| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dựng lũy hoa sống mãi với Thủ đô

Thứ Năm 10/10/2024 , 06:35 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có nhiều tác phẩm đồng hành Hà Nội, mà ‘Lũy hoa’ là truyện phim được ra mắt công chúng nhân dịp 70 năm tiếp quản Thủ đô.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960).

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960).

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 – 25/7/1960) quê quán huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, vì những tác phẩm mang đậm giá trị nhân văn như “Đêm hội Long Trì”, “Vũ Như Tô”, “An Tư”, “Bắc Sơn”, “Anh Sơ đầu quân”, “Ký sự Cao Lạng”, “Truyện Anh Lục”…

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gắn bó Hà Nội và có những trang viết lắng đọng về lịch sử Hà Nội. Trong các tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nếu đã nhắc đến vở kịch “Những người ở lại” và tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” thì không thể bỏ qua truyện phim “Lũy hoa”.

Truyện phim “Lũy hoa” là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là kết quả của bao nhiêu tâm huyết và tình cảm mà ông dành cho Hà Nội. “Lũy hoa” tái hiện 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ Thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, 60 ngày đêm thấy hoa kiên cường trên chiến lũy bất khuất

“Lũy hoa” đưa công chúng trở về những ngày tháng không thể nào quên, chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Với những cú chuyển cảnh qua ngòi bút nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, dễ dàng hình dung phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân với con người của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp cùng chiến đấu, cùng lao động, cùng tin yêu.

Trong “Lũy hoa” có sự giao thoa giữa cái dữ dội của chiến tranh vệ quốc với cái hào hoa rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân. Tất cả được thể hiện qua một bút pháp chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.

“Lũy hoa” giúp thế hệ trẻ hôm nay được hồi tưởng quá khứ hào hùng của đất nước, hiểu thêm và yêu thêm Hà Nội, qua con mắt một nhà văn đã trút hết sức lực và tâm lực để viết về Thủ đô. Truyện phim “Lũy hoa” và tiểu thuyết “Sống  mãi  với  Thủ đô” đều được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Hai tác phẩm này được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết trong ba năm, từ 1957 đến 1960, khi ông chống chọi bạo bệnh.

Truyện phim “Lũy hoa” không chỉ được xem như cái khung sườn khả dĩ cho cuốn tiểu thuyết dở dang, mà còn có đủ phẩm chất văn chương để có thể tồn tại như một tác phẩm văn học với một bút pháp riêng: chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.

Truyện phim 'Lũy hoa' được xuất bản như một tác phẩm văn học riêng biệt.

Truyện phim "Lũy hoa" được xuất bản như một tác phẩm văn học riêng biệt.

Giáo sư Phong Lê đánh giá: “Nếu tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” tạm dừng ở ba ngày đêm đầu của cuộc chiến, thì “Lũy hoa” cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra  trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch; cùng với một khúc vĩ thanh đậm in dấu ấn lãng mạn 7 năm sau đoàn quân chiến thắng trở về, trên những phố xưa... Có nghĩa là “Lũy hoa" nhận sứ mệnh thực hiện nốt phần còn lại của “Sống mãi với Thủ đô”, cuốn tiểu thuyết nếu Nguyễn Huy Tưởng thực hiện được trọn vẹn, thì đó sẽ là tác phẩm có quy mô lớn nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tính cho đến ngày nhà văn qua đời.

Nếu có một biểu hiện gây ấn tượng nhất trong “Lũy hoa”, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui các qua lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ mọi ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến.

Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe ba gác, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng... Việc đặc tả hai biểu tượng này quả đã đem lại cho “Lũy hoa” những trang hay. Ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế.

Trong cố gắng tạo dựng những xung đột, cả bên ngoài và bên trong, trong khả năng chuyển cảnh linh hoạt, “Lũy hoa” rất xứng đáng được dựng thành phim. Tiếc là Nguyễn Huy Tưởng chỉ mới được đọc bản in thử truyện phim trên giường bệnh, còn khán giả mà ông nhắm tới thì đến nay vẫn đành tạm bằng lòng là... độc giả. Nhưng, như một nghịch lý, “Lũy hoa” truyện  phim lại có sức hấp dẫn riêng của một tác phẩm để đọc”.

Khi ấn hành truyện phim “Lũy hoa” nhân dịp 70 năm tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 – 10/10-2024) Nhà xuất bản Trẻ cung cấp những hình ảnh những trang bản thảo và hình ảnh bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình viết hai danh tác “Lũy hoa” và “Sống mãi với Thủ đô”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.