| Hotline: 0983.970.780

Nguyện cầu cho một dòng sông

Chủ Nhật 30/12/2018 , 13:30 (GMT+7)

Năm 1990, chúng tôi xoay được một căn hộ ở phường Kim Giang. Ngã Tư Sở - Chợ Xanh - Khương Đình - Kim Giang - Kim Lủ là những cái tên như những mắt xích dậy mùi hương lịch sử một thời. Nghe như có tiếng leng keng tàu điện những năm tám mươi ở Chợ Xanh mà bên kia đường là khu Cao - Xà - Lá...

Viết cho bạn đọc bây giờ phải chú thích, cụm từ ấy có nghĩa là nơi mà các nhà máy Cao su - Xà phòng - Thuốc lá đã từng ở đó. Nhưng tuyến ấy bạn ạ, phía sau những nhà máy giờ đã quá vãng kia là một con sông khơi gợi bậc nhất, ai cũng từng nghe và hễ nghe là thấy như hồn mình vừa được phả vào hơi thở xa xưa, bâng khuâng, ngẫm ngợi.

song-to-lich163514381
Ảnh minh họa

Tô Lịch. Năm 1990 ấy đoạn Kim Giang -Kim Lủ còn xem như ngoại vi. Bên kia là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nổi như cồn điền viên trong khoảnh vườn rất nhiều hồng xiêm mà miền Nam tôi gọi là sa-pô-chê. Bên này ngoài vợ chồng tôi còn có nhà văn Đoàn Lê, cháu dâu cụ Nguyễn Siêu với khu từ đường nổi tiếng cổ kính. Dưới nữa là đền thờ Chu Văn An tĩnh mịch màu vàng đặc trưng. Sông Tô Lịch thoải mình, những người vừa được gọi là cư dân phường gốc gác nông dân xa xưa vẫn dùng thuyền tự gò bằng tôn cũ bơi trên màu nước còn chấp nhận được để chăm sóc những giề rau muống. Nhìn như thể rau hoang nhưng thực ra đều có chủ hết đấy.

Rau muống xanh lạ lùng, xanh khả nghi. Chúng tôi ngại ô nhiễm không mua nhưng rau ở Chợ Xanh hay chợ Ngã Tư Sở mịt mờ gốc gác thì sao? Chép miệng, tặc lưỡi, kệ, khuất mắt thì ngon hết. Con gái tôi lần đầu ra Hà Nội, lần đầu “chạm trán” với Tô Lịch toàn rau muống giề và nón lá thâm kim và thuyền tôn bệ rạc đã nhăn nhó đau khổ mấy ngày trời. “Tô Lịch đây sao, Tô Lịch mà vậy sao?” Chắc nó nghĩ không dám sánh như sông Seine nước Pháp hay sông Thames nước Anh nhưng bần hàn quá thể như vậy là không thể nào hiểu nổi.

Mười năm nữa trôi qua. Năm 2000. Thế kỷ hân hoan. Những giề rau muống biến mất khi nào chính tôi cũng không để ý. Ngày ngày đi về, bon chen, khi chọn lối tắt này, khi lách vào ngõ nọ, mọi biến dịch trượt qua hay là mình chỉ chăm chăm nhìn phía trước, dưới lớp kính bảo hiểm và khẩu trang. Thực sự không hề hay biết Tô Lịch đã cạn sợt một màu đen nước cống, không cọng rau nào sống được. Mùa mưa nước loãng ra đánh lừa được cư dân hai bên rằng vẫn có dòng Tô Lịch đang chảy. Nhưng mùa hè thì sao? Lần ấy tôi phóng xe ban đêm, đường vắng, những con bọ từ mặt sông cạn sệt bay vù vù lên như có lũ âm binh đang tấn công mình, chết khiếp. Từ đó, cả ban đêm cũng phải có kính đêm mới dám đi ven Tô Lịch mùa hè!

Nghe tin Nhiêu Lộc của Sài Gòn đã giải tỏa dân, sẽ nạo vét, sẽ biến thành nơi tàu thuyền qua lại du lịch được, Nguyễn Quang Thân lại có dịp ao ước và so sánh. Sao không có động tĩnh gì với Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ Giang, Liên Mạc để người dân được trong lành? Tô Lịch có thể giẫy chết nhưng ai giết nổi tình yêu lịch sử trong con tim người Việt? Rồi cũng thấy rục rịch những đoạn kè, lan can mãn nhãn. Năm liền năm, rồi ở đoạn của cụ Nguyễn Siêu Kim Lủ và Kim Giang chỗ chúng tôi cũng được bê tông dần, cả hai bên. Một sự đổi đời thực sự. Những hàng cây được giữ, đường dành cho người đi bộ khang trang. Nhưng nào có đi bộ được, bởi lòng sông vẫn sệt và khẳm mùi, kinh khủng, vẫn lũ bọ hung hăng của mùa hè bay lên cứ nhè mắt người, mặt người mà “thăm hỏi”.

Chúng tôi rời Hà Nội trong lưu luyến thủ đô ngàn năm linh thiêng. Khi này Nhiêu Lộc đã trở thành điểm sáng của Sài Gòn, những khóm cây, những bồn hoa, những máy cơ cho người thể dục, những tên phố mới ra đời, Hoàng Sa – Trường Sa. Nguyễn Quang Thân lại có dịp bứt rứt cho Tô Lịch và Hà Nội. Khi nào ti-vi có chương trình liên quan đến con sông ấy là chúng tôi dán mắt vào và muốn khóc. Cảnh công nhân môi trường đô thị thụt cả nửa người trong thứ bùn sệt ấy khiến ai cũng phải chạnh thương. Vì đâu mà họ mãi khổ như vậy?

Vừa nghe, cuối năm, một cuộc họp lớn hẳn hoi bàn chuyện không để Hồ Tây thành hồ chết và luôn thể, Hà Nội sẽ bắt đầu hồi sinh cho Tô Lịch. Có thế chứ. Muộn còn hơn không. Không gì là không thể, vấn đề là có muốn hay không. Một câu đơn giản nhưng gần cả thế kỷ nay, Tô Lịch mới được đặt lên bàn nghị sự với tư cách là một dòng chảy từng liên thông với sông Hồng. Đưa nước sông Mẹ vào cho Tô Lịch, như ngàn xưa, nó đã sống và đi vào tâm thức chúng ta với màu nước ấy, mùi thơm ấy, sự mật thiết như mẹ và con ấy.

Một tin vui. Quá vui. Chúng tôi đã nguyện cầu và sẽ tiếp tục nguyện cầu cho đến khi nào Tô Lịch như chính nó đã từng trong lịch sử.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm