| Hotline: 0983.970.780

Người tiên phong nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Ðịnh

Thứ Ba 03/01/2023 , 18:27 (GMT+7)

Nhờ nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc nên anh có thể nuôi trái vụ, trong khi nhiều vùng tôm đều dừng nuôi thì anh vẫn đang nuôi vụ 3 để cung ứng dịp Tết Nguyên đán.

Bỏ phố về quê nuôi tôm

Bước qua năm 2023, Nguyễn Tất Tùng mới 40 tuổi, nhưng anh đã có đến 13 năm trong nghề nuôi tôm.

Tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, làm việc tại TP.HCM được 1 năm, sau đó theo tiếng gọi của quê hương, Tùng về lại vùng quê biển Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) để theo nghề truyền thống của gia đình là nuôi tôm. Vào thời điểm ấy, nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cũ không còn hiệu quả, do môi trường ô nhiễm nên tôm dễ bị dịch bệnh, hầu hết người nuôi đều thua lỗ.

Năm 2017, Tùng được Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam mời tham gia chuyến tham quan các mô hình nuôi tôm thành công bằng giống của C.P trong Cà Mau. Chuyến đi này Tùng được tiếp cận với nhiều công nghệ mới trong nuôi tôm, nhất là công nghệ xử lý nước nhằm khắc phục nạn ô nhiễm vùng nuôi.

Nguyễn Tất Tùng (đứng giữa), người đầu tiên nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Tất Tùng (đứng giữa), người đầu tiên nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định. Ảnh: NVCC.

“Thời điểm đó, đa số người nuôi tôm ở Bình Định, trong đó có gia đình tôi, đang gặp khó khăn vì nguồn nước nuôi tôm ngày càng ô nhiễm. Trong chuyến đi ấy tôi thấy các vùng nuôi ở Cà Mau đã áp dụng nguyên lý tuần hoàn, nước từ ao nuôi thải ra được xử lý, lọc lắng, rồi đưa ngược vào ao nuôi trở lại. Tôi thấy công nghệ xử lý nước nói trên giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, sau chuyến đi ấy tôi ứng dụng ngay vào vùng nuôi của gia đình và đã thành công”, Tùng nhớ lại.

Với quyết tâm học hỏi công nghệ mới trong nuôi tôm để xử lý môi trường nước, Tùng tìm hiểu thêm về công nghệ Semi-Biofloc để tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng, giảm sử dụng kháng sinh, đồng thời giữ sạch nước trong ao nuôi. Nuôi tôm bằng công nghệ này, hệ thống ao nuôi khép kín từ nước-giống-thức ăn phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt.

Ao tôm nuôi theo công nghệ cao của anh Nguyễn Tất Tùng. Ảnh: NVCC.

Ao tôm nuôi theo công nghệ cao của anh Nguyễn Tất Tùng. Ảnh: NVCC.

Để đi theo hướng nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc, Tùng nâng nền ao nuôi, xung quanh bờ cũng được nâng cao để tiện đi lại. Khi ấy, với diện tích 4 ha (ở xã Cát Minh có 2 ha và ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có 2 ha), chi phí cải tạo ao Tùng mất đến 1,5 tỷ đồng. Trong 4 ha nói trên, Tùng chia nhỏ mỗi ao nuôi có diện tích 700m2.

Sau đó, Tùng đầu tư trang thiết bị cho những ao nuôi (700m2/ao) những hệ thống đảo, hệ thống oxy đáy, hệ thống sục nước tạo dòng chảy mới, trên có mái che, dưới đáy ao lót bạt... mất thêm 350 triệu đồng/ao nuôi. Ngoài ra, ở Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), Tùng còn 8,2 ha nuôi tôm theo công nghệ cũ nữa. Tuy nhiên, theo đánh giá của anh Tùng, nuôi tôm theo công nghệ cũ không hiệu quả như nuôi theo công nghệ mới.

Công nghệ mới cho năng suất vượt trội

Nuôi theo công nghệ cao, năng suất tôm của anh Tùng có thể đạt 60 tấn/ha. Ảnh: NVCC.

Nuôi theo công nghệ cao, năng suất tôm của anh Tùng có thể đạt 60 tấn/ha. Ảnh: NVCC.

Theo anh Nguyễn Tất Tùng, nuôi tôm theo công nghệ mới, tuy mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với kiểu cũ, nhưng lợi nhuận lại tăng hơn 15% nên chẳng bao lâu đã có thể thu hồi tiền đầu tư.

“Nuôi theo công nghệ mới, nguồn nước ổn định nên tôi có thể nuôi với mật độ 300 con/m2, có thể nuôi quanh năm. Tôm nuôi đặc biệt an toàn, tỷ lệ thành công cao hơn nuôi theo kiểu cũ. Nuôi theo công nghệ mới năng suất có thể đạt 40-60 tấn/ha, trong khi nuôi theo công nghệ cũ năng suất đạt cao lắm cũng chỉ 30 tấn/ha. Năm 2022, tôm nuôi của tôi đạt 13,6 con/kg, bán tôm ở thị trường Hà Nội trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9 có giá 380.000đ/kg”, anh Tùng chia sẻ.

Theo Tùng, khi đã có công nghệ, người nuôi phải làm chủ được kỹ thuật để nuôi trái vụ sẽ có thu nhập cao hơn nhiều. Đến nay, riêng diện tích ao tôm nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc hoàn toàn khép kín của gia đình anh Tùng đã có đến 8 ha. Ngoài ra, Tùng còn nhiều diện tích nuôi tôm theo công nghệ cũ nhưng có áp dụng công nghệ lọc nước.

Anh Tùng kiểm tra tôm nuôi trong ao công nghệ cao. Ảnh: NVCC.

Anh Tùng kiểm tra tôm nuôi trong ao công nghệ cao. Ảnh: NVCC.

Nhờ nắm bắt thấu đáo công nghệ Semi-Biofloc nên Tùng có thể nuôi tôm trái vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường mọi lúc nên đạt lợi nhuận rất cao. Hầu hết khách hàng của Tùng đều là những nhà hàng, khách sạn lớn ở các tỉnh phía Bắc có nhu cầu mua tôm ôxy (tôm sống vận chuyển giao tới nơi) rất lớn. Miền Nam là nơi có sản lượng tôm ôxy rất cao, nhưng cung đường vận chuyển từ Nam ra Bắc quá dài, rất bất thuận; ngược lại, tôm nuôi ở Bình Định đưa ra miền Bắc thuận lợi hơn nên chiếm ưu thế. Tại thời điểm này, trong khi hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh ở Bình Định đang tạm nghỉ chờ vụ mới thì anh Tùng vẫn đang nuôi vụ 3 để có tôm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên Đán đã cận kề.

“Trong năm 2022 vừa qua, tôi thí điểm áp dụng thêm hệ thống ánh sáng xanh bằng giàn đèn nhập về từ Hà Lan để điều chỉnh nhiệt độ ao nuôi, đảm bảo tôm phát triển tốt, giảm hẳn sức tác động của nhiệt độ bên ngoài. Qua 2 mùa thí điểm các ao nuôi có ánh sáng xanh cho thấy tôm phát rất tốt”, anh Nguyễn Tất Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.