| Hotline: 0983.970.780

'Đại điền chủ' kiểu mới

Thứ Hai 26/09/2016 , 08:58 (GMT+7)

Nếu không hình thành đội ngũ chủ ruộng lớn, có tư duy, có chiến lược, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ rất khó thoát khỏi hình bóng của một thực thể chắp vá lộn xộn, nhỏ lẻ và rời rạc.

Giàu lên từ trồng lúa

Gọi họ là “đại điền chủ” kiểu mới, bởi họ có toàn quyền tổ chức sản xuất và thu sản phẩm trên cánh đồng lớn, trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian đó dài hay ngắn phụ thuộc vào việc thương thảo hợp đồng thuê ruộng với nông dân (khác với những đại điền chủ thời phong kiến, có quyền tư hữu đất đai).

Ở Thái Bình, mầm mống của “cách mạng tích tụ ruộng đất” đã manh nha xuất hiện. Đó là thực trạng một bộ phận nông dân chán ruộng, bỏ ruộng. Và, không ít người có nhu cầu quy tụ đất đai quy mô lớn để sản xuất nông sản hàng hóa. Kỹ sư nông nghiệp trẻ Phạm Ngọc Hưng (đội 3, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) là một điển hình.

17-42-44_nh-2
Anh Phạm Ngọc Hưng thăm cánh đồng lúa ngút ngát màu xanh của mình

 

Mỗi vụ gieo cấy 20ha lúa, anh vẫn chưa thấy thỏa mãn và luôn tìm cách để tích tụ thêm ruộng đồng. Bởi, khi đất đai quy về một mối, đặt dưới sự chỉ huy của người có tâm và có tầm, sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, đồng nhất về kiểu hình, thị trường sẽ tự tìm đến.

Anh thủ thỉ: Nước mình có nhiều giống lúa chất lượng rất tốt. Nhưng khi những giống lúa ấy được dung dưỡng bởi những người có tư tưởng tiểu nông và tiểu thương, chúng không thể phát huy tiềm năng để trở thành một tầm vóc lớn. Nhiều nông dân Thái Bình đang chán cây lúa, ruồng bỏ cây lúa bởi đất đai manh mún, lợi nhuận thấp. Nhưng, bằng cách thuê ruộng và tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi khép kín, người trồng lúa sẽ giàu, thậm chí rất giàu.

Không a dua theo số đông, anh Hưng gieo cấy đại trà một giống lúa mới toanh có tên Hương Việt 3. Đây là giống ít sâu bệnh, chất lượng gạo ngon đặc biệt, năng suất bình quân trên 2 tạ/sào. Mỗi vụ thu khoảng 100 tấn lúa, không thể đổ ra đường, ra sân để phơi được. “Đại điền chủ” trẻ đầu tư 100 triệu đồng làm lò sấy, công suất 8 tấn/mẻ, mỗi mẻ 10 giờ. Gạo được sấy ở độ ẩm 13 - 14% nên bảo quản được lâu dài.

Chỉ khổ nỗi, kiểu hình hạt gạo Hương Việt 3 quá dài. Cánh hàng xáo ngoài Bắc trông thấy rất ớn, bởi cứ đổ vào máy xay xát cỡ nhỏ là gãy vụn. Không chịu thua, anh đầu tư gần 3 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xay xát gạo hạt dài, trong đó có những dây chuyền hiện đại như máy đánh bóng, bắn màu. Hạt gạo không bị lẫn cám, tạp chất nên không bị hôi, hẩm. Dù bán buôn với giá rất cao (20.000 đồng/kg), gạo sạch của anh Hưng luôn “cháy” hàng.

 

Phép tính lợi ích

Phép tính lợi nhuận khi thuê đất nông nghiệp loại 2 (với mức 30 kg thóc/sào/vụ) để trồng lúa của anh Hưng được liệt kê thế này:

Tổng chi phí trồng 1 sào lúa khoảng 1.134.000 đồng. Bao gồm: thuê đất = 200.000đ; phí dịch vụ HTX = 24.000đ; thuê máy cày, bừa, gặt = 200.000đ; thuê làm mạ và cấy = 250.000đ; phân bón = 200.000đ; phun thuốc bảo vệ thực vật = 150.000đ; chi phí phụ gồm có sấy (250đ/kg) = 50.000đ; vận chuyển (300đ/kg) = 60.000đ.

Nếu cấy lúa Bắc thơm 7, năng suất đạt 180kg thóc khô (giá 8.000 đồng/kg), thì tổng doanh thu 1 sào đạt 1.440.000đ. Như vậy, trừ chi phí, lãi ròng sẽ đạt khoảng 300.000đ.

Lấy số tiền lãi trên chia cho 4 tháng, thì mỗi vụ, lợi nhuận của người thuê đất trồng lúa đạt 75.000 đồng/sào/tháng. Như vậy, nếu tích tụ được 20 ha (tương đương với 555 sào ruộng), người trồng lúa sẽ giàu, với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kiến Xương, thực thà rằng: Đến thời điểm này, chưa có bất cứ chính sách nào hỗ trợ để khuyến khích những mô hình tích tụ đất đai. Trong khi đó, thống kê mới nhất cho thấy, 14 xã trên địa bàn huyện Kiến Xương đã có 27 mô hình tích tụ ruộng đất  với diện tích 2ha trở lên (chủ yếu là trồng lúa hàng hóa). Tổng diện tích tích tụ là 200ha. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ có thêm 18 dự án tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích khoảng 133ha.

