| Hotline: 0983.970.780

'Đáng nể' người suốt 24 năm có thú vui sưu tầm tiền cổ

Thứ Tư 23/05/2018 , 14:30 (GMT+7)

Sau 24 năm sưu tầm tiền cổ, đến nay anh đã sưu tầm được khoảng 350 tờ tiền giấy và hơn 200 đồng tiền xu cổ qua các thời kỳ. Mỗi thời kỳ, tiền được làm theo khổ, màu sắc, chất liệu khác nhau…

Món quà vô giá

Đó là anh Vũ Hoài Nam (SN 1976, xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Anh đến với thú chơi tiền cổ rất tình cờ. Năm 1994, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị Công binh đóng quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa).

nh-1-6144354620
Anh Nam bên bộ sưu tập tiền cổ của mình

Những ngày đầu sinh sống trong môi trường quân đội khiến chàng trai trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ. Từ ăn uống, ngủ nghỉ phải đi vào nề nếp. Ở nơi đơn vị đóng quân, anh Nam được một người dân sinh sống tại địa phương tặng 3 đồng tiền giấy cổ làm kỷ niệm.

Cầm 3 đồng tiền cổ trên tay mà anh Nam mừng rơi nước mắt. Anh tự nhủ sẽ phải bảo vệ và cất giữ cẩn thận món quà vô giá này. Anh coi đó là thứ tài sản quý giá nhất trong đời đi lính của mình.

Những lúc rảnh rỗi, anh đem 3 đồng tiền giấy cổ ra ngắm nghía rồi tìm hiểu về các họa văn, họa tiết, biểu tượng…, in ở đồng tiền. Từ đó, trong đầu anh nảy ra ý định sẽ sưu tầm những đồng tiền cổ xưa để nghiên cứu nét đẹp của từng đồng tiền xưa. Và, “thú” chơi tiền cổ xưa ngấm vào “máu” trong người anh từ đó.

“Hồi ấy, đóng quân trong Cam Ranh, tôi được người dân địa phương tặng 3 tờ tiền giấy cổ để làm kỷ niệm. Nhiều lần ngắm nghía tiền, tôi phát hiện ra các điểm khác nhau của 3 tờ nên từ đấy trong đầu nảy ra ý định sưu tầm tiền cổ và mong muốn sớm sở hữu một album tiền cổ để nghiên cứu nét đẹp của từng đồng tiền xưa”, anh Nam nhớ lại.

Cuối năm 1995, anh hoàn thành nghĩa vụ và trở về địa phương công tác. Trong một phiên chợ Viềng xuân ở Nam Trực (mồng 8 tháng Giêng) anh dạo vòng quanh khu vực chợ và tìm đến các gian đồ cổ để hỏi mua tiền giấy xưa qua các thời kỳ nhưng rất hiếm. Đến gian hàng nào, chủ cửa hàng cũng lắc đầu không có.

Biết thú chơi tiền cổ của anh, nhiều người đã xin lại số điện thoại của anh để tiện liên lạc và giúp đỡ, hỗ trợ anh khi biết thông tin có người bán tiền cổ. Nhờ những cộng sự bên ngoài giúp đỡ mà số tiền cổ trong album của anh ngày càng nhiều lên, hoàn thiện hơn.

Anh Nam bảo, vài năm trở lại đây, khi các diễn đàn trao đổi, mua bán tiền cổ xưa trên mạng internet phát triển, anh ít phải đi lại nhưng với những đồng tiền hiếm thì anh vẫn phải đến tận nơi để xem và hỏi mua.

nh-2-3144354984
Anh Nam giới thiệu tờ tiền 100 đồng thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

“Khi biết có người bán một đồng tiền còn thiếu trong bộ sưu tập, dù ở xa tôi cũng cố gắng đến tận nhà thuyết phục, năn nỉ để mua cho bằng được. Nhiều người thấy tôi đam mê tiền cổ quá nên cũng đành ngậm ngùi bán lại cho tôi”, anh Nam chia sẻ.

Theo anh Nam, mỗi người sưu tầm tiền cổ đều có phong cách riêng và định hướng sưu tầm khác nhau. Riêng anh, anh không đi sâu vào các chi tiết, hoa văn của đồng tiền, mà anh chỉ cần sưu tầm đủ số lượng tiền qua các thời kỳ (tiền Đông Dương, tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền Việt Nam Cộng hòa) là mãn nguyện.
 

24 năm sưu tầm tiền cổ

Sau 24 năm sưu tầm tiền cổ, đến nay anh Nam đang sở hữu được khoảng 350 tờ tiền giấy và hơn 200 đồng tiền xu cổ qua các thời kỳ. Mỗi thời kỳ, tiền được làm theo khổ, màu sắc, chất liệu khác nhau…

Dở cuốn album sưu tập tiền cổ, anh Nam nói: “Ở mỗi thời kỳ, tiền giấy và tiền xu trong bộ sưu tập của tôi được chia theo từng giai đoạn khác nhau”.

Theo đó, anh Nam chia theo các giai đoạn như: Thời kỳ tiền giấy Việt Nam - Indochine gồm Việt Nam - Indochine’French 1900 - 1925, 1921 - 1929; Indeo Hà Nội Việt Nam - Indochine 1942 - 1945, 1939, 1942, Việt Nam - Indochine’Japan 1949 - 1951, Việt Nam - Miên - Lào’French 1953 - 1954...

nh-3-4144355343
Anh Nam bật mí về nhận biết hình bóng chìm ở tờ tiền cổ
Khi được hỏi về ý nghĩa của thú chơi tiền cổ, anh Nam bộc bạch: “Tôi muốn lưu lại những đồng tiền cổ để tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của mỗi đồng tiền. Bởi, mỗi thời kỳ, tiền được làm và in họa tiết khác nhau, phản ánh tình hình kinh tế, chính trị của đất nước ở từng giai đoạn…”.

Thời kỳ tiền giấy Việt Nam thời kỳ Dân chủ Cộng hòa gồm: Khu vực miền Bắc, liên khu 3, 4 và Việt Bắc 1946 - 1952; tín phiếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 - 1952 khu vực miền Trung; bộ tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1952 khu vực miền Nam và khu vực địa phương Nam Bộ.

“Mặc dù cùng mệnh giá đồng tiền nhưng hình bóng chìm, mật khẩu, khổ giấy, màu sắc, chất liệu đều khác nhau. Và, hình bóng chìm trong mỗi đồng tiền thể hiện nguyên tắc bảo an, chống tiền giả”, anh Nam cho biết thêm.

Mỗi thời kỳ, tiền giấy được in biểu tượng, hình ảnh với nội dung khác nhau như: Bộ tiền giấy thời kỳ Việt Nam - Indochine’French đa số có hình thức hoa văn, kiến trúc phương Tây, mặt sau có chữ bản địa, song ngữ hoặc tứ ngữ...

Bộ tiền giấy thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhiều hình ảnh về tăng gia sản xuất và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của công nông binh. Tiêu biểu như tờ tiền giấy 20 xu phát hành năm 1948, mặt trước có ảnh Bác Hồ, mặt sau có hình ảnh người chiến sĩ và người nông dân sát cánh chống quân xâm lược.

Hay tờ 20 đồng phát hành năm 1947 mặt trước có hình Bác Hồ, mặt sau là hình ảnh sĩ, nông, công, thương cùng nhau đoàn kết tạo thành khối thống nhất. Tờ tiền giấy 100 đồng phát hành năm 1949 với hình ảnh mặt sau là chiến sĩ đeo súng giơ một tay hiệu triệu sát cánh cùng người nông dân. Tờ tiền giấy 500 đồng phát hành 1949 ở mặt sau tái hiện Chiến thắng Sông Lô...

Ngoài ra, album tiền xu cổ của anh cũng được phân chia theo các thời kỳ với những biểu tượng và cách phân biệt tiền khác nhau. Hình dáng tiền xu được thay đổi theo niên đại, thời kỳ. Chất liệu làm từ đồng, bạc, kẽm, nickel…

nh-4-4144355645
nh-5-2144355985
Cuốn album tiền giấy và tiền xu cổ của anh Nam

Trong bộ sưu tập tiền cổ, đồng tiền xu cổ nhất mà anh Nam đang lưu giữ là phát hành năm 1875, có tên gọi là Xu Ba Son. Mặt trước khắc chữ “Republique Francaise” và hình đầu Nữ Thần. Mặt sau khắc chữ “Liberte - Egalite - Fraternite”. Tiền được làm bằng chất liệu Bronze (hay còn gọi là đồng), tiền có lỗ tròn ở giữa, đường kính 15mm.

Và, tờ tiền giấy đầu tiên được lưu thông ở Việt Nam là đồng Đông Dương mệnh giá 100 đồng bạc, được người Pháp phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954. Trên đó có in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Tiền được chia vào nghệ thuật hội họa. Mỗi đồng tiền là một bức tranh nghệ thuật, mô tả nội dung cần truyền tải như thiên nhiên đất nước, dich tích lịch sử, con người, nhà máy, danh lam thắng cảnh…”, anh Nam bật mí.

Nhiều tờ tiền giấy trong bộ sưu tập của anh Nam thuộc dạng quý hiếm như tờ Phiếu tiếp tế 2 đồng Sóc Trăng hiện nay có giá thị trường là 23 triệu đồng, tờ 5 đồng có cảnh đồng ruộng Long - Châu - Hậu trị giá hơn 10 triệu đồng… Mặc dù, nhiều người cũng ngỏ ý muốn mua lại một số tờ tiền cổ trong bộ sưu tập của anh với giá tiền cao ngất ngưởng nhưng anh Nam vẫn nhất quyết không bán.

“Để hiểu biết nhiều hơn về giá trị của những đồng tiền xưa, ngoài việc mua sách nghiên cứu hay tham khảo trên mạng internet, tôi còn thường xuyên học hỏi các bậc cao niên và giao lưu với bạn bè có cùng đam mê sưu tầm tiền xưa”, anh Nam thổ lộ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là đột phá đưa đất nước phát triển

Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Một cuộc họp 'vô tiền khoáng hậu' vì dân của thành phố Hạ Long

QUẢNG NINH Hội nghị của thành phố Hạ Long hôm nay không như thường lệ, cán bộ phải phát biểu vo, hiểu đến đâu nói đến đó và 'cấm' mang tài liệu vào để đọc.