Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004) là một nhà thơ có phong cách đặc sắc viết về nông thôn. Làng quê Bắc bộ đã trở thành một phần ký ức lấp lánh trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam, nhờ những vần thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Trong cuốn sách “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”, Hoài Thanh và Hoài Chân đánh giá về nhà thơ "thôn ca" bằng sự trọng thị: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ cả đời chăm chút vẻ đẹp nông thôn, như ông tự bạch: “Tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: Trong thơ góp một đường cày, nước non gieo hạt mong ngày nở hoa”. Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Đoàn Văn Cừ gồm có: “Thôn ca 1” (1944), “Việt Nam huy hoàng” (1948) “Thôn ca 2” (1960) “Dọc đường xuân “(1979) “Đường về quê mẹ” (1987)
Thế nhưng, trớ trêu thay, sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 đã chuyển bản quyền bài thơ “Tết quê bà” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ sang đứng tên Anh Thơ. Cụ thể, trong bài “Hoạt động Ngữ văn: Làm thơ bảy chữ” từ trang 164 đến trang 167, đã yêu cầu học sinh tham khảo ba tác phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “Đi” của Tố Hữu và “Tết quê bà” của Anh Thơ.
Đây là một sự nhầm lẫn vi phạm bản quyền tác giả. Những câu thơ được trích trong bài “Tết quê bà” đích thị của Đoàn Văn Cừ. Bài thơ “Tết quê bà” được Đoàn Văn Cừ viết năm 1941 và in trong tập “Thôn ca 1”.
Cả bài “Tết quê bà” của nhà thơ "thôn ca" Đoàn Văn Cừ, gồm 8 câu, như sau: “Bà tôi ở một túp nhà tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào giậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe/ Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng/ Cả đêm cuối chạp nướng than hồng/ Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/ Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông”.
Qua tham khảo ý kiến, nhiều giáo viên dạy Văn cho biết đoạn thơ “Tết quê bà” được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn 8 từ năm 2004 đến nay, và bản in mới nhất cho năm học 2020-2021 vẫn ghi tác giả “Tết quê bà” là Anh Thơ.
Sách giáo sư Ngữ văn 8 do Giáo sư Nguyễn Khắc Phi làm Tổng chủ biên, mà để xảy ra sự cố đổi chủ sở hữu bài thơ “Tết quê bà” như vậy thì thật đáng băn khoăn. Tác giả Anh Thơ cũng viết về nông thôn, nhưng bút pháp khác hẳn nhà thơ "thôn ca" Đoàn Văn Cừ.
Hơn nữa, “Thôn ca” đã là “thương hiệu” của Đoàn Văn Cừ. Ngay cả con trai của Đoàn Văn Cừ là họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cũng vẽ bức chân dung cha mình với chú thích “Nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ”.