền vay lãi tháng 1,5% (về sau chị được hỗ trợ tiền mua máy 75 triệu đồng, tiền mua giàn gieo, khay 40 triệu đồng). Chị còn đứng ra thành lập Hợp tác xã Bắc Phú để tập hợp thêm người cùng chí hướng.
Vụ xuân 2020, lắp máy xong, giá thể, giống lúa cũng đã chở về để sẵn sàng làm mạ cho 70ha lúa cấy theo hợp đồng, nhưng do không có mặt bằng, chị phải lên UBND xã xin chuyển đổi đám ruộng của nhà rộng 2.000m2 để làm xưởng sản xuất. Diện tích đó vốn là những thùng vũng, nuôi cá thì nông bởi không đủ nước do đất bồi, cấy lúa thì lại quá sâu, cây lúa không phát triển được.
Tuy nhiên, khái niệm mạ khay - cấy máy lúc bấy giờ vẫn còn rất mới nên UBND xã vẫn chần chừ, chưa duyệt. Thấy mãi mà Bắc Phú vẫn không phát triển được mạ khay - cấy máy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã về tận nơi hỏi: “Bây giờ chị cần những cái gì?”. Chị Bình đáp: “Mọi khó khăn tôi đều cố gắng vượt qua được nhưng chỉ có mỗi mặt bằng để làm nhà xưởng thì không”. Biết chuyện, họ đã gặp Chủ tịch UBND xã đề nghị tạo điều kiện về mặt bằng để làm xưởng mạ khay, máy cấy và được chấp nhận.
Dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, các chốt lập ra khắp đường làng ngõ xóm. Chị Bình vẫn phải đánh xe chở mạ, chở máy đi mà nài nỉ vì thời vụ đâu có chịu chờ đợi. “Tôi biết là đang Covid không được đi thế này nhưng vì nông dân mà phục vụ. Người ta đã đặt niềm tin vào mình, giờ không có mạ cấy thì đành bỏ hoang đồng ruộng mất”, chị tha thiết. Vậy là chốt nào cũng mở cửa cho tốp mạ khay - máy cấy gồm 5 lao động của HTX đi ra đồng.
Phải đam mê và phải biết chịu nghe dân… chửi
Quen cấy tay mật độ dày, mạ già nên lúc đầu cấy máy mật độ thưa, mạ non ai cũng chê: “Một đời cha, ba đời con không bao giờ tôi cấy máy nữa. Cây lúa nghều ngào thế này thì làm sao có ăn?”. Bởi thế làm mạ khay - cấy máy theo chị Bình ngoài đam mê, phải chịu được nghe người ta… chửi. Có hộ sau khi cấy máy xong còn đòi phá đi để cấy tay lại. Ngay một người thân của chị còn trách: “Chị ơi, ghét gì em mà cấy cho em toàn mạ bị nghẹt rễ vậy?”.
Nhìn đám ruộng đỏ lòm vì thuốc trừ cỏ, chị vẫn phải ôn tồn giải thích: “Vẫn một loại mạ ấy, cấy nơi khác có bị đâu? Ruộng nhà mình bị khô, em lại vãi nhiều thuốc trừ cỏ nên mới như vậy”. Rồi chị vội đạp xe đi tiếp bởi nếu cứ đứng đó thì lại nghe nói xóc đến bầm gan, tím ruột:
“Giai đoạn đầu họ không hiểu về mạ khay - cấy máy nên mới nói như thế nhưng lúc cắt lúa, nhiều người lại đến vỗ vai tôi, khen cấy máy nhiều thóc thế. Tôi ra ruộng nắm bụi lúa lên mà đếm và so sánh. Ruộng cấy tay trung bình chỉ được 14 - 15 bông thóc, trong đó có 4 - 5 bông nhỏ. Trong khi ruộng cấy máy được 18 bông thóc nhưng chỉ có 2 bông nhỏ hơn, bởi thế năng suất cao hơn là phải”, chị Bình hồi tưởng.
Anh Đinh Quang Tuấn, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh (Hà Nội) nói thêm với tôi rằng, trong 2 vụ đầu chị Bình làm mạ khay - cấy máy, đơn vị đã mời kỹ thuật viên về để hướng dẫn. Khi máy có sự cố thì mời kỹ thuật của công ty bán máy về cùng khắc phục. Những nơi thất bại về mạ khay - cấy máy chủ yếu là không có cán bộ kỹ thuật kèm cặp, không biết làm mạ. Mạ dày quá, cao quá tay máy sẽ không cấy được; còn thưa quá, thấp quá tay máy cấy sẽ bỏ khoảng.
Mặt bằng nhà xưởng chỉ 2.000m2, vẫn còn nhỏ nên HTX của chị Bình phải rải mạ nhờ thêm ở bên ngoài. Vụ xuân năm 2020, chị làm dịch vụ mạ khay - cấy máy, cấp giống cho bà con với giá 300.000đ/sào trên diện tích 70ha, tính ra lợi nhuận được 120 triệu đồng. Chị mừng có lãi một nhưng mừng thành công của mạ khay - cấy máy mười, bởi các xã trong huyện trước đó đã thất bại hết khiến cho nông dân phải trở lại cấy tay. Cán bộ các thôn, các xã ở trong vùng khi nghe chuyện thành công của chị đã đến tận nơi mời về cấy cho dân mình.
Nhưng mạ khay - cấy máy cũng không hoàn toàn “ngon ăn” như người ta tưởng tượng. Vụ xuân năm 2022, chị nhận cấy cho 60ha ở xã Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) gặp đúng thời tiết rét đậm, mạ chết, thiếu mất 4ha, phải xuất tiền túi ra mà đền mất 60 triệu đồng. Vất vả đủ đường, thậm chí là “lên bờ xuống ruộng”, vậy mà chưa nghiệm thu được do vắng chủ, tối mưa, đêm ốc bươu vàng bò ra ăn hết là sáng mai không tính được tiền.
Máy cấy mỏng manh, hay bị trục trặc. Dù chỉ hỏng 1 tay trong 7 tay nhưng vẫn phải nghỉ bởi cố cấy nó sẽ bỏ hàng. Đã 3 lần chị phải thay tay cấy như vậy, mỗi lần tốn đến gần 10 triệu đồng.
Sau 2 năm HTX hoạt động mới chỉ vừa hòa vốn tiền mua máy, còn giàn gieo, khay đựng mạ thì đang khấu hao dần. Nhưng chị Bình khẳng định sẽ không từ bỏ ước mơ mạ khay - cấy máy bởi nghĩ đến cảnh nông dân thu hoạch, cười rất tươi, chẳng ai chê được câu nào vì không chỉ được năng suất mà sâu bệnh cũng ít hơn hẳn so với cấy tay.