Theo đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã có văn bản giao Chi cục Thủy sản tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 trong sản xuất nuôi tôm nước lợ. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, thực hiện công tác quan trắc môi trường, tổng hợp và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, thân thiện với môi trường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới để giảm rủi ro, giảm giá thành sản xuất.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật (nếu có) về điều kiện sản xuất, lưu thông chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường, kháng sinh, chất cấm trong nuôi tôm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa tổ chức thực hiện kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm; xây dựng, phát triển các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi tôm an toàn dịch bệnh.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng.
Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021.
Trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhận rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuối tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý.