Anh Sơn trong vườn tam thất đang nở hoa
Anh Ngô Hải Sơn ở thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội). Vốn thích tìm hiểu các giống cây con mới, anh Sơn chịu khó nghe đài, đọc báo lần tìm đến các địa chỉ làm kinh tế vườn giỏi để học hỏi kinh nghiệm.
Anh có một người bạn thân quê ở Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội), đây là làng quê nổi tiếng với nghề thuốc bắc, thuốc nam. Năm 2000, một lần người bạn anh đi cất thuốc bắc ở Trung Quốc, trong đó có hàng tam thất và được bạn hàng cho một củ tam thất sống. Về nước người bạn đã tặng lại anh Sơn để nhân giống.
Khi nhân được giống thành công, anh Sơn mang củ tam thất và cả cây tam thất đang nở hoa, đến gia đình ông Hiện, một trong những đại lý buôn bán thuốc bắc lớn ở làng Nành (Ninh Hiệp) và là Chủ tịch hội đông y huyện Gia Lâm, nhờ đánh giá chất lượng. Theo ông Hiện đây đúng là giống tam thất bắc của Trung Quốc, khác hẳn với cây tam thất mọc hoang ở vùng núi đá phía Bắc ở độ cao 1.200m trên vùng Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và cũng khắc hẳn với giống tam thất nam trồng ở phía Nam nước ta.
Tam thất bắc của gia đình anh Sơn trồng ở thôn Cổ Châu, chất lượng tương đương với tam thất bắc của Trung Quốc và hơn hẳn tam thất hoang và tam thất nam. Ông Hiện cho biết, từ trước tới nay tam thất bắc chủ yếu mua củ sấy khô của Trung Quốc vì thế ta không có giống để trồng. Tam thất phía Trung Quốc gọi là Kim bất hoán, nghĩa là vàng không đổi được, đây là vị thuốc quý có tác dụng cho người thiếu máu, áp huyết cao, viêm động mạch vành, đái tháo đường, viêm khớp xương, đau loét dạ dày tá tràng, hành ứ, cầm máu tiêu thũng, chữa thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, ung thũng, bị chấn thương có máu bầm, dùng cho phụ nữ sau sinh nở trị sạch máu hôi…
Việc gia đình anh Sơn là người đầu tiên ở Hà Nội nhân trồng được giống tam thất bắc, sẽ mở ra một hướng sản xuất tam thất bắc tại Việt Nam, không những là giống cây thuốc quý mà còn có giá trị kinh tế cao. Từ khi được tặng một củ tam thất giống, anh Sơn đã nhân ươm thành công, sau 1 năm cây tam thất ra hoa, từ 1 củ giống ban đầu đã thu được 10 củ, năm sau tăng lên trên 100 củ và năm sau nữa lên 1.000 củ giống. Sau 8 năm nhân giống, hiện nay anh Sơn đã có 10 vạn củ mầm tam thất bắc đủ trồng 1 mẫu Bắc bộ.
Thị trường tiêu thụ tam thất bắc rất rộng lớn. Gia đình anh Sơn đã thuê 5 sào ruộng để nhân các loại cây giống trong đó có 4 vạn cây sưa, 200 gốc cau lùn, vài trăm gốc mai vàng và mai tứ quý cùng 10 vạn mầm cây tam thất. Nhiều hộ trong vùng đã mua cây tam thất bắc về trồng. Một số Cty dược cũng đã đưa mẫu củ tam thất do anh trồng về đánh giá chất lượng để có thể hợp đồng tiêu thụ lớn.
Anh Sơn cho biết, năm 2007 một số nhà vườn biết anh trồng thành công cây tam thất bắc đã đến hỏi mua. Anh mới bán một ít được 30 triệu đồng, còn lại để tiếp tục nhân giống. Năm 2008 vừa qua anh cũng chỉ bán một ít giống thu 10 triệu đồng. Giờ đây anh Sơn đã có kỹ thuật trồng tam thất thành thạo. Củ giống có thể trồng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, trồng trên luống cao thoát nước, nên trồng xen dưới đất vườn (cam, bưởi...) vì tam thất ưa bóng râm. Cây cách cây 25cm, hố được bón phân lót, không phải bón thêm phân hóa học. Cây tam thất ít sâu bệnh, chịu được hạn (3 tháng mùa đông khô hạn cây vẫn sinh trưởng tốt).
Thu hoạch tam thất vào tháng 12 âm lịch, nếu không thu hoạch để tiếp tục nhân giống thì sang tháng 2 âm lịch củ lại nảy mầm và ra hoa. Nếu thâm canh tốt, sau 1 năm 1 củ giống có thể cho thu hoạch 10-15 củ thương phẩm, ngoài ra một số củ nhỏ vẫn có thể giữ làm củ giống. Anh Sơn tính toán, trồng 1 sào tam thất cần khoảng 50 triệu tiền giống cộng với phân chuồng bón lót và công chăm bón, thu hoạch được 1 tấn củ tươi (trị giá khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi ít nhất khoảng 40 triệu đồng, chưa kể lượng củ con để giống đủ trồng cho 1 sào).