| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi heo ở Bình Định ứng phó với thức ăn chăn nuôi tăng cao

Thứ Ba 08/03/2022 , 10:49 (GMT+7)

Trong bối cảnh giá thức ăn liên tục tăng, người nuôi heo ở Bình Định đã tận dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn nhằm giảm chi phí đầu vào.

Lo công sức biến thành… công cốc

Qua Tết, lượng heo nuôi trong dân ở Bình Định đã tiêu thụ hết trong dịp cuối năm, các chuồng hầu hết đã trống hoác. Để duy trì nguồn thu của gia đình, hiện người nuôi heo ở Bình Định đẩy mạnh tái đàn. Nhưng trong tâm trạng đầy âu lo, bởi giá heo không tăng mà thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lại vừa lên giá thêm 1 đợt nữa, khiến chi phí đầu vào tăng cao, không hứa hẹn khi xuất chuồng sẽ có lãi.

Anh Nguyễn Văn Bình (43 tuổi) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), người mấy chục năm nay lấy nghề chăn nuôi heo làm nguồn thu nhập chính của gia đình, biết là tái đàn heo trong thời điểm này rất bấp bênh, nhưng hiện trong chuồng nhà anh vẫn có 100 con heo thịt và 15 con heo nái sinh sản. “Tái đàn trong thời điểm giá heo không tăng, mà giá TĂCN tăng không ngừng nên lòng tôi cứ phập phồng lo công sức của mình sẽ biến thành… công cốc”, anh Bình chia sẻ.

Theo anh Bình, hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân heo siêu thịt đang có giá 50.000đ-52.000đ/kg hơi, còn heo nuôi bình thường trong dân có giá 48.000đ/kg, không tăng so với thời gian trước Tết. Trong khi vừa bước sang năm mới là giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm 1 đợt nữa, hiện bình quân 1 bao TĂCN có giá đến 360.000đ/bao (25kg), so giá các năm trước thì mức chênh lệch rất xa.

Nếu cho heo nái sinh sản ăn rau kèm với thức ăn công nghiệp, mỗi con heo giống đạt 6kg/con, anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) có lãi 300.000đ/con heo giống. Ảnh: V.Đ.T.

Nếu cho heo nái sinh sản ăn rau kèm với thức ăn công nghiệp, mỗi con heo giống đạt 6kg/con, anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) có lãi 300.000đ/con heo giống. Ảnh: V.Đ.T.

“Mỗi con heo giống nuôi trong dân hiện có giá 500.000đ/con loại 6kg, giá này là đã giảm hơn 1 nửa so với trước đây. Nuôi cho đến khi con heo đạt 80kg, xuất bán với giá 48.000đ/kg hơi thì con heo phải ăn đến 8 bao TĂCN. Giá 1 bao TĂCN hiện nay là 360.000đ, như vậy, nuôi từ lúc heo giống 6kg tăng trọng đến 80kg, con heo ăn hết gần 2,9 triệu tiền thức ăn. Với giá bán 48.000đ/kg hơi, 1 con heo 80kg cho người nuôi thu về gần 3,9 triệu đồng. Sau khi trừ gần 2,9 triệu đồng tiền thức ăn và 500.000đ tiền heo giống, người nuôi chỉ còn lãi 500.000đ/1 con heo. Đó là chưa trừ chi phí tiền thuốc thú y, tiền điện, tiền nước trong quá trình chăm sóc”, anh Bình tính toán.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, dù giá heo cầm chân tại chỗ và giá TĂCN tiếp tục tăng, nhưng đàn heo trên địa bàn vẫn ổn định mức 270.000-280.000 con. Bởi, đối với hầu hết người dân Hoài Ân thì nuôi heo là nghề cho nguồn thu nhập chính của gia đình, nên không bao giờ họ để chuồng trống, dù ít lãi nhưng họ vẫn tái đàn để duy trì đàn heo. Còn theo Sở NN-PTNT Bình Định thì hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh này vẫn ổn định 882.000 con; trong đó, đàn heo nái và heo thịt là 700.000 con, số còn lại là heo con theo mẹ.

“Mức tiêu thụ heo thịt trên địa bàn hiện nay so với cùng kỳ năm trước có mạnh hơn, mỗi ngày xuất bán ra thị trường Đà Nẵng khoảng 1.000-1.200 con. Thế nhưng so với những năm trước đây thì mức tiêu thụ này mới chỉ bằng 1 nửa, bởi khi ấy mỗi ngày heo ở Hoài Ân xuất bán đến 2.000-2.500 con heo thịt”, ông Tín cho hay.

Nếu để heo giống lại nuôi thành heo thịt, đến khi đạt trọng lượng 80kg/con, anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) có lãi 800.000đ/con heo thịt. Ảnh: V.Đ.T.

Nếu để heo giống lại nuôi thành heo thịt, đến khi đạt trọng lượng 80kg/con, anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) có lãi 800.000đ/con heo thịt. Ảnh: V.Đ.T.

Giảm chi phí đầu vào để có lãi

Trong bối cảnh giá heo đứng ở mức thấp, giá TĂCN thì liên tục tăng, ngành chức năng Bình Định khuyến cáo người nuôi heo trên địa bàn tận dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho heo nhằm làm giảm chi phí đầu vào để chăn nuôi có lãi.

“Chúng tôi đang khuyến khích người chăn nuôi trên địa bàn nuôi heo theo hướng hữu cơ, cho heo ăn rau, cám gạo, cháo, lá đinh lăng, môn hoặc thân chuối để giảm giá thành đầu vào. Nuôi theo cách truyền thống cho heo ăn thêm phế, phụ phẩm trong nông nghiệp thì heo tăng trọng kém hơn so với heo cho ăn toàn thức ăn công nghiệp, thế nhưng thịt heo sẽ rất thơm, người tiêu dùng càng ưa chuộng. Nếu ai cho heo ăn các loại lá thảo dược thì vừa đỡ tiền thức ăn công nghiệp, heo kháng được bệnh lại vừa bán được giá cao hơn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Bình, người đang nuôi 100 con heo thịt và 15 con heo nái ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) cũng đang thực hiện cho heo ăn thêm các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào. Gia đình anh Bình hiện đang có 5 sào đất thổ (500m2/sào)  và 1 số diện tích đất ven sông, anh còn đấu giá thêm 3 sào đất nữa để trồng môn và rau lang làm thức ăn cho heo.

Thức ăn chăn nuôi tăng đang là gánh nặng cho người nuôi heo. Ảnh: L.K.

Thức ăn chăn nuôi tăng đang là gánh nặng cho người nuôi heo. Ảnh: L.K.

“Với gần 10 sào đất tôi trồng chủ yếu là môn để cho heo ăn quanh năm, rau lang chỉ trồng theo mùa chứ không thể trồng liên tục. Sở dĩ tôi không trồng rau muống bởi rau muống chỉ cắt được 1 lứa, lứa sau lên rất èo uột, còn trồng môn thì thu hoạch năm này qua năm kia”, anh Bình chia sẻ.

Theo tính toán của anh Bình, 15 con heo nái sinh sản của anh đẻ con ra anh đều để lại hết làm giống nuôi heo thịt. Bình quân 1 con heo nái đẻ 10 con/lứa. Từ khi heo nái có chửa đến khi đẻ và nuôi con đến khi đàn con đạt 6kg/con, nhờ cho ăn thêm rau, nên suốt chu kỳ sinh sản mỗi con heo nái chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn.

Với giá bán 500.000đ/con heo giống như hiện nay, 10 con heo giống kia sẽ cho người nuôi thu về được 5 triệu đồng, trừ 2 triệu tiền thức ăn, người nuôi còn lãi 3 triệu đồng/đàn heo giống 10 con. Nếu ai không bán, để 10 con heo giống kia nuôi heo thịt, thì người nuôi đã có trong đàn giống 10 con kia 3 triệu đồng tiền lãi.

Đến khi đàn heo thịt đạt 80kg/con, sau khi xuất bán, ngoài khoản lãi 500.000đ/con, người chăn nuôi còn có thêm khoản lãi 300.000đ/con nhờ tiết kiệm thức ăn cho heo nái trước đó, vị chi mỗi con heo khi xuất chuồng người nuôi có lãi 800.000đ. Đây là cách người nuôi heo ở Bình Định “thắt lưng buộc bụng” để kiếm lãi trên đàn heo của mình.

“Ngoài khuyến khích người nuôi heo trên địa bàn tận dụng các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng rau làm thức ăn cho heo, giảm cho heo ăn thức ăn công nghiệp nhằm làm giảm giá thành, ngành chức năng Bình Định còn hướng dẫn bà con tiết kiệm điện, nước trong quá trình chăm sóc heo để giảm bớt chi phí đầu vào. Đặc biệt là chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi tích cực phòng chống dịch bệnh, bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rình rập, nhằm tránh thiệt hại trong bối cảnh chăn nuôi gặp khó khăn như hiện nay”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.