| Hotline: 0983.970.780

Người trồng khoai lang điêu đứng với sâu lạ

Thứ Hai 27/08/2012 , 10:06 (GMT+7)

Hàng ngàn hộ nông dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long, Đồng Tháp đang mất tiền tỷ do loài sâu lạ tấn công củ làm giảm 95% giá bán.

Hàng ngàn hộ nông dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long, Đồng Tháp đang mất tiền tỷ do loài sâu lạ tấn công củ làm giảm 95% giá bán.

Nông dân trồng khoai lang ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) đã đặt cho loài sâu lạ này cái tên “con sùng mạt”. Ông Lưu Văn Trạng, ấp Hòa An, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) nói: “Mạt thiệt rồi”. Thu hoạch 1,1 ha khoai lang tím Nhật lỗ trắng 120 triệu đồng.

Hợp đồng với thương lái giá 360.000 đồng/tạ (60kg), thương lái đưa tiền đặt cọc 20 triệu đồng, thế nhưng đến khi thu hoạch thì tá hỏa có đến 80% sản lượng củ bị sẹo bên ngoài do sâu lạ tấn công. Lúc đó thương lái đưa ra hai cách thu mua, một là phân loại củ đẹp, không bị sẹo do sâu lạ gây hại da thì mua đúng giá hợp đồng, hai là cân xô ngang với giá 25.000 đồng/tạ. Thế là phải chọn phương án 2, cân được 5,45 tạ thu về chỉ được hơn 13 triệu đồng, trừ ngang tiền đặt cọc phải trả lại cho thương lái 7 triệu đồng.

Ông Trạng nói: “Lần đầu tiên trong đời trồng khoai lang, lấy tiền bán khoai không được tiêu mà phải trả ngược lại tiền đặt cọc cho thương lái. Ngoài ra, phải xuất tiền túi 12 triệu cộng với 13 triệu tiền bán khoai để trả tiền công cho 80 lao động. Đã 6 năm trồng khoai chưa bao giờ lâm nạn như năm nay, 80 triệu đồng tiền bán lúa vụ ĐX vừa qua và 40 triệu đồng tiền dành dụm đã bị con sùng mạt cắn sạch”.

Điều làm ông Trạng ray rứt là toàn bộ sản lượng khoai lang thu hoạch không bị một củ sùng nhưng lại bị sâu lạ tấn công nhiều lỗ lớn nhỏ ngoài da làm mất giá mới đau.


Khoai lang bị sâu lạ tấn công

Ông Trạng cho biết thêm: Khoai trồng đến 105 ngày kiểm tra không phát hiện một củ nào bị sẹo ngoài da. Sau đó có một vài Cty về quảng bá một số sản phẩm mới (nhãn hiệu tiếng Việt và tiếng Trung Quốc) phòng trừ con sùng tấn công củ, nghe giới thiệu hiệu quả nên mua về tưới cho khoai. Mặt khác, trên đồng khoai có một loại bướm phấn trắng như bông xuất hiện. Đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân nào có côn trùng lạ gây hại.

Ông Bùi Văn Bảy, Tổ trưởng tổ sản xuất 28 ấp Hòa An, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết nông dân trồng khoai ở đây đang nghèo với loài sâu lạ này. Trong tổ có khoảng 50 ha trồng khoai lang thì có đến 80% nông dân thua lỗ từ 50% đến trắng tay. Ông Hồ Quốc Khánh, cùng ấp, trồng 2 ha khoai lang thua lỗ trên 100 triệu đồng. Ông Mười Thìn trồng 7.000 m2 thu hoạch lỗ trắng tay. Tất cả đều do loại sâu lạ tấn công, củ khoai bị sẹo nên bán giá rẻ mạt.

Vùng khoai lang xã Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) giáp ranh với xã Hòa Tân cũng chung số phận. Ông Lê Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân cho biết: Toàn xã có khoảng 1.260 ha khoai lang bị sâu lạ tấn công và gây hại khoảng 70% diện tích, sản lượng bị ảnh hưởng khoảng 50%. Khi những củ khoai bị sâu lạ tấn công thì bị loại sang hàng dạt và bán chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/tạ. Từ mức giá khoảng 350.000 đồng/tạ rớt xuống 15.000 đồng/tạ, tổn thất tiền tỷ.

Thạc sĩ Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam nhận định: Loại sâu đục phá khoai lang những tháng qua thực chất không lạ mà đã xuất hiện nhiều năm qua, nhưng do người dân lơ là chăm sóc và phun xịt không đúng cách nên năm nay trở nên bùng phát.

Ông Phan Ngọc Sáng, cán bộ BVTV xã Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Loài sâu lạ này đã xuất hiện một vài năm trở lại đây, mức độ thiệt hại 1-2%, năm nay là bùng phát dữ dội. Loại sâu này có kích thước nhỏ bằng đầu tăm nhang, dài khoảng 2 lóng tay, trên mình có lăm tăm lông măng, di chuyển rất nhanh. Nguyên nhân sâu bùng phát có thể do ảnh hưởng giá cả đầu vụ giảm mạnh, nhiều ruộng khoai đủ ngày tháng thu hoạch nhưng neo lại không phun, tưới thuốc phòng trừ.

Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Trung tâm BVTV phía Nam lấy mẫu gửi sang Trường Đại học Cần Thơ để định danh cho loài côn trùng này. TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Trên ruộng khoai hiện có 3 đối tượng, trong đó có 2 bộ bọ cánh cứng và 1 bộ cánh phấn hay còn gọi là sâu đục thân. Hiện tại, Trung tâm cũng đã gửi mẫu sang Trường Đại học Cần Thơ nuôi dưỡng để định danh đối tượng gây hại và tìm giải pháp diệt loài côn trùng này.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm