| Hotline: 0983.970.780

9X và kho đồ cổ vô giá ở vùng biên giới

Thứ Bảy 07/03/2020 , 07:10 (GMT+7)

Hàng trăm món đồ cổ, quý hiếm, đã được một chàng trai 9X ở Bình Phước sưu tầm từ hơn chục năm nay. Đây là một gia tài lớn, có giá trị văn hoá.

Nhà

Nhà "trưng bày" đồ cổ trên cây của chàng trai Nguyễn Tấn Thủ. Ảnh: Phúc Lập.

Cậu bé bán chè mê đồ cổ

Thông thường, người sưu tầm những món đồ có giá trị thời gian, hay nói cách khác là đồ cổ, nhất là những món đồ của đồng bào các dân tộc thiểu số, phải là người ngoài đam mê ra còn phải từng trải, có kinh nghiệm sống, có kiến thức sâu về cổ vật và phải khá giả. Bởi những món đồ ấy có khi rất bình thường với người không quan tâm, không có kiến thức về đồ cổ. Nhưng lại vô giá với người đam mê, hiểu về nó.

Bởi thế, tôi rất ngạc nhiên khi nghe người bạn địa phương kể về chàng trai 9X Nguyễn Tấn Thủ, ở thôn 2, xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, có đam mê đồ cổ từ khi còn là một cậu bé. Sau hơn chục năm sưu tầm, anh đã có một kho đồ cổ hàng trăm món. Do công việc phải dậy sớm đi bán chè mỗi ngày, nên sau vài lần “hẹn hò”, chúng tôi mới gặp được ông chủ kho đồ cổ.Kho 

Nơi Thủ sống là một khuôn viên khá đẹp, rộng hơn 200m2 với nhiều cây cổ thụ được tỉa tót, chăm chút rất kỹ.

Dọc hai bên lối đi quanh ngôi nhà nhỏ là những chiếc lu, chậu cổ được bài trí hài hoà, đẹp mắt. Đặc biệt, trên một cây sanh cổ thụ có ba nhánh xòe ra, cách mặt đất chừng 5-6m, có một ngôi nhà nhỏ làm bằng tre, cây và lá rừng. Lối lên nhà là một chiếc thang làm bằng tre.

“Đồ cổ cậu ấy trưng trong nhà và cả trong cái “bảo tàng” nhỏ trên cây ấy”, anh bạn tôi chỉ lên ngôi nhà trên cây cho biết.

Bên trong có bộ sưu tập đồ cổ hàng trăm món. Ảnh: Phúc Lập.

Bên trong có bộ sưu tập đồ cổ hàng trăm món. Ảnh: Phúc Lập.

Dẫn chúng tôi vào nhà, Thủ cười: “Em thích đồ cổ từ lâu, nhưng không có điều kiện kinh tế, nên phần lớn thời gian phải đi làm. Khi nào rảnh mới dành thời gian cho thú vui này. Với lại, cũng phải tích cóp được mới dám đi”.

Trong ngôi nhà vừa là nơi ở của vợ chồng Thủ, vừa để trưng bày, là hàng trăm món đồ cổ của đồng bào dân tộc thiểu số, đủ hình thù, kiểu dáng, từ những bộ trang phục truyền thống đến những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như chum, ché rượu, gùi, sà gạc, cồng, chiêng….được sắp xếp ngay ngắn. Thủ cho biết, tất cả những món đồ này đều từ gần 100 tuổi trở lên.

“Em còn rất trẻ, từ đâu mà đam mê sưu tầm những món đồ cổ của đồng bào?”, tôi hỏi. Thủ cười: “Em nghĩ nói thú vui, sở thích thì đúng hơn, chứ chưa đến mức là đam mê. Ngoài thú vui, còn có mục đích khác là em muốn lưu giữ lại những thứ mà có lẽ sẽ ngày càng hiếm đi”.

Không chỉ là đam mê

Theo lời Thủ, ngay từ lúc còn là một cậu bé lon ton theo cha mẹ rong ruổi đi vào các bản làng của đồng bào S’tiêng để bán chè. Mỗi khi thấy có lễ hội gì là cậu sáp vào xem. Thích nghe tiếng cồng, chiêng, thích xem các điệu múa của đồng bào.

Sau đó, mỗi khi rảnh là Thủ lại rủ đám bạn cùng lứa vào nhà đồng bào chơi, thấy những món đồ cũ kỹ trong nhà họ đã lên nước bóng loáng, là sáp lại xem.

Thủ nâng niu những chiếc bình cổ và say sưa giới thiệu về nguồn gốc, tuổi đời món đồ. Ảnh: Phúc Lập.

Thủ nâng niu những chiếc bình cổ và say sưa giới thiệu về nguồn gốc, tuổi đời món đồ. Ảnh: Phúc Lập.

Khi Thủ lớn lên, cũng là lúc cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên. Bà con đồng bào thiểu số cũng “hội nhập” với người “dưới xuôi”, họ bắt đầu thay đổi thói quen sinh hoạt, mua sắm nhiều vật dụng hiện đại. Còn những món đồ đã gắn bó với họ bao đời nay trở nên cũ kỹ, lạc hậu, bị bỏ lăn lóc nơi góc nhà.

Kể cả những món đồ có giá trị lớn về văn hoá, thời gian như cồng chiêng, cũng bị coi thường, ít dùng tới.

