| Hotline: 0983.970.780

Nhà hàng Singapore đưa cá nguy cấp... lên đĩa

Thứ Ba 11/06/2019 , 08:45 (GMT+7)

Cá Hoàng đế hay còn gọi là cá bàng chài vân sóng hiện được các chuyên gia bảo tồn xếp vào diện nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng nó vừa được phát hiện trở thành món đặc sản tại nhà hàng cao cấp ở Singapore.

Hình ảnh cá Hoàng đế được chụp dưới đáy đại dương

Tên khoa học của loài cá quý hiếm này là Cheilinus undulatus; tên thường gọi: cá Napoleon hoặc Humphead wrasse, chủ yếu sống trong các rạn san hô thuộc khu vực biển Ấn Độ- Thái Bình Dương. Nó cũng được mệnh danh là vệ sĩ bảo vệ các rìa san hô dưới đáy đại dương.

Tờ SCMP vừa tiết lộ một hóa đơn của hai thực khách dùng bữa tối tại nhà hàng một sao Michelin Summer Palace lừng danh thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng Shangri-La ở  Singapore sau khi ra về đã phải trả số tiền lên tới 7.400 đô la Hồng Kông, tương đương 940 USD do đã trót gọi món cá Hoàng đế.

Món ăn từ cá quý hiếm ở nhà hàng xa xỉ được mô tả "không có gì đặc biệt"

Vài ngày sau, các thực khách này lại tiếp tục tới một nhà hàng cao cấp hơn ở đảo quốc sư tử, có gắn ba sao Michelin ở khách sạn Langham. Họ lại kêu đúng món cá này và phải trả tới gần 8.000 đô la Hồng Kông. Nhưng đánh giá cuối cùng, ngoài khen không gian, thái độ phục vụ của nhà hàng thì bữa tối “không có gì đặc biệt”.

Hai vị khách này thực ra là các nhà hoạt động môi trường độc lập. Họ muốn ẩn danh để điền dã xem loại cá Hoàng đế đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới đã bị tận diệt ra sao?

Đây là loại cá có lớp vảy vân đa sắc và khá hiền lành sống núp trong những loài rạn san hô, một số cá thể lớn có chiều dài tới 6 feet và tuổi đời có thể đạt 30 năm. Hình ảnh của loài cá này thường được các thợ lặn chuyên nghiệp chia sẻ với màu sắc sống động và chiếc bướu đặc biệt ở trên đầu của nó.

Cá Hoàng đế ăn sao biển để bảo vệ san hô nhưng gần đây nó bị tận diệt cả bằng hóa chất

Tuy nhiên, theo các nhà bảo tồn biển, thời gian gần đây, loại cá này đã trở thành món đặc sản của giới thượng lưu ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Họ sẵn sàng rút hầu bao 6.500 đô la Hồng Kông cho mỗi kí cá Hoàng đế thường có xuất xứ đánh bắt ở các vùng biển Indonesia, Philippines và Malaysia.

Do loại cá này hiện rất hiếm và chậm lớn nên hoạt động buôn lậu và đánh bắt tràn lan vì lợi nhuận đang khiến giống loài này rơi vào tình trạng cực kỳ nguy cấp. Điều này khiến các nhà môi trường cảnh báo, nên có một lệnh cấm nhằm bảo tồn giống cá đã được đưa vào Phụ lục II, Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Nhóm hoạt động bảo vệ cá Hoàng đế ở Hồng Kông do bà Yvonne Sadovy (giữa) khởi xướng trong một buổi tuyên truyền tăng cường nhận thức

Theo Danh mục Sách đỏ của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, kể từ năm 2004 cá Hoàng đế đã được liệt vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng, trong khi đó Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng khuyến cáo thực khách không nên sử dụng loài cá này làm món ăn.

Tuy nhiên, có một thực tế là nếu giống hải sản nào càng khan hiếm thì lại càng làm tăng sự thỏa mãn hay sở thích được “đánh chén” nó của giới nhà giàu. Một cuộc điều tra do các nhà bảo vệ môi trường của WildAid thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, đa số cá Hoàng đế xuất hiện trong thực đơn ở Hồng Kông đều có nguồn gốc từ Indonesia.

Theo nhà nghiên cứu của ĐH Hồng Kông, Yvonne Sadovy: Nguồn cá này được đánh bắt ngoài tự nhiên hiện đang rất được săn lùng, bất chấp các rủi ro bởi vì chúng được cho là ngon, sạch và bổ dưỡng...

Tại Indonesia hiện vẫn còn khoảng 10 tàu đánh bắt loại cá này được hoạt động hợp pháp. Mặc dù trong những năm gần đây, giới chức xứ vạn đảo đã có sự chuyển biến trong nhận thức về bảo tồn nhưng do nguồn lợi ước tính, ít nhất 1 tỷ USD hằng năm từ các hoạt động giao dịch nhỏ lẻ loại cá này dường như khiến hoạt động đánh bắt vẫn khó kiểm soát…

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.