| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi gia cầm cũng khốn đốn vì dịch tả lợn

Thứ Sáu 27/12/2019 , 07:01 (GMT+7)

Đứng cạnh trang trại nuôi gà tại chân một ngọn núi ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Mo Bangmin đang cùng vợ kiểm kê lại thiệt hại gia đình phải hứng chịu liên quan dịch tả lợn Châu Phi.

Mo Bangmin đang trên bờ vực phá sản vì thua lỗ trong nuôi lợn và gà. Ảnh: SCMP.

“Tôi mất khoảng 400.000 nhân dân tệ (57.000 USD) khi một phần ba đàn lợn chết hồi năm ngoái. Giờ đây, tôi đang có nguy cơ mất tiếp 200.000 nhân dân tệ (28.500 USD) từ những con gà này. Toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời tôi đã bốc hơi”, Mo Bangmin nói với SCMP, đan xen với tiếng vịt và ngỗng kêu từ một chuồng gần đó.

Mo đã ngoài 50 tuổi, nghỉ việc nhà máy và chuyển sang nuôi lợn từ khoảng 30 năm trước. Ông là một trong những nông dân phải chuyển sang nuôi gà sau khi dịch tả lợn Châu Phi tàn phá Trung Quốc, xóa sổ khoảng nửa tổng đàn.

Nguồn cung lợn giảm và giá thịt trong tháng 11 tăng 110,2% so với cùng kỳ năm trước, đẩy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc lên đỉnh 8 năm. Giá bán tăng buộc nhiều người dân Trung Quốc phải chuyển sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn như thịt gà, thậm chí là thịt chó.

Tuy nhiên, với nhiều nông dân nuôi lợn như Mo, chuyển hướng sang gia cầm chưa chắc đã là lựa chọn tốt như kỳ vọng ban đầu.

Trong khi số liệu cho thấy giá thịt gà bán lẻ tăng 23%, giá trứng tăng 29% trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11, việc gia tăng sản lượng từ những nông dân chuyển hướng lại đẩy giá bán tại trang trại xuống đáy.

“Mọi người nghĩ nông dân nuôi gà đang phát tài”, nông dân họ Chen nói. “Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những người thầm lặng chịu thiệt hại trong khi các thương lái bán buôn lãi lớn”.

Chen đã nuôi gà được hơn 10 năm. Theo ông, do nhiều người nuôi lợn thiếu kinh nghiệm nuôi gia cầm, chất lượng gia cầm của họ thường kém và chỉ cần bán giá thấp.

Điều đó “tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành”, Chen chia sẻ, cho biết thêm rằng mức giá ông được chào bán còn thấp hơn giai đoạn cúm gia cầm bùng phát ở Trung Quốc. Chen nuôi khoảng 100.000 con gà và bán gà giống tại trang trại ở ngoại ô Phật Sơn, thành phố lân cận thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông.

“Nông dân nuôi lợn đổ dồn sang ngành nuôi gà do tả lợn châu Phi. Họ mua gà con liên tục, đẩy giá gà con lên cao chưa từng thấy”.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát vào thời điểm không thể tệ hơn đối với Mo. Ông vừa thuê một khu đất với giá 65.000 nhân dân tệ (9.300 USD) một năm, xây hai chuồng lợn với số tiền 300.000 nhân dân tệ (43.000 USD).

Mo buộc phải di chuyển sâu vào vùng ngoại ô để tránh chương trình môi trường quốc gia của Trung Quốc, đã khiến hàng trăm nghìn trang trại vừa và nhỏ phải đóng cửa.

“Khoảng 160 con lợn của tôi chết. Tôi bán 450 con còn lại khi chúng vẫn còn sống”, Mo chia sẻ. “Tôi phải tự đào hố và chôn hơn chục con lợn mỗi ngày. Tóc vợ tôi bạc thêm qua từng đêm”.

Mo vẫn có chút lãi khi bán lứa gà đầu tiên vào tháng 9. Tuy nhiên, lứa thứ hai và thứ ba lại trở thành thảm họa, với giá thương lái chào mua giảm từ 18 nhân dân tệ/kg xuống còn 10 nhân dân tệ/kg.

“Gà con có giá 8 nhân dân tệ, tiền thức ăn trung bình cho mỗi con gà là 16 nhân dân tệ. Tôi dự kiến bán sau 65 ngày nhưng 90 ngày sau đó vẫn chưa thể cho chúng xuất chuồng. Cuối cùng, tôi chấp nhận bán lỗ 10.000 con gà hôm 24/12”.

Chen Chunhua lỗ 20.000 nhân dân tệ sau khi nuôi 40.000 con gà. Ảnh: SCMP.
Lượng thịt gia cầm tiêu thụ bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng từ 8kg trong năm 2014 lên 9kg vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hà Lan dự báo con số trên sẽ tăng lên 11,4 kg/người vào năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hàng năm ước tăng hơn 3 triệu tấn trong năm nay.

Tại Phật Sơn, Chen Chunhua cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Mo, sau khi hơn nửa đàn lợn của cô chết vì dịch.

“Tim tôi như tan vỡ khi phải chôn những con lợn bệnh. Chúng vẫn còn sống khi tôi lấp đất. Tôi không thể ăn gì suốt nhiều ngày sau đó”, cô nhớ lại.

Chen mới chỉ hơn 30 tuổi, là một trong những người trẻ tuổi không muốn làm việc tại nhà máy vì “mất tự do”. Cô chọn nuôi gà trong các chuồng lợn cũ. Hồi đầu tháng 12, cô bán gần như toàn bộ đàn gà 40.000 con, chỉ giữ lại 30 con để ăn vào Tết Âm lịch.

Vừa lật nhanh các trang sổ, Chen vừa nhẩm tính đã lỗ khoảng 20.000 nhân dân tệ, tương đương 20% thu nhập hàng năm của chồng cô – làm lái xe tải cho nhà máy gần đó.

“Ngày đầu tiên, thương lái chào mua với giá 11,6 nhân dân tệ/kg. Ngày hôm sau, khi anh ta tới nhận gà, giá giảm còn 11,2 nhân dân tệ. Tôi không kìm được nước mắt bởi tôi vốn đã lỗ vốn rồi”, Chen nói. “Giống gà này thường có giá ít nhất 30 nhân dân tệ/kg tại chợ. Chúng tôi buộc phải bán khi chúng còn dưới 4kg, nếu không sẽ rất khó”.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp để giúp người nuôi lợn đối phó với ảnh hưởng từ tả lợn Châu Phi, từ trợ giá, vay lãi thấp, bảo hiểm cho lợn, mở quỹ đất cho thuê. Giới phân tích nhận định phải mất nhiều năm, Trung Quốc mới khôi phục lại đàn lợn.

Mo và vợ mong sớm có thể nuôi lợn trở lại. Tuy nhiên, đầu tư vào gà đã khiến họ mất số tiền dành dụm cả đời. Họ không thể mua lợn giống, đặc biệt là khi giá lợn giống đã tăng 4 lần trong một năm rưỡi qua.

“Chúng tôi không còn gì để bắt đầu lại”, Mo nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm