Theo đánh giá của các chuyên gia, diễn biến thời tiết bất thường, mưa nhiều xuất hiện muộn vào tháng 10 khiến việc canh tác vụ đông 2021 ở miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết đến thời điểm này, diện tích gieo trồng vụ đông đạt khoảng 280.000 ha trên tổng diện tích theo kế hoạch là 400.000 ha.
“Vụ đông năm 2021 có thể nói rất khó khăn, đặc biệt là giai đoạn tháng 10 khi nhiệt độ thấp, mưa kéo dài không chỉ khiến các diện tích rau ăn lá bị ngập úng và chết, khó khăn cho công tác chăm sóc, khôi phục và trồng mới rau màu”, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.
Do đó, ông Cường kêu gọi các địa phương phía Bắc tập trung mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch. “Theo tình hình hiện nay, có thể thời gian tới sẽ xảy ra khan hiếm rau cục bộ và giá rau sẽ tăng do nhu cầu đang có xu hướng tăng tại nhiều địa phương”, ông Nguyễn Như Cường đánh giá thêm.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng, các địa phương cần tập trung nguồn giống, đặc biệt là các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày để phù hợp với điều kiện sản xuất khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Bên cạnh đó, lưu ý các địa phương cần bám sát tình hình thời tiết, khí hậu để chủ động thực hiện các giải pháp tiêu úng, thoát nước để không xảy ra ngập úng. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn địa phương cần hướng dẫn bà con cách khôi phục các vườn rau sau khi bị ngập úng.
Trong số các địa phương phía Bắc, Vĩnh Phúc là tỉnh có diện tích rau vụ đông bị thiệt hại tương đối do diễn biến bất thường của thời tiết trong tháng 10 vừa qua.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ 29 - 31/10, khoảng gần 500 ha rau màu bị ngập úng cục bộ và hư hại. Mặc dù trước đó, tính đến ngày 31/10, tỉnh đã gieo trồng được 13.781 ha, đạt gần 92% kế hoạch đề ra của vụ đông năm 2021 là 15.000 ha.
“Do tình hình thời tiết bất lợi, nhiều loại rau ăn lá bị hư hại do ngập úng nhưng đa phần diện tích rau vụ đông của Vĩnh Phúc tập trung vào các đối tượng cây trồng như bí đỏ, dưa chuột và su su. Các đối tượng này tuy cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn có thể khôi phục và cho thu hoạch được”, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Phúc sẽ tham mưu với Sở NN-PTNT tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục sản xuất và phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông 2021.
Ngoài ra, đơn vị sẽ theo dõi diễn biến tình hình sinh vật gây hại và đề xuất biện pháp phòng chống kịp thời, đồng thời triển khai tập huấn các lớp nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021 nhằm giảm chi phí đầu vào cho nông dân.
Mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng do khan hiếm rau nên giá bán năm nay lại tăng cao, có thời điểm gấp đôi so với năm 2020. Theo ghi nhận của phóng viên tại Vĩnh Phúc, giá ngọn bí, bông bí đang vào khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, còn giá quả bí bao tử vào khoảng 10.000 – 11.000 đồng/kg, gấp đôi so với năm 2020.
“Giá bán rau bí năm nay đang tăng, tính ra cao gấp đôi so với năm ngoái nhưng sản lượng lại bị giảm mạnh. Thời gian vừa qua mưa nhiều, quả bị thối nhiều, chúng tôi phải liên tục bón bù phân để cứu cây”, một nông dân ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường cho biết.