| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở trước giá vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 03/11/2023 , 09:28 (GMT+7)

Hiện mỗi liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam có giá trên 60.000 đồng, mức giá khiến cả doanh nghiệp và địa phương trăn trở.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn. Ảnh: Cường Vũ.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn. Ảnh: Cường Vũ.

Giải pháp hiệu quả bảo vệ đàn lợn

Sau gần 3 năm nghiên cứu, với hàng trăm cuộc thí nghiệm và thử nghiệm trên động vật, đến giữa năm 2023, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã sản xuất thành công vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Vacxin AVAC ASF LIVE là một trong hai vacxin dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được thương mại trên thế giới và cả hai sản phẩm này đều được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Viết Thể, chủ cơ sở chăn nuôi lợn ở Đan Phượng, Hà Nội, cho biết: Khi có vacxin tả lợn Châu Phi, ông đã mua về tiêm thử nghiệm cho toàn bộ đàn lợn, từ lợn con 5 ngày tuổi đến lợn trên tạ và lợn nái. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh, sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vacxin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, trung bình trên 95%.

"Từ ngày đó đến giờ, trang trại của tôi không có tình trạng lây nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Đầu năm 2023, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho tôi 3.000 liều để tiêm cho khách hàng của mình. Tôi chưa thấy phản hồi nào về việc lợn tiêm xong bị tả lợn Châu Phi, trong khi ở các vùng khác do chưa tiêm nên bị rất nhiều", ông Thể tâm sự.

Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt tỉnh Cao Bằng: Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở rất nhiều địa phương tại Cao Bằng. Khi Công ty AVAC Việt Nam sản xuất thành công vacxin dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục đã triển khai tiêm thử nghiệm 200 liều vacxin, kết quả không xảy ra phản ứng phụ trên đàn lợn.

Sau khi tiêm 4 tuần rồi lấy mẫu của 10 con, 9 con đảm bảo miễn dịch. Hiện, tỉnh Cao bằng đã bố trí nguồn kinh phí để mua 20.000 liều vacxin nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tiêm phòng trong tháng 11 năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước năm 2019, Bắc Ninh sở hữu đàn lợn khoảng 400.000 con, dịch tả lợn năm 2019 phải tiêu hủy 131.000 con lợn.

Sau khi có văn bản 4870/BNN-TY của Bộ NN-PTNT về triển khai tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên toàn quốc, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tham mưu cho tỉnh để tổ chức các cuộc họp và ban hành các văn bản chỉ đạo công tác tiêm phòng. Hiện, Bắc Ninh đã tiến hành tiêm thí điểm ở 31 hộ chăn nuôi của 13 xã, phường với gần 600 con lợn được tiêm vacxin tả lợn Châu Phi của Công ty AVAC.

"Sau khi tiêm phòng, tình hình rất khả quan. Chúng tôi đã lấy mẫu của một hộ chăn nuôi sau khi tiêm phòng 25 ngày, 16/16 mẫu dương tính với kháng thể dịch tả lợn Châu Phi. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục đánh giá vacxin trên địa bàn, khi đảm bảo chất lượng và hiệu quả kháng thể chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh có những chính sách hỗ trợ người dân sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi này để phòng bệnh chủ động." Ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thọ, trong quá trình tiêm phòng, ngành chức năng của Bắc Ninh khuyến cáo người chăn nuôi theo dõi đàn lợn hàng ngày, trước và sau tiêm phòng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, đến nay đàn lợn được tiêm vẫn giữ được sức khỏe ổn định.

Tại Lạng Sơn, ngày 12/9/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này cũng đã triển khai tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi có giám sát trên địa bàn các xã Vũ Sơn, Tân Lập huyện Bắc Sơn và xã An Sơn huyện Văn Quan. Loại vacxin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam hỗ trợ miễn phí 200 liều để tiến hành tiêm giám sát tại 2 huyện trên.

Kết quả khảo sát lựa chọn được 12 hộ với số lợn trong độ tuổi tiêm phòng 139 con. Cụ thể, tại huyện Bắc Sơn tiêm được 88 con, huyện Văn Quan tiêm được 51 con. Đàn lợn được tiêm phòng vacxin AVAC ASF LIVE đến nay đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, không có con nào bị phản ứng sau tiêm phòng.

Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y vẫn đang theo dõi đàn lợn đã được tiêm, sau khi tiêm được trên 03 tuần trở lên cán bộ kỹ thuật của Chi cục sẽ tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vacxin.

Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền triển khai tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi không để các ổ dịch bệnh xảy ra và hạn chế mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phát triển chăm nuôi trên địa bàn tỉnh.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Cần giảm giá thành vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam là một thành viên của Tập đoàn RTD. AVAC đi tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất vacxin quan trọng như như vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh… Gần đây nhất, RTD đã đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE với gần 20 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam: Tính đến cuối tháng 10/2023, Công ty AVAC đã xuất 1,5 triệu liều, trong đó có 300.000 liều đã xuất khẩu sang Philippines. Trong thời gian tới, AVAC sẽ phân phối sản phẩm theo 2 kênh chính là qua các nhà phân phối trong nước và qua các địa phương sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Với thị trường quốc tế, thời gian qua, Công ty đã kết nối với khoảng 10 nước, nhiều quốc gia đã đăng ký lưu hành sản phẩm tại nước họ như Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… Dự kiến, trong năm 2024, các nước này sẽ được nhập vacxin của AVAC với khoảng 10 triệu liều mỗi năm.

Cũng theo ông Điệp, hiện mỗi liều vacxin AVAC ASF LIVE bán trong nước có giá trên 60.000 đồng. Trong thời gian tới Công ty sẽ cố gắng giảm giá thành khi doanh nghiệp thu hồi được một phần vốn đầu tư.

Liên quan đến giá bán vacxin, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, cho biết tỉnh sẽ hỗ trợ mua vacxin tiêm cho các hộ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, với giá thành cao như vậy, để mua đủ vacxin sẽ tốn rất nhiều tiền.

"Bắc Ninh và nhiều địa phương khác rất tâm tư về giá bán vacxin AVAC ASF LIVE hiện nay. Chúng tôi đề nghị, thời gian tới Công ty AVAC Việt Nam nghiên cứu đưa ra mức giá phù hợp so với những loại vacxin khác, phần nào giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương và bà con chăn nuôi.

Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam ngày 22/10/2023 ký kết hợp tác xuất khẩu vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE với 5 đối tác, gồm: Kpp Power Commodities Inc (Philippines), PT Putra Perkasa Genetika (Indonesia), Yenher Agro-Products Snd Bhd (Malaysia), Indian Immunologicals Ltd (Ấn Độ), Earlybirds Delivery service limited (Myanmar).

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.