| Hotline: 0983.970.780

Người trồng lúa nhiều nhất miền Bắc

Thứ Hai 06/04/2020 , 09:01 (GMT+7)

Cấy tới hơn 160 mẫu ruộng, nếu mà anh khiêm nhường tự nhận mình là thứ nhì thì vị trí thứ nhất ở miền Bắc này có lẽ không ai dám nhận…

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi ngồi cùng với anh trên cái máy cấy 6 hàng Kubota đi thập thõm như người say trên con đường làng gồ ghề đầy sống trâu. Trên đầu vè vè mấy cái thiết bị bay không người lái đang chao liệng phun thuốc trừ sâu, dưới đồng rào rào đám máy bón đang văng phân ra đằng sau bụng.

Khi đã tìm được lối bò xuống ruộng, những cánh tay của chiếc máy cấy bắt đầu vươn ra, cắm phụt phụt từng cây mạ dúi sâu xuống bùn, nghe “bụp, bụp” rất ngọt.

Chiếc lều tạm mái căng bằng bạt, nền là mấy tấm ván kê ngay trên mặt bùn giữa cánh đồng thôn Thiên Lộc xã Trung Hòa (Yên Mỹ, Hưng Yên) mấy tuần nay trở thành “đại bản doanh” của anh Nguyễn Đoàn - Công ty Công nghệ Phát triển Nông nghiệp Xanh dù trụ sở hay nhà đều ở ngay giữa Thủ đô.

Ngày quần quật làm việc, tối đến anh vẫn không quên giục người làm phải xịt rửa tay cấy sao cho thật sạch trước khi cho máy đi ngủ bởi sơ sẩy để qua đêm, bùn đất két lại, sáng mai lúa xuống đồng sẽ không đều.

Tôi phải “ăn” đủ thứ không thể ăn được

Trong khi nhiều người học để ly nông, ly hương thì tại sao cả hai thứ đó anh đều ly thành công rồi mà lại quay về?

Tôi học ngành cơ khí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, được đào tạo làm thầy giáo dạy hệ trung cấp nghề nhưng lại…mất dạy ngay từ khi ra trường bởi máu mê kinh doanh thiết bị.

Tình cờ năm 2012 khi mua máy gặt đa năng cho một dự án ở tỉnh Thái Nguyên, tôi gặp PGS.TS Nguyễn Tất Cảnh ở Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp), nghe giới thiệu về phân viên nén nhả chậm mà cứ mê mẩn.

Kiểm tra từng khay mạ một. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra từng khay mạ một. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Mua bản quyền, tôi thành lập Công ty Công nghệ Phát triển Nông nghiệp Xanh chuyên kinh doanh loại phân mà khi bón phải dúi sâu xuống dưới ruộng nên bà con hay gọi là phân dúi. Cả vụ chỉ cần sử dụng một lần thay cho ba lần bón lót, bón thúc, bón đón đòng theo kiểu cũ.

Tuy hiệu quả tốt, giảm được lượng bón, chi phí thấp hơn nhưng phân dúi gặp khó khăn khi tìm đường đến với sản xuất bởi tốn công hơn lại yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian.  

Sau này tôi thu gọn lại kích cỡ viên phân nhờ thế không cần dúi nữa mà có thể bón vãi được nhưng ở đồng bằng người ta cũng ít chấp nhận mà thường chỉ vùng núi.  Mỗi vụ bán được cỡ vài trăm tấn, chỉ đủ để nuôi quân, duy trì sản xuất. 

Anh Nguyễn Đoàn bên chiếc máy cấy lúa một ngày cấy bằng 40-50 người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Đoàn bên chiếc máy cấy lúa một ngày cấy bằng 40-50 người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình đi tiếp thị phân, tôi thấy nhiều nơi bỏ ruộng mà nhất là quê mình Hưng Yên. Cấy lúa vừa tốn công vừa vất vả thế mà tính chi li ra sau 4 tháng mỗi sào ruộng nếu nhiều công đoạn tự làm lấy, được mùa chỉ có lãi chừng 200.000 - 300.000 đồng. Còn nếu phải thuê mướn nhiều hay mất mùa vì thiên tai, sâu bọ thì lỗ không chỉ là tiền mà còn là mồ hôi, nước mắt và cả hi vọng.

Bởi thế mà nông dân phải bỏ ruộng, hoặc nếu có cấy cũng trong sự chán nản. Họ chỉ phủ xanh cánh đồng để mà giữ đất, để chờ công nghiệp, đô thị hóa về làng lấy 150 triệu đồng/sào đền bù.

