| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19

Thứ Sáu 04/03/2022 , 15:42 (GMT+7)

Nhiều học sinh bày tỏ có những cảm giác lo âu, căng thẳng, trống trải và buồn chán trong khoảng thời gian dài đối mặt với việc học online kéo dài trong đợt dịch Covid-19.

Em Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Tạch.

Em Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Tạch.

Tại cuộc tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 4/3, nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM) bày tỏ có những cảm giác lo âu, căng thẳng, trống trải, và buồn chán trong khoảng thời gian dài đối mặt với việc học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Em Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ, bản thân em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài trong suốt thời điểm 5 tháng học online. “Trong 5 tháng học online, em không quen biết được nhiều bạn mới, chỉ có 1 vài bạn từ lớp học cũ. Em thuộc nhóm người hướng nội nhưng gia đình, cha mẹ không chịu nghe em. Hễ định tâm sự thì cha mẹ không hề nghe, em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn với những bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em sang chấn tâm lý, trầm cảm thêm trong suốt thời gian qua”, Mỹ Linh nói.

Mỹ Linh cũng cho biết, suốt thời gian qua, em cứ thế chịu đựng mà không biết phải tìm ai để "giải quyết" những tâm sự chất chứa trong lòng mình.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cảm giác tuyệt vọng khi ở nhà một mình trong khi cả gia đình đi cách ly tập trung thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM. Em phải tự một mình lo ăn uống, sinh hoạt, và học online một mình ở nhà suốt 2 tuần liền. Đỉnh điểm là lúc một người thân của em không thể qua khỏi vì Covid-19. "Lúc ấy, em tuyệt vọng, bởi dịch Covid-19 căng thẳng, ai cũng sợ. Đau buồn, nhưng em không dám tâm sự với bạn bè vì nhà mình bị giăng dây, bị cách ly", Thư chia sẻ.

Trước vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, trong cuộc sống không ai là không từng gặp tình trạng bị stress, bị trầm cảm, nhưng không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình. Chính những bạn học sinh đang ngồi đây, đã rất dũng cảm khi nói ra tâm sự của mình.

"Trong quá trình tư vấn, chúng tôi thường gặp những "khách hàng" có những biểu hiện tâm lý căng thẳng không dám nói ra những khó khăn của mình, có bạn đến khi rơi vào trầm cảm, có bạn đã từng nghĩ đến cả việc cắt tay, mua dây thừng để sẵn... cho đến khi các bạn ấy nhận ra, trò chuyện cùng các chuyên gia tâm lý mới thoát khỏi tình trạng đó", bác sĩ Mẫn phân tích.

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Duy Tạch.

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Duy Tạch.

Cũng theo bác sĩ Mẫn, việc áp lực căng thẳng do học online kéo dài, nhất là đối với học sinh lớp 12, cộng với dịch Covid-19 khiến tình trạng của các em học sinh "như giọt nước tràn ly", khiến các em bùng nổ các triệu chứng gây ra tình trạng stress.

"Nếu các bạn có những cảm xúc chưa được tốt, chưa tích cực thì cố gắng nói lên với những người bạn thân, thầy cô, gia đình mình hoặc ai đó mà mình cảm thấy dễ chịu nhất, kể cả chuyên gia tâm lý", bác sĩ Mẫn khuyến cáo.

Dưới góc độ là người làm trong công tác quản lý giáo dục, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt khẳng định, vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng. “Nhà quản lý tâm lý trong trường học cần phải có sự tiên đoán dự báo được tình huống, tình thế để hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của chính thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ giúp các em trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý”, Thạc sĩ Hồng Anh nói.

Trong khi đó, Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, bà nhận thấy học sinh thì e ngại không nói ra cảm nghĩ của mình, còn phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. "Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần" Thạc sĩ Cẩm Giang nói.

Cũng theo Thạc sĩ Cẩm Giang, ở Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa bài bản, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm.

Chia sẻ về câu chuyện có thật ở trường, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, cách đây vài tháng một phụ huynh học sinh lớp 10 đã lên xin bảo lưu kết quả học tập của con mình với lý do em không thể hòa nhập được với bạn sau thời gian dài học online tại nhà.

“Từ một học sinh giỏi, thông minh, linh hoạt, thì em ấy đã có những dấu hiệu mệt mỏi, không muốn học và xin mẹ bảo lưu lại kết quả", Thạc sĩ Đảo chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Đảo, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường... Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress... dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần quan tâm, tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường”, Thạc sĩ Đảo nêu quan điểm.

Cũng tại buổi tọa đàm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nhắn nhủ tới các em học sinh của mình, trường học luôn có phòng tư vấn học đường với thông điệp "bảo mật - lắng nghe - thấu hiểu và chia sẻ” luôn rộng mở với tất cả các em khi cần.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.