Ngày 21/2, rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay, đồng thời yêu cầu một lời xin lỗi từ gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Mỹ vì bán hàng với khẩu hiệu nói trên.
Trước đó, vào tối ngày 20/2, trên chợ điện tử này, một người bán tên Amerihut đã liệt kê các mặt hàng, bao gồm áo phông, áo hoodie và cốc cà phê, với nhiều màu sắc khác nhau đi kèm khẩu hiệu nói trên.
Tuy nhiên, các sản phẩm đã được gỡ bỏ vào chiều ngày 21/2.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng khẩu hiệu này gây khó chịu và phản cảm. Đặc biệt là trong thời gian Trung Quốc đang nỗ lực chiến đấu với loại virus đã cướp đi hơn 2.000 mạng sống, khiến hơn 75.000 người lây nhiễm.
"Amazon phải xin lỗi vì điều đó. Làm thế nào mà họ nghĩ chỉ cần đơn giản gỡ bỏ các sản phẩm và giả vờ như không có gì xảy ra?", cư dân mạng tên Fengping đã viết trên Weibo – phiên bản Twitter của Trung Quốc.
Khi phóng viên Thời báo Hoàn cầu gọi Công ty Amazon ở Mỹ, một nhân viên bán hàng đã thốt lên đến bốn lần, "Đó là một sự xúc phạm!"
“Nếu những mặt hàng này được tìm thấy trên Amazon, chúng cần được gỡ xuống”, nhân viên bán hàng nói.
Một số người cho rằng các mặt hàng không được bán bởi Amazon và những lời chỉ trích nên nhắm vào người bán, nhưng những người khác lại cho rằng công ty phải chịu trách nhiệm khi cho phép chúng được bày bán trên nền tảng của mình.
"Amazon đơn giản là không thể kiểm soát khi cho phép bán các sản phẩm với khẩu hiệu "virus Corona được sản xuất tại Trung Quốc”. Thật đáng buồn và thái quá!", một cư dân mạng khác viết.
"Không có bất kỳ đánh giá nào khi người bán đặt sản phẩm trực tuyến? Đây chính là vấn đề của Amazon", người khác bức xúc.
Chủ đề "Amazon xúc phạm Trung Quốc" có tới gần 1,6 triệu lượt xem trên Weibo cho đến tối ngày 21/2.
Amazon đã không đưa ra bình luận nào trước câu hỏi của báo chí.
Đây là lần thứ hai nền tảng bán lẻ ở Mỹ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Trung Quốc vì đã cho phép các mặt hàng được bán có hình ảnh và khẩu hiệu gây khó chịu.
Vào tháng 8/2019, Amazon đa cho bán áo với khẩu hiệu có nội dung: "Hồng Kông tự do, Dân chủ bây giờ”.
Amazon sau đó đã phải xin lỗi và tuyên bố công ty thừa nhận cũng như tôn trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" trong quản trị của Trung Quốc đối với Hồng Kông.
Khẩu hiệu "virus Corona được sản xuất tại Trung Quốc" lần đầu tiên được chú ý sau khi xuất hiện trên trang bìa tờ báo Der Spiegel của Đức.