Tôi sinh ra, lớn lên ở làng, bố ngày xưa làm công nhân trong trạm máy kéo huyện, họ hàng, làng xóm cũng làm ruộng nhiều nên giờ nhìn đất bỏ không tự nhiên thấy xót, muốn nghĩ cách nào đó để xóa bỏ ruộng hoang.

Vừa lái máy cày vừa chỉ đạo kỹ thuật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa lái máy cày vừa chỉ đạo kỹ thuật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con đường khởi nghiệp nông nghiệp của anh thế nào, có thuận lợi và suôn sẻ cả không?

Khởi đầu, tôi mua máy để làm dịch vụ cho dân từ làm đất, mạ khay, máy cấy, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch.

Giá giảm gần 1/2 so với cấy kiểu truyền thống lại xong mới phải trả tiền, khác hẳn với cánh dịch vụ ăn xổi luôn yêu cầu phải trả tiền trước, thất bại là một mình dân phải hứng chịu nhưng cũng không mở rộng được mấy.

Như ở huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh khi máy cấy đến, bà con xúm lại xem rất đông. Thấy khoảng cách giữa các cây mạ rộng hoang hoác không như cấy tay một số bà đã bảo thẳng vào mặt tôi rằng: “Cấy dày còn chẳng ăn ai, cấy như thế này chỉ có mà ăn…”.

Tôi cố gắng giải thích cũng không thể xuể được vì một cái miệng làm sao lại được năm mười cái miệng? Trong quá trình làm có nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản, đêm về, nằm nghĩ lại cách thức mình triển khai công việc, tiếp cận với bà con, tại sao lại chưa làm thỏa mãn nhu cầu của họ rồi cố gắng tìm con đường khác cho phù hợp.

Kỷ niệm buồn kiểu đó khá nhiều nhưng kỷ niệm vui cũng không ít. Như ở Ninh Bình khi mới làm dịch vụ mạ khay, máy cấy bà con cũng không tin thế mà cuối vụ năng suất tăng được 15 kg/sào so với cấy kiểu truyền thống, chi phí giảm gần nửa thì họ lại mừng vui và bảo: “Vụ sau chú lại về giúp chúng tôi nhé”…

Dùng điện thoại  để đo diện tích qua vệ tinh thửa ruộng trước khi bón phân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dùng điện thoại  để đo diện tích qua vệ tinh thửa ruộng trước khi bón phân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người ta sợ hãi còn tôi thấy cơ hội

Thấy làm dịch vụ đơn thuần không ổn, năm 2019 tôi thử thuê 25ha của xã Tân Việt huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trong thời gian 12 tháng với giá 150.000 đồng/sào/vụ nhưng mới chỉ làm thử 1 vụ đã phải bỏ.

Ruộng để hoang quá lâu, cỏ xếp lớp dày như tấm đệm, ngồi trên máy làm đất mà bồng bềnh chẳng khác nào ngồi trên thuyền, chỉ cắt được phần thân trên còn phần rễ ngầm bên dưới đành phải chịu. Bởi thế, về sau không kiểm soát được, cỏ dại mọc còn tốt hơn cả lúa, thuê nhổ cũng không thể xuể.

Ruộng để hoang quá lâu, kênh mương bị bồi lấp, chia cắt hết. Gặp một trận mưa to sau bão, nước ngập trắng cả cánh đồng. Suốt 5 ngày 5 đêm tôi gần như ăn ngủ ngay tại ruộng với công nhân để cùng họ bơm nước cứu lúa nhưng cũng chỉ vớt vát được 5ha, còn lại 20ha chịu mất hết. Vụ đó, tôi chịu lỗ 400 triệu.

Máy bón phân có thiết bị văng đằng sau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy bón phân có thiết bị văng đằng sau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vụ trước đã lỗ nặng như vậy tại sao anh lại đầu tư tiếp vụ này?

Bạn bè, anh em khi biết tôi đi cấy lúa không ai ủng hộ cả vì họ chỉ nhìn thấy toàn rủi ro nhưng tôi thì nhìn thấy cơ hội và đam mê nó. Vụ này, tôi thấy cánh đồng của thôn Thiên Lộc ở xã Trung Hòa khá cao ráo, thoát nước tốt lại tìm được người cùng chí hướng là anh Nguyễn Văn Hướng-một nông dân của làng vẫn thường xuyên cấy tới 20 mẫu ruộng nên ngỏ lời liên kết.

