| Hotline: 0983.970.780

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nông nghiệp ở Pháp

Thứ Năm 25/01/2024 , 10:10 (GMT+7)

Nông dân Pháp đã tăng cường các cuộc biểu tình hôm 24/1 nhằm phản đối giá lương thực lao dốc, chi phí tăng vọt và các quy định ảnh hưởng sinh kế của họ.

Nông dân chặn đường một cao tốc ở miền đông nam nước Pháp để phản đối thuế, giá lương thực và thu nhập giảm sút, hôm 23/1. Ảnh: AFP.

Nông dân chặn đường một cao tốc ở miền đông nam nước Pháp để phản đối thuế, giá lương thực và thu nhập giảm sút, hôm 23/1. Ảnh: AFP.

Các cuộc biểu tình ở Pháp nối sau hàng loạt các cuộc biểu tình của nông dân trước đó trên khắp Liên minh châu Âu, đặt ra một thách thức lớn đối với chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, trong bối cảnh cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Tình trạng hỗn loạn gần đây đã làm dấy lên nhiều chỉ trích ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), từng có 2,5 triệu nông dân trong những năm 1950, giờ chỉ còn khoảng 500.000 nông dân.

Dân số già

Số người làm nông ở Pháp không chỉ giảm đáng kể mà độ tuổi lao động trung bình cũng ở mức cao hơn bao giờ hết. Theo điều tra dân số mới nhất, độ tuổi trung bình nông dân trung bình 51,4 vào năm 2020, tăng từ 50,2 hồi năm 2010.

Trong số 496.000 nông dân được tính vào năm 2020, gần 200.000 người đủ điều kiện để nghỉ hưu vào năm 2026. Trong khi đó, những người nông dân trẻ đầy tham vọng đang bị đẩy ra khỏi ngành, không thể đầu tư vào đất đai và bất động sản.

"Những người trẻ tuổi muốn tham gia vào ngành nông nghiệp phải đầu tư hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu euro vào một nghề được biết đến là khó khăn, với thời gian làm việc dài, ít ngày nghỉ và thu nhập bấp bênh", nhà kinh tế học Alessandra Kirsch, người đứng đầu tại tổ chức tư vấn Agriculture Stratégies của Pháp cho biết.

"Các khoản nợ mà họ phải trả trong những năm đầu tiên là quá cao so với lợi nhuận ít ỏi kiếm được từ các trang trại", bà giải thích.

"Việc tăng cường sức hấp dẫn của ngành nông nghiệp là vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của ngành", Yohann Barbe, một nông dân chăn nuôi gia súc từ miền đông nước Pháp, thành viên hội đồng quản trị Liên minh Nông nghiệp Pháp FNSEA, cho biết thêm.

"Chúng ta cần cho mọi người niềm tin về điều kiện làm việc tốt hơn. Chúng tôi may mắn khi được làm việc trong môi trường tự nhiên, nhưng chúng tôi cũng cần phải kiếm sống", ông nói.

Nông dân Pháp đổ khoai tây và rác để chặn đường trong các cuộc biểu tình hôm 24/1. Ảnh: Reuters.

Nông dân Pháp đổ khoai tây và rác để chặn đường trong các cuộc biểu tình hôm 24/1. Ảnh: Reuters.

100.000 trang trại đóng cửa

Hệ quả tất yếu của lực lượng lao động giảm là số lượng trang trại cũng giảm theo, giảm gần 21% từ năm 2010 đến năm 2020, khoảng 100.000 trang trại đóng cửa trong vòng một thập kỷ.

Bà Kirsch chỉ ra những trở ngại lớn trong việc bàn giao các trang trại từ thế hệ này sang thế hệ khác, do cả chi phí tài sản và thiếu người lao động.

"Chưa kể đến thực tế là giá trị sản xuất nông nghiệp giảm theo thời gian. Để kiếm được số tiền như trước đây, giờ bạn cần phải đầu tư nhiều tiền và làm việc nhiều hơn. Đó là lý do tại sao các trang trại hiện nay lớn hơn và có nhiều nhân công hơn, nhưng không kiếm được nhiều tiền như trước đây", bà nói thêm.

Nguy cơ tự tử cao hơn

Những khó khăn mà nông dân trải qua là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tự tử trong ngành này ở Pháp cao hơn đáng kể so với các ngành nghề khác.

Năm 2020, tỷ lệ tự tử ở nông dân từ 15 - 64 tuổi cao hơn 43,2% so với mức trung bình quốc gia, theo số liệu do Mutuelle sociale agricole (MSA), nhà cung cấp bảo hiểm y tế chính của ngành nông nghiệp, cung cấp.

"Làm nông nghiệp là một nghề lao động vất vả và cần phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực (kinh doanh, quản trị, nông nghiệp) và cũng hay phải nhận chỉ trích”, bà Kirsch cho biết.

Thu nhập ít hơn và dễ bị tổn thương hơn

Vật lộn để trang trải chi phí và hóa đơn, trong khi phải lo nghĩ về thu nhập không chắc chắn, là một trải nghiệm quá quen thuộc đối với hầu hết nông dân.

Tỷ lệ hộ nông dân sống dưới ngưỡng nghèo đạt 17,4% cao hơn so với công nhân công trường (13,9%) và nhân viên văn thư (12,1%), và cao gần gấp đôi so với mức trung bình quốc gia (9,2%), theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia INSEE.

Nguyên nhân khiến người nông dân trở thành đối tượng dễ bị tổn thương là do sự biến động lớn trong thu nhập của họ, bà Kirsch nói.

"Giá cả thị trường có thể thay đổi trong vài tuần trong khi thời tiết khắc nghiệt có thể quét sạch vụ thu hoạch trong vài giờ. Trong các ngành nghề khác, bạn có thể thương lượng mức lương của mình, đặt giá bán và đưa ra dự báo về thị trường. Nhưng trong nông nghiệp, bạn không biết thu nhập của mình sẽ là bao nhiêu cho đến khi bạn thu hoạch và bán ra thị trường, và tất nhiên, bạn không phải là người định giá", bà nói thêm.

Một lính cứu hỏa đang cố gắng dập lửa sau khi nông dân đốt rơm và phân trước cửa tòa nhà hành chính chính phủ ở Agen, miền nam Pháp, hôm 24/1. Ảnh: Reuters.

Một lính cứu hỏa đang cố gắng dập lửa sau khi nông dân đốt rơm và phân trước cửa tòa nhà hành chính chính phủ ở Agen, miền nam Pháp, hôm 24/1. Ảnh: Reuters.

Giá ngũ cốc lao dốc

Biến động dữ dội của giá ngũ cốc trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy những thách thức mà nông dân phải đối mặt.

Giá lúa mì đã giảm xuống mức 214 euro/tấn trong tháng 12/2023, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và mất giá 1/2 vào tháng 5/2022, theo sàn giao dịch chứng khoán Euronext.

Bà Kirsch chỉ ra một số yếu tố đằng sau sự sụt giảm mạnh này, bắt đầu với nguồn dự trữ dồi dào của Nga cho phép Moscow bán lúa mì với giá thấp, cạnh tranh trực tiếp với Pháp.

Biến đổi khí hậu cũng khiến nông dân Pháp gặp đối mặt với nhiều bất lợi. "Thật khó để đưa máy kéo vào những cánh đồng ngập nước để chuẩn bị đất và gieo hạt kịp thời. Do đó, chúng tôi báo một vụ thu hoạch kém, với lợi nhuận thấp hơn chi phí sản xuất", bà Kirsch giải thích.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.