| Hotline: 0983.970.780

Nhà thầu dùng vật liệu kém, chủ đầu tư chỉ coi như sự cố nhầm lẫn

Thứ Hai 13/12/2021 , 09:07 (GMT+7)

Dù phát hiện bê tông không đông kết, sai kích thước đá nguyên liệu, nhưng đại diện Chủ đầu tư là Sở Giao thông và Vận tải Thái Nguyên vẫn khẳng định “chất lượng tốt”.

Chủ đầu tư nói vật liệu được kiểm soát từ trạm trộn bê tông

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, sáng 24/11, trong quá trình thi công công trình đường Phúc Thuận – Phúc Tân (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) tại xóm 8, xã Phúc Tân, Công ty CP xây dựng & thương mại Havico (Công ty Havico) đã sử dụng bê tông Hữu Huệ để thi công mặt đường bê tông, tất cả theo đúng quy trình kỹ thuật xây dựng. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp này phát hiện bất thường về chất lượng bê tông. Cụ thể là bê tông bị rạn, nứt, không đảm bảo đông kết, đá sử dụng đổ bê tông kém chất lượng, kích thước không đồng đều và chủ yếu có kích cỡ 1x2 (sai so với thiết kế là sử dụng loại đá 2x4cm),…

Sau đó đại diện của Công ty Havico tại công trường đường Phúc Thuận – Phúc Tân đã cho người xúc bỏ toàn bộ đoạn bê tông như đã nói và báo cáo lên cấp trên.

Đoạn đường bê tông Công trình đường Phúc Thuận - Phúc Tân phải đảo lên làm lại. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đoạn đường bê tông Công trình đường Phúc Thuận - Phúc Tân phải đảo lên làm lại. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo ông Tạ Văn Thuyết, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên, thì lỗi do lái xe chở bê tông cấp cho 1 nhà dân đổ mái, nhưng lại chở nhầm ra công trường xây dựng. Cần biểu dương cho đơn vị thi công Công ty Havico, tinh thần nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ vật liệu kém chất lượng ra khỏi công trình.

Ông Tạ Văn Thuyết, Phó Giám đốc Giao thông và Vận tải Thái Nguyên. Ảnh: Phan Vũ.

Ông Tạ Văn Thuyết, Phó Giám đốc Giao thông và Vận tải Thái Nguyên. Ảnh: Phan Vũ.

Công trình xây dựng sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Phúc Thuận – Phúc Tân, có điểm đầu nối từ đường tỉnh 261 (xã Phúc Thuận) và điểm cuối là UBND xã Phúc Tân, có giá trị đầu tư là 41,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn vây Ngân hàng Thế giới WB3. Đoạn công trình có chiều dài 6,3km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, mặt đường đổ bê tông xi măng dày 22cm; nền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 3,5m.

Công trình do Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hữu Huệ và Công ty CP xây dựng & thương mại Havico, đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên.

Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên khen bê tông Hữu Huệ chất lượng tốt

Ông Tạ Văn Thuyết cho rằng vấn đề sử dụng vật liệu là do Nhà thầu quyết định loại vật liệu để đưa vào công trình. Việc định mức thiết kế là 2x4, nhưng khi sản xuất đá thì nhiều loại đá nhỏ hơn lọt qua mặt sàng lẫn vào như đá 1x2, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ 60:40 (tức đá 2x4 phải đạt 60%). Nếu đơn vị cung cấp bê tông sử dụng đá 1x2 đưa vào sản xuất bê tông, thì còn đắt hơn so với đá 2x4 là 5%, chất lượng vẫn đảm bảo. Bản thân ông Thuyết thấy bê tông Hữu Huệ có chất lượng tốt và đưa ra ví dụ là tuyến đường bê tông đập Ba Đa (địa phận khu Gang Thép, T.P Thái Nguyên) – xã Đồng Liên – huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã làm nhiều năm, cũng phải 5 – 6 năm rồi mà chất lượng vẫn tốt, chưa hỏng. Vì vậy khẳng định công trình giao thông nối từ đường 261 (xã Phúc Thuận) đi xã Phúc Tân (thị xã Phổ Yên) chất lượng vật liệu đảm bảo.

Trong khi đó, đại diện đơn vị thị công tại công trường của Công ty Havico khẳng định, họ đặt hàng với đơn vị thi công theo đúng thiết kế của tuyến đường, nên thấy bê tông không đông kết, bị rạn nứt nên mới báo cáo lên cấp trên và phá bỏ toàn bộ đoạn bê tông bị lỗi. Sau khi phá bỏ đoạn bê tông thì mới phát hiện vật liệu đá trong bê tông không đồng đều, chủ yếu là đá 1x2.

Ông Nguyễn Văn Cường, Ủy viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại cho rằng, việc thay đổi kích thước loại đá sử dụng làm bê tông sẽ thay đổi toàn bộ kết cấu của một công trình do mác bê tông bị thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại thiết kế kích thước vật liệu là 2x4, điều này để đảm bảo kết cấu, chịu lực của công trình đường giao thông. Việc chuyển từ dùng đá 2x4 thành đá 1x2, nếu tỷ lệ cát, đá và xi măng giữ nguyên thì mác bê tông sẽ bị giảm đi rất nhiều và sẽ giảm về chất lượng bê tông, giảm về sự liên kết,…

Bê tông Hữu Huệ hảo đào lên bỏ đi vẫn được đại diện Chủ đầu tư khen chất lượng tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bê tông Hữu Huệ hảo đào lên bỏ đi vẫn được đại diện Chủ đầu tư khen chất lượng tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên bê tông Hữu Huệ phải đào lên làm lại tại một dự án giao thông. Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh vào tháng 5/2021, tuyến đường giao thông nông thôn Cát Nê - Thậm Thình - Quân Chu (huyện Đại Từ) được đầu tư với tổng số tiền là gần 15 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư là UBND huyện Đại Từ, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ (gọi tắt là Công ty Hữu Huệ). Chiều dài toàn tuyến là gần 7,2km, mặt đường rộng 5m, độ dày của lớp bê tông mặt đường là 22cm.

Tuyến đường được xây dựng xong nhưng không thể bàn giao do chất lượng không đảm bảo. Công ty Hữu Huệ đã phải sửa chữa tổng công 3 lần, đào bỏ đi toàn bộ 4 đoạn bê tông khác nhau để làm lại.

Đường Cát Nê- Thậm Thình - Quân Chu sử dụng bê tông Hữu Huệ cũng phải đào lên làm lại 3 lần với 4 đoạn khác nhau. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đường Cát Nê- Thậm Thình - Quân Chu sử dụng bê tông Hữu Huệ cũng phải đào lên làm lại 3 lần với 4 đoạn khác nhau. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.