Tôi kết hợp với 5 - 7 người máu mê đồng ruộng như anh Hướng nữa theo phương án họ lo làm đất, lấy nước, tiêu nước, gặt hái còn mình lo mạ khay, máy cấy, phân, thuốc, sấy, bán, lợi nhuận chia đôi.

Đất đai thì cứ thấy ở đâu dân bỏ cỏ mọc lút người là chúng tôi tìm đến khai hoang, chẳng bảo mượn miếc gì nhưng cũng không thấy ai phản đối. Tôi gọi đó là cách “nhặt đất” nhưng cũng chỉ ở thôn Thiên Lộc này áp dụng được vì dân đi làm ngoài nhiều còn các nơi khác thì phải thuê.

Mỗi cái có cái hay, cái dở riêng. Như thuê đất thì mất tiền nhưng sẽ lâu bền hơn, thoải mái xóa bờ, đóng cọc, chăng dây còn “nhặt” đất tiếng không mất gì nhưng xóa bờ, đóng cọc, chăng dây thì có khi người ta cuốc cả… mả tổ nhà mình lên.

Lại có chỗ đồng ý miệng cho tôi thuê, khai hoang, làm đất xong thì lại ra cấy, mất bao công sức. Có chỗ sợ mình lấy mất đất của họ cũng không cho thuê nữa. Tổng cộng cả “nhặt”, cả “thuê” tôi có hơn 60ha tương đương khoảng 160 mẫu trong tay để cấy giống nếp thơm Hưng Yên.

Máy bay dùng để phun thuốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy bay dùng để phun thuốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Được chính quyền tạo điều kiện cho 1.000m2 để làm xưởng sản xuất mạ khay, máy cấy nhưng khi chưa xin phép được thì tôi chỉ dám kê mấy tấm ván trên bùn làm sàn dựng lều bạt tạm chứ không dám đặt dù chỉ là một viên gạch.

Mang tiếng làm ruộng nhưng không phải mó tay xuống bùn, từ làm đất, bón phân, cấy, phun thuốc sâu, thuốc ốc, làm cỏ đến gặt, phơi sấy đều có máy móc làm thay cả.

1 máy cấy 6 hàng 1 ngày cấy được 4 - 5ha, 1 máy bón phân 1 ngày bón được 8 - 10ha, 1 máy bay không người lái (thuê) 1 ngày phun được 10 ha, 1 máy gặt 1 ngày gặt 7 - 8ha. Tất cả năng suất đều gấp từ vài chục đến cả trăm lần lao động thủ công và quan trọng là vừa rẻ vừa chủ động.

Hiện, máy làm đất tôi có 5 cái, giàn gieo mạ có 2 cái, khay gieo mạ có 30.000 cái, máy cấy đẩy tay có 3 cái, máy cấy 6 hàng, người ngồi bên trên điều khiển có 2 cái rồi máy bón phân, máy bơm các loại nữa.

Thóc thì đến vụ, gặt xong đem đi sấy là bán luôn. Ngoài cấy của mình tôi còn làm dịch vụ mạ khay, máy cấy cho khoảng 50 ha quanh vùng với giá trọn gói 300.000 đồng/sào. Giảm tối đa chi phí nhờ quy mô lớn, đưa cơ giới vào, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.  

Máy bay phun thuốc thay cho người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Máy bay phun thuốc thay cho người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ba cái sổ đỏ đã bị “đẩy” xuống ruộng

Phải chăng, làm nông là cái nghiệp của anh, là việc “trời đày” chứ không chỉ vì lý do kinh tế?

Đúng thế, 8 năm tôi tham gia vào nông nghiệp, cơ bản là toàn thất bại, chưa một thành công nào đáng kể cả.

Ba cái sổ đỏ của gia đình đã “ra đi” vì lẽ thế bởi trong thời gian đó tôi rất cần tiền để đầu tư nhưng không thể tìm được nguồn nào khác nên đành bàn với vợ bán đất. Nhà ở quê của bố mẹ, tôi không thể bán được (cười) còn nhà đang ở cũng chỉ là đi thuê.

Làm vì đam mê, làm vì cái nghiệp chứ chẳng thể dễ giải thích chuyện tại sao mình nhà ở Hà Nội mà “trời hành” vẫn phóng ô tô về tận Hưng Yên để hàng ngày đi cấy. 3 đứa con, nhiều khi tôi đi lúc chúng vẫn đang còn ngủ, khi về đã thấy chúng ngủ rồi.

Làm nông nghiệp tôi nghĩ ai cũng vậy, không có thời gian nào mà không nghĩ đến vì nó có quá nhiều việc. Ngần đó việc thôi nhưng không phải vụ nào cũng giống nhau vì thời tiết càng ngày càng khắc nhiệt, càng thay đổi đến khó lường.

