Đó là chia sẻ của nhiều cơ quan quản lý địa phương và người dân nuôi trồng thủy sản về hiệu quả thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Theo PGS. TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) cho biết, đây là kế hoạch được Bộ NN-PTNT phê duyệt giao cho Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT triển khai theo giai đoạn 5 năm, đã được thực hiện hàng năm, từ năm 2015 đến nay.
Theo đó, đối với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III được giao nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trong điểm khu vực Nam Trung bộ, từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Bình Thuận. Trong đó, tại vùng sản xuất giống, nuôi tôm nước lợ của 5 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có 13 điểm quan trắc và tại vùng nuôi tôm hùm lồng 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có 7 điểm quan trắc.
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, hiện nay mỗi tháng Viện III thực hiện quan trắc ít nhất 2 lần. Nhưng vào mùa nắng nóng, mưa lũ việc quan trắc sẽ thực hiện nhiều hơn nhằm quan trắc các yếu tố môi trường bất lợi, để từ đó có cảnh báo sớm giúp người nuôi kịp thời ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại vật nuôi.
“Kết quả quan trắc của Viện III được gửi về Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, phòng NN-PTNT hay phòng Kinh tế các huyện, thành phố thông qua click chuột gửi thông tin qua Zalo rất nhanh chóng. Còn các văn bản giấy tờ sẽ đi sau. Sau đó, các địa phương nhận thông tin quan trắc sẽ gửi về xuống tận xã, tận thôn theo hình thức văn bản và loa phát thanh”, PGS. TS Võ Văn Nha nói và cho biết thêm, trong giai đoạn năm 2019-2021, Viện III được Bộ NN-PTNT đầu tư tăng cường một số trang thiết bị cho Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, nhất là các thiết bị cầm tay (thiết bị đo môi trường đa chỉ tiêu), có thể vận chuyển đi được các địa phương.
Ưu điểm các trang thiết bị này chỉ cần nhấn xuống môi trường nước có thể lấy được các thông tin về môi trường cơ bản như: nhiệt độ, oxy hòa tan, độ mặn, pH một cách nhanh chóng. Cho nên nếu phát hiện oxy hòa tan giảm sẽ gọi báo ngay về Trung tâm giải quyết liền, chứ không chờ lấy mẫu đem về phân tích rồi trả kết quả mấy ngày như trước đây.
Vì vậy, các thiết bị cầm tay này đã phát huy tối đa phục vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản cho các địa phương hiệu quả. Nhất là thời điểm quan trắc đột xuất, phát hiện các thông số đột biến về oxy hòa tan giảm hay vấn đề tảo nở hoa, giúp người dân phản ứng rất nhanh, kịp thời, hiệu quả nên giảm thiệt hại.
Từ đầu năm đến tháng 9/2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III đã ban hành 17 bản tin quan trắc định kỳ môi trường nuôi tôm nước lợ và 23 bản tin quan trắc môi trường tôm hùm có lồng ghép với các bản tin giám sát. Các bản tin đã khuyến cáo, đưa giải pháp nâng cao chất lượng môi trường vùng nuôi kịp thời.
Trong đó, có 2 đợt bản tin đột xuất, chưa tới 6 tiếng đồng hồ đã có cảnh báo cho dân. Nhờ vậy, đã giúp người nuôi tôm hùm lồng bè ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) tránh được tình trạng tôm bị “sốc nước ngọt” giảm thiệt hại đáng kể.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, hiện tại Viện có đủ các trang thiết bị, cũng như có các phòng thử nghiệm hoá học, sinh học đạt tiêu chuẩn ISO 17025 theo quy định hiện hành. Tất cả các cán bộ của Viện vừa nghiên cứu nhưng họ cũng đảm bảo các chứng chỉ cần thiết phục vụ lấy mẫu, phân tích mẫu môi trường và bệnh thuỷ sản. Cán bộ của Viện phối hợp chặt chẽ cán bộ các địa phương để thực hiện các công việc quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản một cách nhanh chóng và trả kết quả kịp thời.
PGS. TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: “Thời gian tới, Viện III được Bộ NN-PTNTđầu tư dự án xây dựng Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và bệnh thuỷ sản miền Trung tại số 02 Đặng Tất (TP Nha Trang) với quy mô 4 tầng. Khi đi vào hoạt động, hy vọng sẽ phục vụ tốt hơn nữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, đặc biệt môi trường nuôi biển. Nếu được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án tăng cường trang thiết bị giai đoạn 2022-2025, chúng tôi sẽ đáp ứng tốt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ này cho các tỉnh miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên hiện đang nuôi cá nước lạnh phát triển khá mạnh”.