Ngày 31/10, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo tham vấn "Giải pháp nuôi tôm hiệu quả”.
Hội thảo thu hút trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi tôm và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Năm thứ 4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh Cà Mau có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản với hơn 280.000ha, cùng với bờ biển dài 256km, hàng năm sản lượng tôm nuôi của tỉnh khoảng 230.000 tấn, kế hoạch đến năm 2025 có thể đạt 243.000 tấn.
Mặc dù trong thời gian dài ngành tôm của Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó đặc biệt là giá tôm nguyên liệu giảm sâu và kéo dài. Thời gian gần đây giá tôm đã tăng trở lại, xem như tín hiệu khởi sắc thúc đẩy cho ngành tôm tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2024.
Theo ông Bằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD, cũng là năm thứ 4 tỉnh vượt qua cột mốc này. Tuy nhiên, lợi nhuận trong sản xuất của các hộ dân là không nhiều, kể cả trong mô hình lúa tôm.
“Sản lượng thì có, nhưng lợi nhuận của người nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì không đạt, thậm chí bị lỗ. Đây là sự thách thức lớn đối với ngành tôm", ông Bằng thông tin.
Theo ông Bằng, hội thảo lần này cần làm rõ nguyên nhân khó khăn hiện nay của ngành tôm để tìm ra giải pháp phù hợp, giúp cho các địa phương nuôi tôm và giúp nghề nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả.
Giải pháp giảm giá thành nuôi tôm
Tại hội thảo, các đại biểu quan tâm đến vấn đề kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu con tôm và thu nhập cho người nuôi tôm.
TS. Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay, chuỗi giá trị là vấn đề hạn chế đối với ngành hàng tôm. Trong đó, vấn đề dịch bệnh, thiếu phát triển bền vững trong sản xuất, thiếu liên kết dọc trong chuỗi sản xuất, thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ và hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Chia sẻ về những thách thức trong xây dựng mối liên kết sản xuất, ông Lâm cho rằng, các phương thức giao dịch mua bán sản phẩm vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu là thị trường tự do (theo thời giá thị trường) hoặc hợp tác thời vụ, ít có kiểm soát về chất lượng. Rất ít các phương thức hợp tác đầu tư toàn diện và hiệu quả.
Với xu hướng phát triển thì mô hình hoạt động HTX thời gian tới chuyển dần từ quản trị chuỗi giá trị thị trường tự do, thị trường giao ngay sang hướng phối hợp “hệ thống bắt buộc”.
Ông Lâm cho rằng, việc tiến hành ương giống tôm, cua, sử dụng vi sinh ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên; Kỹ thuật canh tác và quản lý sẽ được chú trọng và đi theo hướng chứng nhận sinh thái.
Ông Lâm nhận định, chiếm cao nhất là chi phí thức ăn, khoảng 60%, tiếp theo là chi phí con giống, chiếm 10%, đối với mô hình nuôi chuyển bể thì tỉ lệ sống lúc sang tôm ảnh hưởng đến năng suất và quyết định giá thành.
"Áp dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa toàn bộ hệ thống từ quản lý môi trường, thức ăn đến thu hoạch giúp giảm chi phí lao động và tăng năng suất. Đầu tư vào hệ thống tuần hoàn khép kín, giảm chi phí nước và xử lý môi trường, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng tôm", ông Lâm cho hay.
Sản lượng và lợi nhuận phải song hành
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) nhận định ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, dịch bệnh trong nuôi trồng. Các dịch bệnh như bệnh đốm trắng, hội chứng tôm chết sớm (EMS), và các bệnh do vi khuẩn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng tôm. Quản lý dịch bệnh trong ao nuôi còn nhiều bất cập, khiến rủi ro bùng phát dịch bệnh cao, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.
"Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, và hạn hán, ảnh hưởng đến môi trường nước và gây khó khăn trong việc duy trì điều kiện nuôi trồng. Xâm nhập mặn cũng khiến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe tôm nuôi", ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân, cạnh tranh quốc tế và rào cản thương mại ngày càng lớn. Các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng có ngành tôm phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ. Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho tôm ở Việt Nam còn khá cao, thêm vào đó, việc kiểm soát chi phí chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc giá tôm Việt Nam chưa đủ cạnh tranh so với các nước khác.
Khó khăn trong tiếp cận công nghệ và kỹ thuật mới, nhiều hộ nuôi tôm vẫn áp dụng kỹ thuật nuôi truyền thống, thiếu sự đầu tư vào công nghệ hiện đại và các quy trình nuôi bền vững. Việc tiếp cận công nghệ mới trong quản lý dịch bệnh, cải thiện năng suất, và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Ngành tôm đang thiếu nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cao để triển khai các quy trình nuôi tôm hiện đại và bền vững, cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn.
Theo ông Luân, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Lợi nhuận của người nuôi tôm đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính do chi phí sản xuất cao, dịch bệnh ngày càng nhiều, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều khó khăn. Gà, heo thì có thể có một chuồng, còn tôm nuôi thì rất nhiều ao nuôi với diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cấp, nên công tác quản lý dịch bệnh luôn gặp nhiều khó khăn.