| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ trắng tay vì sương muối

Thứ Hai 10/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Sau đợt sương muối, hàng trăm ha cây trồng ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) lâm vào tình trạng héo lá, chết dần, nông dân có nguy cơ trắng tay trong thời gian tới.

17-23-06_nh_1_suong_muoi
Đợt sương muối xảy ra trong nhiều ngày khiến cây trồng bị cháy lá, hư hỏng.

Trên sườn đồi ở xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương), gia đình anh Đa Chu Kpri canh tác 6 sào cà phê và vừa kết thúc đợt thu hoạch trước tết. Khi gia đình đang chăm sóc để cây ra hoa cho vụ sắp tới thì hiện tượng sương muối xảy ra làm toàn bộ cây bị đui đọt, cháy lá, héo úa.

Theo anh Kpri, cây trong vườn có độ tuổi từ 6-10 năm và cho thu hoạch đều. Trước tết, vườn cho thu hoạch trên 5 tấn trái và giúp gia đình anh có nguồn thu trên 50 triệu đồng.

“Nghe bà con báo sương muối nên tôi vội khoác đồ ấm rồi chạy lên rẫy xem xét. Khi tới thì thấy lá cà phê trong vườn bị phủ bởi một màu trắng như vôi. Biết bị sương muối nhưng không có cách nào để xử lý vì không có hệ thống tưới phun sương như các hộ trồng rau”, anh Đa Chu Kpri buồn bã chia sẻ.

Theo nông dân 32 tuổi này, hiện tại, toàn bộ cây trong vườn đều có chung đặc điểm là lá bị cháy khô, đọt non bị lụn. “Cây thế này thì mùa tới trắng tay. Giờ chỉ mong cây sống sót, hy vọng vào những năm sau”, anh Kpri thổ lộ.

Chung cảnh ngộ, vườn cà phê 3ha của gia đình ông Vũ Bá Hòa (xã Đạ Chais) đang bị khô héo, rụng lá do ảnh hưởng sương muối. Đây là khu vườn 3 năm tuổi và cây bước vào độ cho năng suất cao nhất.

Theo ông Hòa, kể từ tết đến nay, nền nhiệt độ ở địa phương rất thấp và thường xuyên lạnh giá về ban đêm, đặc biệt rạng sáng. Có những rạng sáng nhiệt độ ngoài trời chỉ ở khoảng 5-10 độ C.

Vào sáng 29 tết, nhiệt độ thấp nên sương muối xuất hiện trên một số vườn cây, vạt cỏ thấp bên suối sau đó tan nhanh. Đến rạng sáng 12-13-14 tháng Giêng (tức các ngày 5-6-7/2) thì hiện tượng sương muối tiếp tục xuất hiện và với mức độ nghiêm trọng hơn.

Ông Hòa kể: “Từ cỏ bên đường cho đến rau màu, cà phê trên sườn đồi đều bị đóng băng. Đến khoảng 8-9h sáng, khi mặt trời lên cao thì sương muối bắt đầu tan. Tuy nhiên, tan đến đâu thì lá cây héo úa và rục xuống đến đấy. Chỉ những hộ trồng rau, có hệ thống phun sương bật máy tưới sớm mới tránh được thiệt hại”.

17-23-06_nh_3_suong_muoi
Hàng trăm ha cây trồng bị hư hại vì sương muối.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương cho biết, đang thống kê thiệt hại và sau đó hỗ trợ cho người dân theo quy định. Sau đợt này sẽ khuyến cáo người dân tái canh các giống cà phê tốt hơn, năng suất cao hơn và chịu được giá rét.

Một nông dân gần trụ sở UBND xã Đạ Chais cho biết, gia đình ông canh tác gần sào khoai lang và đã bị hư hỏng hoàn toàn. Ông cho biết: “Mấy ngày trước cây đang tươi tốt, xanh một vùng nhưng giờ thì héo úa, trơ trọi cả. Lá non, lá già đều cháy đen, thân cây thì lụn và khô. Giờ nhìn vườn rau giống như cây bị chết vì thuốc diệt cỏ”.

Ông Liêng Jrang Ha Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais cho biết, vào khoảng năm 2015, địa phương từng hứng chịu đợt sương muối kéo dài trong 7 ngày. Toàn bộ cây trồng của người dân bị ảnh hưởng khiến nhiều gia đình thất thu. Năm nay, tình trạng sương muối xuất hiện 3 ngày và có thể tiếp diễn trong những ngày tới.

“Xã có 500ha cà phê thì có 150ha đã bị cháy lá, hư hỏng. Con số này chưa thể hiện hết vì nhiều nơi trong vùng chúng tôi chưa thể thống kê. Khả năng nhiều gia đình sẽ mất trắng mùa vụ cà phê năm nay”, ông Liêng Jrang Ha Thuyên cho biết.

Đợt sương muối kéo dài không chỉ gây thiệt hại đến nông dân xã Đạ Chais. Một số địa phương khác như xã Đa Nhim, xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, xã Đa Nhim ghi nhận trên 300ha cà phê cùng nhiều ha rau trồng ngoài trời của người dân bị cháy lá, hư hỏng.

Sau khi xảy ra tình trạng sương muối, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đã thành lập 3 tổ công tác và phối hợp với các xã Đạ Chais, Đa Nhim, Đạ Sar để nắm bắt tình hình thiệt hại. Đồng thời phổ biến đến người dân các biện pháp phòng chống giá rét, sương muối cho cây trồng để duy trì cho những vụ sau.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm