| Hotline: 0983.970.780

Người 'máu thịt' với bài chòi: 14 tuổi đã thành đào chánh

Thứ Hai 14/05/2018 , 14:30 (GMT+7)

Để bài chòi Trung bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không thể không kể đến công lao của những nghệ nhân gắn cả đời mình với bộ môn nghệ thuật này. 

Ở Bình Định, nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đào, nghệ danh là Minh Trạng (SN 1925) ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định) là người như vậy.

11-53-17_1
Cụ Đào với cuốn kỷ yếu “Nghệ nhân dân gian” trong đó có tiểu sử của mình

Nghệ nhân Lê Thị Đào được các nhà nghiên cứu đánh giá là “hạt ngọc” của nghệ thuật bài chòi cổ của Bình Định. Gần 80 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi, hiện nghệ nhân Lê Thị Đào đã 93 tuổi. Khi bà kể lại chuyện đời, có chuyện nhớ chuyện quên, thế nhưng khi cất tiếng hát thì tuồng tích bà nhớ vanh vách, câu chữ cứ như từ trong ruột tuôn ra, chiếc song loan trên tay bà gõ nhịp phách chắc nịch.
 

Duyên nghiệp, duyên tình

Nghệ nhân Lê Thị Đào quê ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định, được trời ban cho cái chất giọng thanh thoát. Bà Đào kể, lúc khoảng chừng 10 tuổi, bà đã học lỏm các chị các anh trong làng. Năm 14 tuổi, có một đêm bà Đào đi xem gánh hát bài chòi của bầu Trạng (tên thật là Nguyễn Trác – SN 1911) biểu diễn, niềm đam mê trong bà bùng lên. Ngay đêm ấy bà theo luôn gánh hát của bầu Trạng sắm vai đào nhứt (đào chánh).

“Ổng lớn hơn tui đến 14 tuổi, nhưng khi xem ổng hát ổng diễn tui mê mẩn, rồi mê luôn ổng. Nghe tui hát, ổng cũng mê luôn tui, vậy là tui thành vợ ổng luôn”, bà Đào nhớ lại.

11-53-17_2
Cụ Đào trong 1 độc diễn bài chòi (hình ảnh trong phim tư liệu của Sở Văn hóa Bình Định)

Khi đã thành vợ bầu Trạng, bà Đào không được chồng cho đi hát nữa, bảo phải ở nhà chăm con. Tuy nhiên, hàng đêm nghe tiếng trống tiếng đàn văng vẳng bên tai, bà Đào cứ ôm con khóc thầm. “Một bữa, tui rút ruột nói với ổng là tui theo gánh hát để được hát, chớ không phải muốn làm bà chủ gánh hát. Nếu ông không cho tui hát gánh hát của ông, thì tui đi hát cho gánh hát của bạn. Thấy tui có nghĩa với nghề, ổng lại cho tui đi hát. Từ đó, nhờ ổng kèm cặp thêm nên giọng hát của tui ngày càng cứng”, bà Đào tâm sự.
 

Đánh đổi

Gọi là gánh hát cho “xôm”, chứ ngoài ông bầu Trạng kiêm kép chính và người vợ là đào nhứt, ê kíp chỉ thêm vài chàng kép cô đào và một tay trống tay kèn nữa là đủ. Mỗi chuyến lưu diễn, tất cả thành viên đều trìu trĩu trên vai đôi quang gánh. Hai đầu quang gánh là những chiếc bầu đan bằng tre trát dầu rái hoặc rương gỗ, bên trong đựng xiêm y, râu, mũ, son phấn, phông màn và nhạc cụ.

Đến điểm diễn, bãi đất trống hoặc sân đình, dựng vội vã vài cây tre, treo vài tấm phông màn tượng trưng, thế là hát. Nếu gặp điểm mời hát tuồng lớn, bầu Trạng mời thêm đào kép để sắm vai, đồng thời mời riêng một người chuyên làm dịch vụ phông màn cảnh trí để buổi diễn thêm phần hoành tráng, tương xứng với tuồng hát lớn.

Cuộc đời “du ca” mải miết rong ruổi hết nơi này đến nơi khác, thức trắng hàng đêm với những vai diễn, có lẽ vì thế mà những đứa con đầu lòng của bà mẹ trẻ Lê Thị Đào đều không được thành người. Phải đến đứa thứ 9 bà Đào mới nuôi được con đầu tiên.

Ông Nguyễn Thanh Hòa (63 tuổi) con trai của bà Đào, chia sẻ: “Chẳng hiểu sao mà cả 8 anh chị em sinh trước tôi đều không nuôi được, người thì bị hư thai, người sinh non, người mất khi còn rất nhỏ. Sau tôi, mẹ còn sinh thêm 2 đứa em gái, cũng như tôi cả 2 đứa đều khỏe mạnh và trưởng thành. Thời thơ ấu, cả 3 anh em tôi cũng đã phải rong ruổi theo nghiệp ca hát của cha mẹ”.

11-53-17_3
Ông Nguyễn Thanh Hòa, con trai cụ Đào, kể lại chuyện hoạt động nghệ thuật của cha mẹ

Kỷ niệm đầu đời liên quan đến nghiệp ca hát của cha mẹ mà mãi đến bây giờ, ông Hòa, người con trai duy nhất của vợ chồng Bầu Trạng vẫn còn nhớ như in, đó là lần đầu tiên được cha mẹ dẫn đến sàn diễn. Đêm ấy, gánh hát của Bầu Trạng được mời diễn tuồng lớn tại rạp hát Sao Mai nằm gần chợ Bình Định. Năm ấy ông Hòa mới chỉ 6 tuổi. Lúc cha mẹ diễn trên sân khấu, ông lẩm đẩm đi quanh hậu trường.

Nhìn thấy có con khỉ đang cột trong góc nhà, ông Hòa liền đến đùa với nó thì bị khỉ cắn. Ông Hòa khóc thét, miệng gọi mẹ liên hồi, nhưng cô đào nhứt Lê Thị Đào đang hóa thân vào vai diễn trên sân khấu nên nào biết con mình bị tai nạn. Khi ấy ông Hòa khóc khản cổ, đến khi mẹ rời sân khấu mới được dỗ dành.

Tuy phải đánh đổi khá nhiều, nhưng nghề cũng đã mang lại cho vợ chồng Bầu Trạng nhiều niềm vui. Thời chống Pháp, vợ chồng Bầu Trạng được tham gia đi lưu diễn các vùng trận địa hát phục vụ kháng chiến. Đến bây giờ, dù đã 93 tuổi, nhưng nghệ nhân Lê Thị Đào vẫn còn nhớ lời hát bài “9 năm kháng Pháp”. Về sau này, sống trong chế độ Sài Gòn, nghệ nhân Lê Thị Đào gia nhập đoàn bài chòi Tân Phong - Gió Mới, hát với kép chính nức tiếng một thời là nghệ nhân Văn Mẹo. Giọng ca Văn Mẹo – Minh Trạng (nghệ danh của nghệ nhân Lê Thị Đào) thường xuyên được phát trên đài phát thanh vào mỗi tối thứ Bảy và Chủ nhật trong chương trình văn nghệ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất