| Hotline: 0983.970.780

Ngưỡng mộ những 'vệ sĩ' bảo vệ 'mái nhà biển'

Thứ Tư 19/12/2018 , 14:30 (GMT+7)

San hô được ví như “mái nhà của biển”. Bởi, nó chính là nơi quần tụ, nơi che chở cho các giống loài thủy sản về trú ngụ, sinh sôi. Ngoài vai trò tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ, san hô còn là lá chắn vĩ đại chống lại vấn nạn biển xâm thực bờ.

Ấy vậy nhưng hiện nay, những rạn san hô đang chết dần do những hoạt động thiếu ý thức của con người, và do những loài như sao biển gai ngày ngày hủy hoại “mái nhà của biển”. Để bảo vệ các rạn san hô nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, các làng chài ở Bình Định xuất hiện những “vệ sĩ” chuyên bảo vệ “mái nhà của biển”.
 

Bảo vệ san hô để bảo đảm sinh kế

Hiện nay, san hô có quan hệ rất mật thiết trong thú chơi sinh vật cảnh. Để làm tăng giá trị 1 chậu sanh cảnh, người chơi cần đến 1 lượng san hô nhất định để làm nền cho rễ sanh bám lên trên tạo dáng; trong hồ cá cảnh cũng cần đến vài nhánh san hô để lũ cá bơi ra bơi vô tạo thêm vẻ đẹp thiên nhiên; các quán cà phê vườn muốn xây dựng 1 hòn non bộ tạo cảnh quan cho quán cũng phải cần đến lượng lớn san hô… Có cầu ắt có cung, những thợ lặn ở các làng chài ven biển liền “nảy” ra cái nghề khai thác trái phép san hô sống, san hô chết để cung ứng cho thú chơi của con người.

1125427755
Tổ đồng quản lý đi tuần tra.

San hô lại là nơi trú ngụ của muôn loài thủy sản, do đó đã hấp dẫn những ngư dân “ăn xổi ở thì”, họ dùng chất nổ để đánh bắt cá trong những rạn san hô hủy hoại dần “mái nhà của biển”. Thêm vào đó, những chiếc tàu cá neo đậu trên những rạn san hô thoải mái xả thải dầu nhớt, môi trường ô nhiễm cũng khiến san hô chết dần chết mòn. Đó là chưa kể đến “khắc tinh” như sao biển gai ngày càng sinh sôi, hàng ngày lặng lẽ gặm nhắm “mái nhà của biển”.

Bình Định có “mái nhà biển” khá mênh mông. Theo thống kê của ngành thủy sản tỉnh này, hiện các vùng viển trên địa bàn Bình Định đang có những rạn san hô với diện tích ước tính lên đến 108,5ha, trong đó tập trung ở biển Quy Nhơn và các vùng phụ cận là 88ha. Nếu bảo vệ được diện tích san hô nói trên thì các loài thủy sản có được “mái nhà chung” vĩ đại, mặc sức quần tụ sinh con đẻ cháu. Đồng nghĩa nguồn lợi thủy sản ven bờ không ngừng được tái tạo, sinh kế của người dân các làng chài sẽ được bảo đảm bền vững.

Với ý thức bảo vệ san hô chính là bảo vệ cuộc sống của mình, các làng chài có những vùng biển tập trung nhiều diện tích san hô ở Bình Định xuất hiện những đội ngũ “vệ sĩ” chuyên bảo vệ, tái tạo những rạn san hô dưới lòng biển được mang tên là những “Tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện ngành thủy sản tỉnh này đã xây dựng và đi vào hoạt động thường xuyên 20 mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, đầm Đề Gi và các vùng ven biển. Thông qua tổ chức đồng quản lý, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, truy bắt và xử lý những hành vi vi phạm trong việc khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định. Nhiều mô hình đồng quản lý gắn kết việc bảo vệ hệ sinh thái môi trường biển với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển và tăng thu nhập cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế từ sản phẩm đặc trưng của địa phương.
 

Gắn đời với san hô

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng (SN 1985) ở làng Hải Bắc, người “cầm trịch” đội ngũ “vệ sĩ” chuyên bảo vệ “mái nhà biển” ở xã biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) gồm 14 người kể về công việc của nhóm mình: Ngoại trừ những ngày gió bão, hầu như ngày nào các “vệ sĩ” cũng có mặt trên biển. Hôm thì đi theo Chi cục Thủy sản tuần tra để ngăn chặn những đối tượng khai thác thủy sản bằng chất nổ, khai thác thủy sản trái tuyến và nhất là những đối tượng khai thác san hô trái phép. “Tổ đồng quản lý chúng tôi không chỉ có thanh niên, cả những người lớn tuổi và phụ nữ cũng tham gia.

2125427818
Du khách lặn biển ngắm san hô.

Hàng ngày, tổ đồng quản lý chúng tôi cắt cử 3 – 4 người trẻ tuổi bám biển làm nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô, những thành viên lớn tuổi và phụ nữ thì ở trên bờ, tỏa nhau đi tiếp cận người dân từ làng trên đến xóm dưới để tuyen truyền. Qua những câu chuyện thân mật, thành viên của nhóm đưa đến với người dân thông điệp bảo vệ san hô chính là bảo vệ cuộc sống của mình, san hô tồn tại là sinh kế của người dân sẽ được bảo đảm bền vững, bởi thủy sản có “nhà” để trú ngụ, sinh đẻ. Mưa dầm thấm lâu, càng ngày người dân càng ý thức hơn việc bảo vệ san hô, nên nạn khai thác san hô trái phép hầu như không còn xảy ra”, anh Sáng chia sẻ.

Nhiệm vụ bảo vệ, tái tạo san hô của những “vệ sĩ” trẻ nghe còn vất vả hơn. Thường thì 1 tháng 2 lần, những “vệ sĩ” trẻ vai mang bình hơi lặn xuống biển để làm vệ sinh nền đáy nhằm tạo điều kiện cho san hô phát triển. Mỗi bình hơi cho phép họ ở dưới biển 1 giờ đồng hồ. Họ  “đi” trên những rạng san hô vớt những là rác, bì nhựa, lon bia bỏ vào vợt đưa lên bờ, đồng thời tiêu diệt những đối tượng thủy sản gây hại cho san hô và trồng các loại rong có ích có thể tự làm sạch môi trường sống của san hô.

“Nhóm chúng tôi có nhiệm vụ quản lý 12ha san hô, trong đó có 2ha nằm trong vùng lõi cần bảo vệ chặt chẽ. Ngoài làm vệ sinh đáy nền san hô, chúng tôi còn lùng bắt sao biển gai, đây là loài thủy sản chuyên gây hại cho san hô. Mỗi lần làm vệ sinh nền đáy rạn san hô chúng tôi gần như ngâm mình cả ngày dưới biển. Gặp thời điểm nhiều sao biển gai, chúng tôi phải vận động thêm ngư dân trong xã tham gia hỗ trợ”, anh Sáng kể.

Ở xã biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) có diện tích san hô nhiều gấp nhiều lần so với xã Nhơn Hải. Bởi ở Nhơn Hải chỉ có Hòn Khô, còn ở Nhơn Lý san hô trải dài từ Eo Gió, Bãi Dứa, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Cân… Nhiệm vụ bảo vệ san hô ở Nhơn Lý còn khó khăn hơn, bởi ở đây có nhiều điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Sinh hoạt trong những chuyến tham quan vui chơi của du khách thường cho biển “ăn” muôn loại rác thải gây hại cho san hô. Bởi vậy, những “vệ sĩ” bảo vệ san hô ở Nhơn Lý càng đặt nặng công tác tuyên truyền, chú trọng vào những chủ những chiếc ca nô đưa khách du lịch. 

3125427884
Những “vệ sĩ” bảo vệ “mái nhà biển” ở xã Nhơn Hải.

“Hầu hết trên những chiếc ca nô đưa khách đi du lịch đều có những người lặn giỏi. Chúng tôi tuyên truyền với họ là nếu dưới những rạn san hô đầy rác, du khách lặn xuống thấy toàn rác thì còn gì là thú vị nữa, thậm chí cảnh tượng ấy còn gây phản cảm khiến du khách mất hứng. Du khách mất hứng là dịch vụ du lịch mất khách, đồng nghĩa chuyện làm ăn của họ không còn hanh thông. Vậy là trong lúc du khách thưởng ngoạn các rạn san hô thì họ cũng lặn xuống biển để làm vệ sinh cho san hô”, anh Hiền, tổ trưởng tổ đồng quản lý xã Nhơn Lý, chia sẻ.

“Tổ đồng quản lý xã Nhơn Lý có 20 thành viên, có 3 nữ, trong đó có chị Nguyễn Thị Mỹ Ninh hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền rất quan trọng, có nhiều anh chuyên làm các nghề cấm và khai thác trái phép san hô, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động miết nhưng họ không nghe, vậy nhưng khi vợ thỏ thẻ về tác hại nếu những rạn san hô mất đi thì tôm cá cũng không còn, kể như mất nồi gạo, vậy là họ bỏ nghề ngay”, anh Hiền nói.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm