| Hotline: 0983.970.780

Người sưu tầm báo xưa

Thứ Tư 05/08/2020 , 09:10 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm sưu tầm, đến nay ông đã có trong tay hàng nghìn tờ báo. Trong đó, có những tờ báo cực kì quý hiếm và giá trị.

Ông Nguyễn Phi Dũng cùng 3 cuốn Tập San Canh Nông. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Nguyễn Phi Dũng cùng 3 cuốn Tập San Canh Nông. Ảnh: Mai Chiến.

Đó là ông Nguyễn Phi Dũng (SN 1960, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông là người khá nổi tiếng trong giới sưu tầm đồ cổ ở đất Thành Nam.

Tính ông hiền lành, dễ gần, không phân biệt tuổi tác hay địa vị trong xã hội. Và, luôn sẵn sàng mở cửa đón tiếp khách đến tham quan nếu có nhu cầu.

Sở hữu hơn 500 đầu báo

Trước khi đến với sở thích sưu tầm báo xưa, ông Dũng đã có hàng chục năm sưu tầm đồ cổ như bát, đĩa, bình vôi gốm thời Lê; đài, máy đánh chữ trước năm 1975; bàn tính gảy (Suan Pan) của người Trung Hoa với nhiều hệ khác nhau…

Tiếp chúng tôi trong phòng trà khang trang, ông Dũng thổ lộ, cha ông là cụ Nguyễn Phi Hùng (năm nay 85 tuổi) có sở thích đọc báo, sưu tầm báo và đóng quyển báo từ những năm 1970. Trải qua thời gian dài, những tập báo cũ của cha ông cứ thưa dần, thưa dần.

Vì sao lại vậy? - tôi hỏi. Ông Dũng bảo: Theo lời kể của cụ, thì thời kì bao cấp, gia đình tôi đói ăn quá nên cụ phải bán những tập báo đó đi, kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Song, thói quen đọc báo của cụ Hùng vẫn còn duy trì cho tới nay. Sáng nào, ông Dũng cũng phải ra quầy bán báo, mua những số báo mới nhất đem về cho cụ đọc. “Nhiều hôm có việc bận đột xuất, không mua được báo sớm, cụ cứ ngồi trước cửa nhà ngóng chờ”, ông Dũng nói.

Vì muốn tiếp nối sở thích của cha, nên hơn 3 năm trở lại đây, ông Dũng chuyển dần sang thú vui sưu tầm báo xưa. Tận dụng những mối quan hệ đã quen biết từ trước trong giới sưu tầm đồ cổ, ông Dũng bắt tay vào “cuộc chiến” mua báo.

Ông săn lùng mọi ngõ ngách, mua dồn dập. Mua qua mạng xã hội cho đến người quen giới thiệu. Chỉ cần có cuộc điện thoại gọi đến nói nơi rao bán báo xưa là ông đến tận nơi để mua cho bằng được.

Và rồi, những tờ báo xưa cứ lần lượt về tay ông, làm cho thị trường báo xưa những năm gần đây cạn kiệt. Cái tên Nguyễn Phi Dũng nổi như “cồn” trong vài năm trở lại đây; được nhiều người trong giới sưu tầm đồ cổ, nhất là giới sưu tầm báo chí trên cả nước biết đến.

Ông Dũng luôn sẵn sàng mở cửa đón tiếp khách đến tham quan nếu có nhu cầu. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Dũng luôn sẵn sàng mở cửa đón tiếp khách đến tham quan nếu có nhu cầu. Ảnh: Mai Chiến.

Góp gió thành bão. Từ con số 0 tròn trĩnh đến nay ông đã có một cơ đồ báo xưa. Ông dành riêng một căn phòng rộng chừng 50m2 để trưng bày báo xưa… với tên gọi là “Phòng sưu tầm báo chí PDC”. Căn phòng được trang bị cả điều hòa, máy hút ẩm, bật 24/24h để bảo vệ báo.

Tất cả báo xưa được ông Dũng xếp ngăn nắp trên kệ, cao ngút đầu, đến sát trần nhà; ông phân loại báo theo từng chủ đề, thể loại, mốc thời gian, tính thời sự… Trong đó, có 2 đầu báo chủ đạo được đóng thành quyển bìa cứng là báo Nhân DânQuân đội Nhân dân.

Bên cạnh sở thích sưu tầm đồ cổ, báo xưa, ông Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cụ già không nơi nương tựa…, trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Cầm trên tay tờ báo xưa, ông Dũng cho biết, hiện nay ông đã sưu tầm được khoảng 140.000 tờ báo của hơn 500 đầu báo. Nếu tính trọng lượng, toàn bộ số sách, báo có trong phòng sưu tầm phải nặng trên 7 tấn. Tổng chi phí mà ông Dũng đã bỏ ra để mua sách, báo xưa ngót nghét 1 tỉ đồng.

“Nhờ đọc báo xưa nên tôi có thêm nhiều kiến thức về lịch sử. Hiểu được đời sống, văn hóa, lối sống, cũng như chính trị, quân sự, kinh tế ở các giai đoạn trước và sau năm 1975. Có thể nói rằng, tính thời sự của các tờ báo không bao giờ là cũ”, ông Dũng bộc bạch.

