Bê tông đổ từ sáng tới chiều không đông kết
Công trình xây dựng sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nối từ đường tỉnh 261, xã Phúc Thuận đến xã Phúc Tân có chiều dài 6,3km, có giá trị đầu tư là 42 tỷ đồng. Công trình do Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hữu Huệ (gọi tắt là Công ty Hữu Huệ) và Công ty CP xây dựng & thương mại Havico (Công ty Havico), đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên. Hiện công trình này cơ bản đã được hoàn thiện về phần nền đường và đang trong quá trình đổ bê tông mặt đường.
Sáng ngày 24/11, đoạn đường do Công ty Havico thi công tại xóm 8, xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên đã sử dụng bê tông Hữu Huệ để thi công mặt đường bê tông, tất cả theo đúng quy trình kỹ thuật xây dựng. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp này phát hiện bất thường về chất lượng bê tông. Cụ thể là bê tông bị rạn, nứt, không đảm bảo đông kết, đá sử dụng đổ bê tông kém chất lượng, kích thước không đồng đều và chủ yếu có kích cỡ 1x2 (sai so với thiết kế là sử dụng loại đá 2x4cm),…
Sau đó đại diện của Công ty Havico tại công trường đường Phúc Thuận – Phúc Tân đã cho người xúc bỏ toàn bộ đoạn bê tông như đã nói và báo cáo lên cấp trên.
Ngày 26/11, nhận được thông tin phản ánh về sự việc, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến tìm hiểu thực tế. Đoạn đường bị xúc lên dài khoảng 15m, các đoạn khác đã hoàn thiện cho thấy độ dày của bê tông không đồng đều từ 20,5 – 23,5cm (độ dày theo thiết kế của tuyến đường là 22cm). Những đống bê tông bị xúc bỏ ra ngoài nhìn bằng mắt thường thấy tơi, xốp và có thể bóp vỡ bằng tay như đất. Ngoài ra, từ đống vật liệu không đạt này cũng thể hiện việc kích thước đá làm bê tông không đồng đều đúng như phản ánh của cán bộ kỹ thuật của Công ty Havico.
Ông Nguyễn Quốc Hiệu, một người dân địa phương (đã đổi tên) cung cấp thêm nhiều thông tin, hình ảnh về những bức xúc của người dân liên quan tới việc thi công tuyến đường Phúc Thuận – Phúc Tân. Ông Hiệu đặt ra câu hỏi rằng: Nếu bê tông bị đông kết như bình thường thì liệu có phát hiện ra việc họ dùng đá không đạt tiêu chuẩn, viên to, viên bé để làm nguyên liệu hay không? Vậy các đoạn đường khác cũng sử dụng bê tông Hữu Huệ để thi công đã xong, thì có dám khẳng định là chất lượng bê tông và nguyên liệu đá có tốt hơn không?
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nối từ đường tỉnh 261, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên đi xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên có chiều dài là 10km, tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 60 tỷ đồng.
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên làm chủ đầu tư đoạn từ đường tỉnh 261, xã Phúc Thuận đến xã Phúc Tân (thị xã Phổ yên) có chiều dài 6,3km, có giá trị đầu tư là 42 tỷ đồng. Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên) làm chủ đầu tư đoạn từ UBND xã Phúc Tân đến bãi rác Đá Mài, xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), có chiều dài 3,7km, với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Chủ đầu tư có dấu hiệu né tránh trách nhiệm?
Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã làm việc với đại diện cho địa phương được hưởng lợi sử dụng sau khi tuyến đường giao thông Phúc Thuận – Phúc Tân hoàn thành là ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên. Ông Tú nói đã nhận được phản ánh của người dân địa phương về sự cố xảy ra trong quá trình thi công tuyến đường bê tông tại địa phận xóm 8, sau đó đã cho cán bộ đi thăm nắm tình hình. Qua báo cáo cho thấy, chính đại diện đơn vị thi công là Công ty Havico phát hiện việc đổ bê tông từ sáng đến chiều không đông kết nên đã chủ động cho máy và người cuốc đi.
Theo ông Tú, đường giao thông Phúc Thuận – Phúc Tân là do Sở Giao thông và Vân tải tỉnh Thái Nguyên làm Chủ đầu tư, chính quyền xã Phúc Tân có trách nhiệm vận động nhân dân hiến đất, khi xây dựng thì tham gia giám sát cộng đồng. Tuyến đường được nâng cấp là niềm mong mỏi của mọi người dân, vì vậy xã cũng rất mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ, xây dựng tuyến đường này có chất lượng tốt nhất để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Để làm rõ những vấn đề liên quan tới Công trình xây dựng sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nối từ đường tỉnh 261, xã Phúc Thuận đến xã Phúc Tân, ngày 29/11 phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thái Nguyên đăng ký làm việc. Ngày 30/11, phóng viên nhận Giám đốc Sở đã ủy quyền Phó Giám đốc Tạ Văn Thuyết trả lời Báo Nông Nghiệp tuy nhiên thay vì chỉ ra nguyên nhân dẫn tới công trình đường giao thông kém chất lượng và giải pháp khắc phục thì đồng chí Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Thái Nguyên chỉ nại thêm thủ tục hành chính, yêu cầu phải soạn công văn trước khi gặp gỡ trao đổi với phóng viên.
Thiết nghĩ công trình kém chất lượng đã rõ ràng, với trách nhiệm của Chủ đầu tư thì Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cần học cách đối diện với sự thật, sửa chữa sai lầm, không nên vòng vo lảng tránh dư luận.
Trong quá trình tác nghiệp thực tế tại hiện trường phóng viên đã bị một đối tượng lạ mặt, mặc quần áo dân sự (không mặc đồng phục của ngành nào) tự xưng là người của cơ quan chức năng thị xã Phổ Yên đến cản trở phóng viên rời khỏi hiện trường vì không được tác nghiệp do chưa đăng ký với doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Người này cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh mình là cán bộ đang đi làm việc.
Hành vi cản trở tác nghiệp báo chí nói trên đã vi phạm pháp luật báo chí. Theo Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.