| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi nghêu hối hả thu hoạch né mùa mưa bão

Thứ Sáu 09/08/2024 , 20:59 (GMT+7)

HÀ TĨNH Mùa mưa lũ đang cận kề, bà con nuôi nghêu ở Hà Tĩnh đang khẩn trương thu hoạch những diện tích nghêu đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại.

Những ngày này, không khí làm việc tại HTX Nuôi trồng - Thu mua thủy sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) như khẩn trương hơn. Cứ tầm 8 giờ 30 sáng, từng chuyến thuyền, bè chở đầy nghêu khai thác ở bãi triều được tập kết tại khu sơ chế. Cùng lúc đó, các thành viên trong HTX đã đợi sẵn để chuẩn bị bước vào khâu rửa và phân loại, đóng bao để cung cấp cho các thương lái đã đặt hàng trước đó.

Nhờ đầu tư thêm máy móc nên năng suất thực hiện rửa và phân loại nghêu tăng gấp 3 lần trước kia. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhờ đầu tư thêm máy móc nên năng suất thực hiện rửa và phân loại nghêu tăng gấp 3 lần trước kia. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chị Lê Thị Loan - Giám đốc HTX Nuôi trồng - Thu mua thủy sản Loan Hoan chia sẻ: Năm nay thời tiết khá thuận lợi, con giống chất lượng nên nghêu sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh gì xảy ra. Những ngày này, HTX đang huy động các thành viên tập trung thu hoạch số lượng nghêu đã đạt kích cỡ thương phẩm để bảo vệ thành quả trước mùa mưa bão sắp đến. Trung bình mỗi ngày HTX thu hoạch từ 2 - 3 tấn nghêu thương phẩm. Tính từ đầu năm tới nay, HTX đã thu hoạch và xuất bán trên 500 tấn nghêu thương phẩm. Ước tính năm nay HTX đạt doanh thu khoảng trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng.

HTX Nuôi trồng - Thu mua thủy sản Loan Hoan là một trong những cơ sở nuôi nghêu có quy mô lớn và hiệu quả nhất ở Hà Tĩnh với diện tích nuôi 46ha. Những năm gần đây, nhờ chú trọng chất lượng con giống, mùa vụ thả nuôi hợp lý, cải tạo bãi nuôi tốt nên mỗi ha có thể cho năng suất từ 25 - 30 tấn nghêu thương phẩm. Với mức giá từ 12 – 15 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm và kích cỡ), người nuôi có doanh thu khoảng 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm/ha.

Anh Dương Thế Võ (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) phải thuê thêm lao động địa phương để kịp thu hoạch nghêu. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Anh Dương Thế Võ (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) phải thuê thêm lao động địa phương để kịp thu hoạch nghêu. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Để nâng cao năng suất sơ chế nghêu sau thu hoạch, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc để phân loại nghêu, tạo sản phẩm đồng đều, sạch trước khi xuất bán nên được các thương lái đặt hàng liên tục.

Theo chị Loan chia sẻ, nếu trước đây 1 tấn nghêu sau khi thu hoạch sẽ cần 15 - 20 nhân công thực hiện các khâu rửa sạch, phân loại bằng thủ công và mất rất nhiều thời gian thì từ khi đầu tư máy móc vào sản xuất chỉ cần 5 người làm trong 1 tiếng đồng hồ, vừa giảm được chi phí thuê nhân công, nghêu đảm bảo kích cỡ đồng đều, sạch sẽ. Nhất là trong thời điểm mùa mưa bão cận kề, loại máy sơ chế này càng phát huy hiệu quả vì đảm bảo được tiến độ thu hoạch và kịp thời cung ứng cho thương lái đến mua cung cấp cho các điểm du lịch, nhà hàng. 

Tại cơ sở nuôi nghêu của anh Dương Thế Võ ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), những ngày này anh Võ phải thuê thêm lao động địa phương mới kịp thu hoạch hết những diện tích nghêu đã đạt kích cỡ thương phẩm.

Nhờ có kinh nghiệm nuôi, bãi nuôi đẹp, thời tiết thuận lợi nên nghêu tại bãi nuôi của anh Võ khá nhanh lớn, ít bị hao hụt. Đến thời điểm này, gia đình anh Võ đã thu hoạch được 40 tấn nghêu thương phẩm, cho doanh thu trên 500 triệu đồng.

Người nuôi nghêu ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà khẩn trương thu hoạch nghêu thương phẩm đạt kích cỡ trước mùa mưa bão để hạn chế rủi ro thiệt hại. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Người nuôi nghêu ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà khẩn trương thu hoạch nghêu thương phẩm đạt kích cỡ trước mùa mưa bão để hạn chế rủi ro thiệt hại. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Anh Võ cho biết: Nuôi nghêu không phải cho ăn, không tốn chi phí đầu tư, tuy nhiên nghêu là đối tượng rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường như ngọt hóa, nhiệt độ nước quá cao trên 32 độ C kéo dài nhiều ngày, nguồn nước bị ô nhiễm đều có thể làm ngao chết hàng loạt. Do đó, cần chú trọng mùa vụ thả giống phù hợp, theo dõi, quản lý các yếu tố môi trường trong suốt quá trình nuôi.

“Hiện ở vùng này nghêu có thể thả nuôi quanh năm, thường thả giống vụ đầu từ tháng 2 đến tháng 3 và vụ thứ hai từ tháng 5 đến tháng 6. Thời gian nuôi từ 10 - 15 tháng mới cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài trong khoảng 3 - 4 tháng, nghêu trung bình đạt 70 – 75 con/kg là có thể xuất bán. Lưu ý, sau mỗi vụ thu hoach và trước khi thả lứa giống mới cần vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, san phẳng mặt bãi, tránh đọng nước dễ làm nghêu chết do ngọt hóa sau mỗi trận mưa”, anh Võ chia sẻ kinh nghiệm.

Hà Tĩnh hiện có trên 4.000ha nuôi các loại nhuyễn thể ở các vùng mặn lợ và nước ngọt, trong đó riêng diện tích nuôi nghêu bãi triều chiếm trên 500ha, tập trung chủ yếu ở huyện Lộc Hà 169ha; Thạch Hà 127ha; Cẩm Xuyên hơn 82ha…

Những năm gần đây, các vùng nuôi nghêu đã được quy hoạch lại, người nuôi chú trọng hơn về quy trình kỹ thuật, cải tạo đất ở bãi nuôi sau thu hoạch, chủ động bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các hộ dân và cơ sở nuôi nghêu ở Hà Tĩnh đã chú trọng hơn đến việc lựa chọn con giống, nuôi theo hướng thâm canh, tăng cường bảo vệ trước dịch bệnh và thời tiết nên năng suất ngày càng cao.

Năm nay thời tiết thuận lợi, không xẩy ra dịch bệnh nên nghêu mau lớn, năng suất cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Năm nay thời tiết thuận lợi, không xẩy ra dịch bệnh nên nghêu mau lớn, năng suất cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Với ưu điểm nuôi nghêu chi phí ít, người dân chỉ cần tập trung đầu tư bãi nuôi, giống và nhân công, không phải đầu tư thức ăn nên đem lại lợi nhuận cao. Nuôi nghêu là nghề giúp nhiều hộ dân sống ven sông, ven biển ổn định sinh kế và ngày càng có nhiều hộ làm giàu.

Hiện nay, Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo đến các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho các vùng nuôi thuỷ sản trước mùa mưa bão, trong đó chú trọng các vùng nuôi nghêu vì đây là đối tượng nuôi ở các vùng bãi triều ven sông, ven biển, nguy cơ ảnh hưởng và bị thiệt hại lớn nếu không có biện pháp chủ động ứng phó.

Ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ dân cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, tiến hành thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; tuyệt đối dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Cùng đó, chính quyền địa phương cần nâng cao công tác thông tin dự báo thời tiết, diễn biến thuỷ triều, nguồn nước, kết quả quan trắc môi trường… tới người nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.