Đó là bài toán thu nhập tối thiểu dành cho người không nắm trong tay tư liệu sản xuất (tư liệu lao động và đối tượng lao động). Còn nếu đầu tư thiết bị cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu làm đất, cấy, thu hoạch, mức lãi có thể đạt 500.000 - 600.000đ/sào.

Với riêng Phạm Ngọc Hưng, tích tụ ruộng đất là tiền đề để anh thực hiện khát vọng lớn hơn. Đó là sản xuất gạo hữu cơ chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của mình. Cách làm này vừa tối ưu hóa lợi nhuận, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Chỉ có điều, khát vọng ấy có thành hiện thực hay không, chẳng ai dám chắc. Bởi hết thời hạn thuê đất 5 năm, mọi thứ đều có thể thay đổi. Việc tích tụ thêm ruộng để mở rộng diện tích đang bị cản trở bởi tâm lý “ôm đất” cố hữu của nông dân. Nếu không được chính quyền địa phương ủng hộ và triển khai vận động quyết liệt, người đi thuê ruộng sẽ gặp rất nhiều gian khó.

 

Chính sách vẫn... đứng ngoài

Huyện Kiến Xương hiện có 5 “đại điền chủ” trồng lúa có diện tích 10 ha trở lên. Và, ông Nguyễn Văn Lưỡng (xã Quang Hưng) là người khởi xướng phong trào tích tụ ruộng đất bằng cách thuê ruộng. Từ năm 2012, khi thuê lại khu đồng trũng bỏ hoang hóa ngập tràn cỏ dại rộng 12ha của các hộ dân trong xã, ông đã biến nơi đây thành khu sản xuất gạo hạt tròn (giống Ha Na của Nhật Bản) nổi tiếng khắp vùng. Toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá 7.200 đồng/kg thóc tươi. Lợi nhuận mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.

Thế nhưng, nghĩ lại con đường đi đến thành công, ông Lưỡng thấy mình đơn độc. Đảng và Nhà nước chủ trương vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa. Vậy mà, những người say sưa với ruộng đồng như ông gần như chẳng nhận được “ưu ái” nào về chính sách hỗ trợ sản xuất.

17-42-44_nh-1
Ông Nguyễn Văn Lưỡng, người khởi xướng phong trào tích tụ ruộng đất ở huyện Kiến Xương

 

Tháng 7 vừa rồi, cơn bão số 1 ập vào Thái Bình, gió giật mạnh kèm theo mưa lớn kéo dài khiến 5ha lúa của ông Lưỡng mất trắng. Cán bộ nông nghiệp về tận nơi đánh giá thiệt hại để hỗ trợ giống. Ông Lưỡng đề xuất được hỗ trợ giống gạo hạt tròn của Nhật (hoặc hỗ trợ bằng tiền) để tái sản xuất, vì đã ký hợp đồng cung ứng gạo cho phía đối tác. Thế nhưng, chẳng ai đoái hoài đến nguyện vọng ấy, nhất quyết dúi bằng được giống gạo Bắc thơm số 7 cho ông.

Cánh đồng sản xuất gạo Nhật của ông Lưỡng cách đường ô tô chạy gần 300m, được nối bởi cái bờ nhỏ rộng 1,2m. Cứ thu hoạch được sào lúa, chủ ruộng phải lại chất những bao thóc lên chiếc xe “rùa” 3 bánh rồi đấu với xe máy kéo lên. Từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh về thăm mô hình liên kết sản xuất lúa. Ai cũng hỏi khó khăn lớn nhất của ông là gì. Ông Lưỡng bảo: “Tôi chỉ mong các anh hỗ trợ bồi trúc thêm đoạn đường nhỏ kia rộng ra 2m, để xe ô tô có thể đi vào tận ruộng”. Họ đều gật đầu đồng ý. Thế nhưng, khi các lãnh đạo lên ô tô về công sở, chẳng có một tín hiệu nào dội lại cánh đồng của ông Lưỡng.

Ngoài hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, trong 5 năm qua, “đại điền chủ” Nguyễn Văn Lưỡng được Hội Nông dân huyện hỗ trợ phân bón cho 3ha ruộng. Phòng Nông nghiệp huyện Kiến Xương hỗ trợ 50kg thóc giống với mục đích làm mô hình khảo nghiệm cho một công ty giống. Ngoài ra, ông còn nhận được 9.000đ/sào lúa (như bao nông dân khác của Thái Bình). Tất cả chỉ có thế.

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương ở Thái Bình đã bước đầu thực hiện việc tích tụ đất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 131 tổ chức, cá nhân ở 57 xã thực hiện tích tụ ruộng đất để trồng trọt với tổng diện tích 730ha.

Trong đó, hình thức thuê đất để sản xuất và trồng trọt chiếm 88,56%, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm 3,56%, góp đất chiếm 5% và mượn đất để sản xuất chiếm 2,88%.

Có 12 mô hình tích tụ trong lĩnh vực trồng trọt từ 10ha trở lên. Điển hình như Cty TNHH Hưng Cúc thuê 11ha ở xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) để trồng lúa, với giá thuê 70kg/sào/năm + 10% nếu giá thóc của UBND tỉnh quy định thấp hơn giá thị trường (thời hạn thuê đất 20 năm), cho lợi nhuận 20,2 triệu đồng/ha/năm.

Có 9 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 2 đến dưới 10ha, thời hạn thuê bình quân là 5 năm. Một số mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường từ 2 – 3 lần.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất