| Hotline: 0983.970.780

Người trồng mía phấn khởi trước vụ ép mới

Thứ Tư 15/11/2023 , 08:52 (GMT+7)

GIA LAI Dự kiến ngày 28/11, Nhà máy đường An Khê sẽ bước vào niên vụ ép 2023-2024, mía nguyên liệu năm nay được Nhà máy mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn năm ngoái 50.000đ/tấn.

Niên vụ ép 2023 - 2024, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thu mua mía với giá bảo hiểm 1,1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường), cao hơn năm goái 50.000đ/tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Niên vụ ép 2023 - 2024, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thu mua mía với giá bảo hiểm 1,1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường), cao hơn năm goái 50.000đ/tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) - đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, dự kiến ngày 28/11 tới đây, Nhà máy sẽ bắt đầu niên vụ ép 2023 - 2024. Trước khi vào vụ ép, Nhà máy sẽ tổ chức hội nghị về quy trình thu mua, vận chuyển, tiếp nhận mía theo đúng theo quy định của pháp luật.

Trước thềm vụ ép mới, người trồng mía ở An Khê phấn khởi vì giá mía tăng cao hơn năm ngoái. Niên vụ ép 2022 - 2023, giá bảo hiểm mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê là 1.050.000đ/tấn (10 chữ đường), cao hơn niên vụ ép 2021 - 2022 đến 100.000đ/tấn. Năm nay, giá bảo hiểm mía nguyên liệu tiếp tục được tăng lên mức 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn năm trước 50.000đ/tấn. Trong vụ thu hoạch, căn cứ tình hình thực tế, Nhà máy sẽ ban hành giá thu mua mía phù hợp trong từng giai đoạn và không thấp hơn giá mía bảo hiểm như nêu trên.

Trước khi bước vào niên vụ ép mới, Nhà máy đường An Khê thông báo đến người sản xuất, kinh doanh và các xe vận chuyển mía thực hiện ký hợp đồng với nhà máy thông qua các trạm đầu tư - thua mua mía về diện tích, sản lượng mía sẽ cung ứng cho Nhà máy theo tháng, phù hợp với thời gian trồng hoặc lưu gốc. Đăng ký xe vận chuyển mía theo yêu cầu của Nhà máy trước khi vào vụ ép. Tài xế xe vận chuyển mía phải trang bị điện thoại thông minh và được cài đặt app công nghệ quản lý xe vận chuyển theo yêu cầu của Nhà máy…

Đặc biệt, việc thu hoạch mía phải tuân thủ theo kế hoạch đã được niêm yết tại trạm đầu tư - thu mua mía và được trạm thông báo trước 3 ngày. Mía thu hoạch đúng bến bãi, đúng ruộng mía và giống mía đã đăng ký theo phương châm chín - tươi - sạch. Thời gian thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy không quá 36 tiếng đồng hồ. Nếu có trường hợp mía bị cháy, chủ ruộng phải tập trung thu hoạch, vận chuyển về nhà máy không quá 48 giờ kể từ lúc mía cháy. Nhà máy sẽ kiểm tra và thu mua theo thực tế mía cháy và mức độ chuyển hóa của mía. Trường hợp không tìm được người thu hoạch hoặc xe vận chuyển, chủ ruộng mía liên hệ với nhà máy để được hỗ trợ.

Hiện nay, công tác thu mua mía nguyên liệu đã được Nhà máy đường An Khê lên kế hoạch bài bản ngay từ đầu vụ. Ảnh: Ngọc Minh.

Hiện nay, công tác thu mua mía nguyên liệu đã được Nhà máy đường An Khê lên kế hoạch bài bản ngay từ đầu vụ. Ảnh: Ngọc Minh.

“Căn cứ vào sản lượng mía đã ký hợp đồng, trạm đầu tư - thu mua mía sẽ xây dựng kế hoạch thu hoạch hàng ngày cho từng hộ sản xuất, kinh doanh mía; công khai danh sách thu hoạch hàng ngày tại trạm trước 3 ngày. Tuyệt đối không được thu hoạch mía khi chưa có kế hoạch hoặc thu hoạch không đúng địa điểm đăng ký, chất lượng mía không đảm bảo; không được tự ý chở mía về nhà máy chờ kế hoạch và xe vận chuyển mía không theo đúng quy định của nhà máy”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho hay.

Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê, trong niên vụ 2023 - 2024, căn cứ quy chế đầu tư và chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, căn cứ nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê và người trồng mía, nhà máy công bố rộng rãi đơn giá các hạng mục đầu tư trồng và thu hoạch mía bằng máy liên hợp.

Theo đó, Nhà máy sẽ đầu tư diện tích trồng mía tơ đối với 3 giống mía là Uthoong 11, KK3 và LK92-11 theo các phương thức: Diện tích cơ giới cánh đồng lớn 10 - 12 triệu đồng/ha; diện tích cơ giới trồng máy 8 - 10 triệu đồng/ha; rạch hàng đại trà truyền thống 6 - 8 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Nhà máy đầu tư từ 800 - 1.000kg phân NPK/ha; 50 - 70 tấn bã bùn/ha, đơn giá bã bùn được Nhà máy ban hành trước khi bước vào vụ sản xuất.

Nhà máy đường An Khê sẽ đầu tư cho các diện tích trồng mía tơ đối với 3 giống mía là Uthoong 11, KK3 và LK92-11. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà máy đường An Khê sẽ đầu tư cho các diện tích trồng mía tơ đối với 3 giống mía là Uthoong 11, KK3 và LK92-11. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà máy chi phí đầu tư thi công cơ giới cho người trồng mía làm đất với định mức 2 triệu đồng/ha. Diện tích cơ giới hóa cánh đồng lớn phải đảm bảo mỗi điểm sản xuất trên 5ha và diện tích mỗi thửa ruộng trên 2ha, đồng thời mía phải được trồng tập trung, liền thửa; đồng ruộng sạch đá, gốc cây và tương đối bằng phẳng, có độ dốc dưới 7%. Người trồng mía phải thực hiện đúng quy trình canh tác mía theo cơ giới hóa của Nhà máy từ khâu làm đất, trồng và phải thực hiện ít nhất 1 lần cày bừa kết hợp bón phân vùi bằng cơ giới của Nhà máy.

Những cánh đồng lớn có diện tích từ 5 - 10ha sẽ được Nhà máy giảm 10% theo đơn giá thi công; cánh đồng có diện tích từ 10 - 15ha sẽ được giảm 15%... Ngoài ra, người sản xuất còn được Nhà máy hỗ trợ không thu hồi tiền bã bùn, nhưng người trồng mía phải chi trả tiền bốc xếp và vận chuyển.

“Đối với diện tích trồng mía bằng cây con, sẽ được áp dụng theo đơn giá khuyến khích với mức hỗ trợ 20% chi phí thực hiện cơ giới, thu hoạch máy. Nhà máy không tính lãi suất ngân hàng trong thời gian đầu tư và thu hồi vốn dứt điểm vào vụ thu hoạch mía đầu tiên”, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.