Ban đầu, Thủ chỉ định mua những thứ người dân không dùng để mang về bảo quản, nhưng sau đó, niềm đam mê lớn dần.

Đến hôm nay, để thỏa đam mê, bao nhiêu tiền dành dụm được từ bán chè, thêm một ít trợ giúp của gia đình, anh đã có cả một kho đồ cổ vô giá.

Vừa nhẹ nhàng lau bụi bám trên 1 chiếc chum sành, Thủ say sưa giới thiệu: “Trong bộ sưu tập hàng trăm món, món nào cũng gắn với một kỷ niệm, món nào cũng có giá trị riêng về tuổi đời, chất liệu và nguồn gốc. Trong đó nhiều món rất hiếm. Ví dụ như cái ché cổ đựng rượu này”.

Nhìn chiếc ché, người “ngoại đạo” như tôi chỉ thấy đây là chiếc chum sành bình thường. Nhưng với Thủ thì khác. Dùng vạt áo chùi lớp bụi bám trên thân ché, Thủ chỉ cho chúng tôi xem bức vẽ trên thân. Đó là hình một thiếu nữ giã gạo, trên nền hoa văn rất sắc nét.

“Nếu mang đi giám định, chiếc ché này ít nhất phải hơn 200 năm tuổi, những họa tiết trên thân ché được vẽ bằng tay, cực kỳ tinh xảo. Đây là một trong những món đồ quý nhất trong một gia đình đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên.

Em nghĩ mình có duyên với nó khi tình cờ biết một gia đình ở Tây Nguyên định bán cho một người chuyên săn đồ cổ”.

Bộ chiêng 5 món của Thủ được trả giá hàng trăm triệu đồng, nhưng anh lắc đầu không bán. Ảnh: Phúc Lập.

Bộ chiêng 5 món của Thủ được trả giá hàng trăm triệu đồng, nhưng anh lắc đầu không bán. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện nay, tiếng tăm về chàng trai trẻ có kho đồ cổ vô giá đã được nhiều “đại gia” trong làng đồ cổ biết và tìm đến hỏi mua lại với giá rất cao. Riêng bộ cồng chiên 5 món đã được nhiều người hỏi mua với giá hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, Thủ chỉ lắc đầu. “đồng bào thiểu số rất thật thà, nên đã bị nhiều người lợi dụng, mua lại những món đồ với giá rất rẻ. Em sưu tầm một phần vì không muốn những món đồ truyền thống này lưu lạc mọi xứ, hoặc không biết họ mua với mục đích gì, có khi bị hủy hoại, tiếc lắm”.

Thủ cho biết, anh đang có kế hoạch sửa lại khu nhà, vừa có chỗ trưng bày chuyên nghiệp hơn, rộng rãi hơn, vừa là điểm bán chè tại nhà, kiêm bán cà phê cho khách đến vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm đồ cổ. “nghề bán chè rong giờ khó khăn rồi, vì nhiều người bán quá. Nên muốn ổn định thì phải thay đổi thôi”, Thủ cho biết.

Mang câu chuyện về chàng trai Nguyễn Tấn Thủ sưu tầm đồ cổ nói với ông Bùi Hải Chung, Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Bù Đốp, ông chia sẻ: “Hiện nay, những món đồ cổ, vật dụng truyền thống của đồng bào thiểu số ngày càng ít đi. Nguyên nhân là chúng không còn phù hợp với xu thế phát triển nữa, bà con thay đổi thói quen sinh hoạt.

Phần mữa là bà con dễ tin, chỉ cần thuyết phục vài câu lả sẵn sàng bán, trao đổi những món đồ cổ với giá rẻ. Cho nên, việc làm của anh Thủ rất đáng quý. Riêng với các bộ cồng chiêng, có giá trị văn hoá rất lớn mà cha ông để lại, cho nên cần bảo vệ, giữ gìn”.

Chiếc ché quý mà Thủ may mắn sở hữu có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Phúc Lập.

Chiếc ché quý mà Thủ may mắn sở hữu có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Phúc Lập.

Đồng bào dân tộc thiểu số vốn có nền văn hoá truyền thống lâu đời và đặc sắc, nhưng đang ngày càng mai một do quá trình hòa nhập. Bởi thế, sưu tầm và lưu giữ những hiện vật văn hóa lâu đời của đồng bào thiểu số là điều không phải ai cũng làm được.

Cho nên, thật may mắn khi có một chàng trai, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có những suy nghĩ rất “già”, là ngày đêm tìm kiếm, lưu giữ được những giá trị văn hoá lâu đời của đồng bào thiểu số.

Quá trình hội nhập đã và đang ngày càng làm mai một văn hoá truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong đó phải nhắc đến việc những kỷ, cổ vật đang mất dần.

Việc làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa đặc sắc ấy vẫn luôn là một câu hỏi khó cho các nhà quản lý, chuyên môn.

Để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc, ý thức của mỗi gia đình trong cộng đồng làng là quan trọng nhất. Nhưng làm sao để họ ý thức được thì phải có nhiều giải pháp.

Hiện chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ cộng đồng với sự tham gia của người dân các làng dân tộc với nhiều tiết mục văn nghệ như biểu diễn cồng chiêng, ca, múa truyền thống, nhằm để thế hệ trẻ cảm nhận và có ý thức bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống”, ông Bùi Hải Chung.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.