| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện thách thức để có ngành công nghiệp nuôi biển

Thứ Hai 21/12/2020 , 10:10 (GMT+7)

Nuôi biển của nước ta đang có bước chuyển biến tích cực về diện tích, sản lượng, song để có ngành công nghiệp nuôi biển tiên tiến vẫn còn nhiều thách thức.

Thách thức công nghiệp nuôi biển

Cuối tuần qua, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị “Phát triển nuôi biển bền vững".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nuôi biển của chúng ta đang đứng trước khó khăn và thách thức lớn. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nuôi biển của chúng ta đang đứng trước khó khăn và thách thức lớn. Ảnh: KS.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, từ đầu thế kỷ 21 các nước tiến ra biển rất mạnh mẽ. Với đất nước ta có chiều bờ biển 3.260 km, diện tích biển 1 triệu km2. Có thể nói tiềm năng và lợi thế nuôi biển của chúng ta rất lớn. Chính vì thế, Nghị quyết 36-NQ/TƯ về kinh tế biển ra đời và chúng ta có bước đi tương đối tích cực. Sản lượng nuôi biển trong năm 2019 đạt gần 600 nghìn tấn và dự kiến năm nay đạt khoảng 640 ngàn tấn.

“Có thể nói tốc độ tăng bình quân trong những năm qua khoảng 23,3%, ít có lĩnh lực nào có tốc độ phát triển như thế. Tuy nhiên chúng ta còn đứng trước khó khăn và thách thức rất lớn để có ngành công nghiệp nuôi biển”, Thứ trưởng nhấn mạnh và nêu thách thức thứ nhất là công nghệ giống khi hiện chúng ta chưa đạt trình độ sản xuất giống nuôi hàng hóa quy mô lớn. 

Thách thức thứ 2 là hạ tầng thủy sản. Trong nhiều năm qua chúng ta chưa được đầu tư đúng mức, trong khi với sản lượng thủy sản gần 9 triệu tấn, xuất khẩu gần 9 tỷ USD. Có thể nói hạ tầng thủy còn nhếch nhác.

Nuôi biển hiện nay chủ yếu là lồng bè thủ công, thiếu bền vững. Ảnh: KS.

Nuôi biển hiện nay chủ yếu là lồng bè thủ công, thiếu bền vững. Ảnh: KS.

“Chúng ta không có hạ tầng tốt sẽ không thể đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không đảm bảo quản lý đội tàu. Đó cũng là 2 yếu tố mà thanh tra Châu Âu đang kiến nghị Việt Nam tập trung giải quyết”, Thứ trưởng Tiến bày tỏ.

Ngoài ra, dinh dưỡng thức ăn cũng như công nghiệp hỗ trợ như lồng, tàu, sà lan để phục vụ nuôi biển cũng là yếu tố quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn như Na Uy họ thu hoạch cá tự động theo đường ống hút hết. Cá lên nhà máy được phân theo cỡ (size), con nào ở mức độ chế biến nào thì sẽ vào khu vực chế biến đó.

“Chúng ta nuôi biển tuy có tốc độ nhanh nhưng khẳng định rằng, lồng bè ở mức truyền thống mà thôi. Thức ăn chủ yếu từ nguồn nguyên liệu thu được từ cá lại quay về nuôi cá”, Thứ trưởng Tiến thẳng thắn nhìn nhận nuôi biển ở ta còn quá lạc hậu, do đó cần có nghiên cứu khoa học cả về giống, thức ăn dinh dưỡng, phương thức nuôi và công nghiệp bổ trợ. 

Hướng đến phát triển nuôi biển bền vững

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, về chủ trương của Đảng cũng như cơ chế chính sách chúng ta có, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng, để xây dựng cho hạ tầng, trong đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải tập trung nguồn lực kể cả ngân sách nhà nước, kể cả xã hội hóa, kể cả vốn vay ưu đãi của World Bank. Thứ nữa, triển khai hiệu ứng khoa học về nghiên cứu chọn tạo giống, dinh dưỡng thức ăn, phương thức nuôi, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan mô hình nuôi biển trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan mô hình nuôi biển trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

“Bộ NN-PTNT đã tập hợp vào 9 đề án trong chiến lược thủy sản giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045. Tới đây chúng tôi sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, chúng ta có Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định 15 về giao mực nước biển cũng sớm hoàn thành để có bước đi một cách đồng bộ cả cơ chế chính sách, nguồn lực, cả tổ chức thực hiện để sớm có kết quả.

Trong đề án nuôi biển thì đến 2030 chúng ta đạt 2 triệu tấn. Đến bây giờ chúng ta khai thác đạt 3,9 triệu tấn. Như vậy việc khai thác không cân đối với bảo tồn. Mà trong bảo tồn theo Nghị quyết Trung ương 36 là phải 6% diện tích mặt nước biển nhưng hiện chỉ đạt 0,18%, như vậy chúng ta phải cố gắng rất lớn trong bảo tồn. Tới đây sẽ quy hoạch ngành quốc gia về bảo tồn, trình Chính phủ để phê duyệt đề án bảo tồn. Bảo tồn, giảm khai khác, tăng nuôi biển đó mới là phát triển thủy sản bền vững”, Thứ trưởng chia sẻ.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng theo công nghệ Na Uy của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng theo công nghệ Na Uy của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Tại hội nghị nhiều địa phương kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu ứng dụng trong nuôi biển công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ về thức ăn công nghiệp, lồng, bè chuyên dụng, con giống. Cũng như hỗ trợ các địa phương gỡ vướng mắc về giao mặt nước biển nuôi trồng thủy sản.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mặc dù nuôi biển của chúng ta đang thời kỳ ở mức ban đầu, nuôi ở mức thủ công. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp đầu tư rất lớn nhưng vướng trong Nghị định 51 về việc giao mặt nước biển. Do đó, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ bàn Bộ TN-MT xung quanh vấn đề này như thời gian giao ra sao, giá, quyền để sớm hoàn thiện.

“Sau khi thống nhất 2 Bộ với Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành khác nữa, sẽ trình Chính phủ để tháo gỡ giao mặt nước biển. Bởi nuôi biển phải có mặt nước biển và để có mặt nước biển phải đầy đủ cơ sở pháp lý. Và, việc bàn giao mặt nước biển cũng phải đảm bảo lâu dài cho doanh nghiệp như các nước đã giao”, Thứ trưởng nói.

Phú Yên có nhiều lợi thế nuôi biển công nghiệp

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, các vùng đầm, vịnh, cửa sông trên địa bàn vẫn còn tiềm năng rất lớn để nuôi biển công nghiệp, với diện tích mặt biển hàng ngàn ha, từ 3-6 hải lý, độ sâu trên 30 m, chất lượng môi trường tốt, ổn định. Tuy nhiên những năm qua tỉnh vẫn chưa khai thác được lợi thế vùng biển này. Ông Thế khẳng định, vùng biển trong tỉnh có lợi thế không có ảnh hưởng các luồng ô nhiễm nào, cũng như nguồn nước ổn định và chất lượng nước phù hợp các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, quan niệm nuôi biển của tỉnh, ngoài việc nuôi biển hở, tỉnh còn quy hoạch những vùng nuôi biển ở trên bờ bằng cách sử dụng cấp nước công nghiệp phục vụ nuôi biển.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.