Ngoài ra, hàng ngày, hàng giờ còn phải nghĩ cách làm sao để giảm công, giảm chi phí ở các khâu sản xuất nữa.

Kiểm tra đất trong khay gieo mạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra đất trong khay gieo mạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc không thể xuống thực tế được thì tôi lại lấy điện thoại, vào mạng để đo từng thửa ruộng qua vệ tinh xem diện tích bao nhiêu mà bón phân hay bảo anh em chụp ảnh mạ, lúa gửi cho để xem màu sắc thế nào mà biết dinh dưỡng đủ hay thừa thiếu. Cấy hơn 60 ha là cỡ 1 tỉ để tơ hơ ở trên cánh đồng, giữa trời và đất, không tâm huyết thì không thể thành công được.

Tôi bị lên bờ, xuống ruộng bao lần mà vẫn không chừa. Làm cái gì theo tôi phải tính đến thất bại trước chứ chắc chắn thành công là hơi khó. Trong quá trình làm vướng đâu thì giải quyết đấy. Làm nông càng nên phải tính đến thất bại trước vì miếng ăn đến tận miệng trời còn giằng mất là bình thường.

Hai vụ trồng lúa như này để cho tôi kinh nghiệm muốn tránh thất bại là phải áp dụng tối đa cơ giới vào sản xuất, kiểm tra kỹ lưỡng ruộng đồng, các công đoạn làm theo đúng tiến độ. Việc quan trọng nhất là phải tìm được người quản lý biết việc, biết sắp xếp các công việc một cách hợp lý.

Một ngày như mọi ngày khi mùa vụ đến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một ngày như mọi ngày khi mùa vụ đến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tham vọng của tôi trước tiên là sẽ làm hết được diện tích ruộng hoang của huyện Yên Mỹ do ở đây các làng đang bị rỗng hết lao động vì hút vào các khu công nghiệp.

Bởi thế, hội thảo đầu bờ mà tôi tổ chức vừa rồi, tuy mời cả tỉnh dự nhưng quan trọng nhất là 73 ông trưởng thôn trong toàn huyện để giới thiệu về công nghệ mạ khay, máy cấy cùng các dịch vụ trọn gói đi kèm.

Tôi mong vụ sau mỗi xã sẽ dành ra 10 - 20ha cho mình thực hiện để tổng diện tích ít nhất sẽ được gấp 3 lần thế này, tức cỡ 150ha và những vụ sau, vụ sau nữa sẽ phải là vài trăm đến cả ngàn ha.

Tôi hoạch toán rất chi tiết tính cả công nữa chứ không như nông dân lấy công làm lãi, mỗi sào lúa cấy kiểu này sẽ cho lợi nhuận ít nhất 300.000 đồng, tương đương khoảng gần 10 triệu/ha. Hơn 60ha vụ này sẽ cho lãi cỡ 600 triệu, 180ha vụ sau sẽ cho lãi cỡ 1,5 tỉ đồng.

Ngoài cấy cho riêng mình, tôi còn tính sẽ mở ra mỗi huyện trong tỉnh một cơ sở mạ khay, máy cấy để làm dịch vụ, đảm bảo diện tích khoảng 1.000ha/vụ trong vòng 3 - 4 năm tới.

Anh làm nhà báo, đi nhiều, thấy ở đâu có đất hoang rộng cỡ 15 - 20ha, liền vùng, liền khoảnh thì bảo cho tôi biết, chúng ta sẽ cùng hợp tác rồi chia đôi lợi nhuận. Đừng tưởng làm lúa là lãi thấp nhé! 

Cảm ơn anh đã chia sẻ thẳng thắn và chúc anh thành công!

Anh Nguyễn Văn Hướng - làm quản lý của công ty, chia sẻ, ở đây ruộng đồng bị băm nát bởi công nghiệp, rồi hoang hóa trở thành nơi chứa chấp chuột. Xưa dân cùng cấy, cùng rủ nhau đánh chuột, giờ nhà cấy, nhà không, chuột sinh sôi rất mạnh. Hơn thế hóa chất giờ chẳng có mấy hiệu quả, như đàn gà nhà anh Đỗ trong làng ăn nhầm phải gói thuốc chuột chẳng chết đã đành mà còn béo ra. Dân chúng tôi đi mua thuốc có ai nếm đâu mà biết chất lượng thế nào, chỉ trông mong vào Nhà nước hết.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.