Tiếp xúc với ông Dũng, tôi còn biết ông có một sở thích không giống ai. Đó là, sẵn sàng tặng 1 tờ báo trong phòng sưu tầm mà có ngày, tháng, năm sinh trùng với ngày sinh nhật của một ai đó, nếu họ mong muốn.

Ông luôn quan niệm rằng “Cho đi sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì mình nghĩ”, bởi thế, ông Dũng luôn được mọi người kính nể, tôn trọng.

Những tờ báo quý

Trong số hàng nghìn tờ báo ông đã sưu tầm, có 5 tờ báo quý. Ông Dũng bảo, đó là những tờ báo cấp 1 (hay còn gọi cấp đặc biệt - tên do ông Dũng đặt), nên được bảo quản và cất giữ cẩn thận.

Trong 'Phòng sưu tầm báo chí PDC' của ông Dũng có tờ báo Cờ Giải Phóng số 1, ra ngày 10/10/1942. Ảnh: Mai Chiến.

Trong “Phòng sưu tầm báo chí PDC” của ông Dũng có tờ báo Cờ Giải Phóng số 1, ra ngày 10/10/1942. Ảnh: Mai Chiến.

Tất cả đều được cho vào túi ni lông loại mềm, mỗi tờ cho vào 1 túi và bảo vệ bằng ống chống ẩm. Khi nào có khách đến tham quan thì ông mới đem ra cho mọi người chiêm ngưỡng.

Đó là, tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ) do Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài (chức danh tương đương Tổng Biên tập ngày nay). Tờ báo ông đang sở hữu xuất bản năm 1896.

Tờ báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942. Đây là tờ báo do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo.

Tờ báo Xung Phong - Cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Giang, số 9, ra ngày 15 tháng 9 ta (chưa rõ năm) với những tiêu đề chính như: Khổ! Khổ!; Xích xiềng cả; Công tác vận động…

Cuối cùng là 2 tờ báo Cứu Quốc - Cơ quan của cổ động Việt Minh toàn quốc. Gồm: Tờ số 5, ra ngày 23/9/1942 với những tiêu đề chính như Bắc Sơn khởi nghĩa, Nhật bị ném bom dữ, Hãy nói lên, Mật thám Pháp bị Nhật bắt… Tờ đặc biệt (số Xuân) ra ngày 5/1/1943, trang bìa được in chữ màu đỏ.

“Đây là những tờ báo có tính cách mạng trong thời kì mà Đảng ta đang hoạt động bí mật. Trải qua hàng chục năm, những tờ báo này vẫn còn tồn tại; thực sự là những tài liệu cực kì quý hiếm”, ông Dũng bảo.

Trầm ngâm một lúc, ông Dũng chia sẻ thêm: Để mua được những tờ báo quý hiếm, có giá trị, tôi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng. Đơn cử, như tờ báo Cờ Giải Phóng số 1, tôi phải bỏ ra 50 triệu đồng để mua tờ báo này kèm thêm 4 tờ báo khác. Nếu không mua kèm 4 tờ báo khác thì họ không bán.

Theo ông Dũng, đây là tờ báo cực kì quý hiếm, bởi tờ báo ông đang có trong tay là tờ số 1; hơn nữa lại phát hành đúng ngày 10/10 (ngày 10/10 hằng năm được chọn là ngày Giải phóng thủ đô Hà Nội, bắt đầu từ năm 1954).

Tờ Cờ Giải Phóng ra tới số 33 là dừng lại. Hiện nay, ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ có 32 số báo Cờ Giải Phóng, duy nhất thiếu tờ số 1.

5 tờ báo quý. Ảnh: Mai Chiến.

5 tờ báo quý. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài sưu tầm báo xưa, ông Dũng còn sưu tầm cả tập san, tạp chí, công báo, sách Nam Phong, Truyện Kiều... Trong số này, có 3 cuốn Tập san Canh Nông (do Bộ Canh Nông xuất bản), nay gọi là Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Gồm Tập san Canh Nông số 3, tháng 3/1953 (tờ bìa ngoài cùng ghi rõ: Số đặc biệt về hội nghị tổng kết lãnh đạo kỹ thuật Canh nông 1952); Tập san Canh Nông số 6, tháng 2/1954 và Tập san số 8, tháng 5 và tháng 6/1954.

“Đã có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại những tờ báo quý có phòng sưu tầm của tôi, nhưng tôi nhất quyết không bán, dù trả giá khá cao. Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm báo xưa cho đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì mới dừng lại.

Sau này, nếu con tôi thích thì tôi sẽ để lại toàn bộ cho chúng quản lí. Còn nếu nó không thích, tôi sẽ tặng cho bảo tàng”, ông Dũng tâm sự.

“Với mong muốn không để những tờ báo xưa có giá trị bị thất thoát sang nước ngoài nên tôi mới săn lùng và mua nhiều đến vậy. Vì hiện nay, đồ cổ đang bị bán sang nước ngoài rất nhiều”, ông Nguyễn Phi Dũng thổ lộ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm