| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn

Thứ Ba 29/09/2020 , 09:47 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, với chiều dài bờ biển 3.260 km, rộng 1 triệu km2, trong đó 500 nghìn km2 nuôi biển được.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Tiên phong nuôi biển theo hướng công nghiệp

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu vừa có chuyến khảo sát nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Đoàn đã đến thăm trang trại nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp của cả nước của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Viện I). Trang trại được thành lập từ giữa năm 2013 với diện tích mặt biển khoảng 10 ha.

Trong đó, toàn khu nuôi có 20 lồng tròn chất liệu nhựa HDPE của Na Uy, chu vi 60m nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng để nuôi cá giống bố mẹ, ương cá giống.

Việc lắp đặt hệ thống nuôi trên và vận hành đều do nhân viên của Viện I. Cụ thể, trang trại có 11 thành viên gồm 1 quản lý trang trại, 2 thường trưởng, 3 thợ lặn có chứng chỉ PADI, 4 công nhân kỹ thuật và 1 nhân viên ghi chép thu thập số liệu. Tất cả đều đã được tuyển dụng, đào tạo và tập huấn về nội quy an toàn lao động, an toàn sinh học, sơ cấp cứu và những kỷ thuật trong nuôi biển.

Bên cạnh đó, trang trại còn có 1 tàu công tác chuyên dụng được trang bị tất cả những thiết bị cần thiết như cần cẩu thủy lực, tời thủy lực… Một xuồng cao tốc và 1 xuồng công tác nhỏ bằng vật liệu hợp kim nhôm, để phục phụ các hoạt động sản xuất hàng ngày tại trang trại.

Cá chim vây vàng được thu hoạch tại trang trại nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp của Viện I. Ảnh: KS.

Cá chim vây vàng được thu hoạch tại trang trại nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp của Viện I. Ảnh: KS.

Theo Viện I, đối với vật liệu làm lồng chủ yếu được mua từ các nhà máy sản xuất trong nước. Hệ thống lồng, neo… được thiết kế chống bão cấp 11. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chịu được cơn bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15 (Damrey) đổ bộ vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi.

Hiện trang trại nuôi cá biển (chủ yếu cá chim vây vàng) quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp. Cụ thể, tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8-10 tháng.

Cũng theo Viện I, tính từ năm 2018 đến nay trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Hiện 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông; với giá bán dao động từ 110-150 ngàn đ/kg, doanh thu 25 tỷ đồng, lợi nhuận 20-30%.

Sau khi tham quan trang trại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao Viện I trong việc tiên phong, đặt dấu mốc rất quan trọng cho điểm khởi đâu nuôi biển theo hướng công nghiệp. Viện đã chủ động được các quy trình từ chủ động sản xuất giống, thức ăn, phân phối thức ăn, thiết bị, sà lan cho đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Tuy nhiên đây chỉ điểm khởi đầu vì so với công nghệ tiên tiến như Na Uy thì chúng ta cần phấn đấu nhiều. Và, nhà nước còn phải có trách nhiệm đầu tư để mô hình được cải tiến nâng cấp về mặt công nghệ cũng như năng suất và sản lượng, để nhân rộng ra 500 nghìn km2 bờ biển.

Hướng đến nuôi biển

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đánh giá tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, với chiều dài bờ biển 3.260 km, rộng 1 triệu km2, trong đó khảo sát sơ bộ có khoảng 500 nghìn km2 nuôi biển được.

Vì vậy có thể nói nuôi biển của chúng ta có lợi thế rất lớn và có thể trở thành ngành công nghiệp, với những đối tượng chủ lực, quy mô sản lượng lớn. Dự kiến đến năm 2030 chúng ta có thể nuôi biển đạt trên 2 triệu tấn, thay vì chỉ tập trung vào khai thác. Và, khi giảm được sản lượng khai thác, chúng ta sẽ bảo tồn và phát triển thủy sản bền vững.

Trang trại nuôi cá lồng biển của Viện I cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Ảnh: KS.

Trang trại nuôi cá lồng biển của Viện I cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Ảnh: KS.

Tuy nhiên nuôi biển hiện nay của Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn phôi thai, nuôi gần bờ là chính và nuôi với lồng bè rất sơ sài, đơn giản. Con giống cũng chưa được nghiên cứu sản xuất một cách có quy trình công nghệ.

Chia sẻ về định hướng phát triển nuôi biển, Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở khảo sát rà soát lại chúng ta sẽ có quy hoạch. Và, trong nuôi biển chúng ta sẽ chú trọng mấy yếu tố rất quan trọng.

Thứ nhất, con giống phải sản xuất được theo quy trình công nghệ mà mình làm chủ được. Thứ hai, đối tượng nuôi phải phù hợp từng khu vực, từng vùng biển nuôi và gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống thiết bị công nghệ nuôi, cụ thể là lồng với hệ thống công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ phải đảm bảo...

“Vấn đề này được Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị Viện đã triển khai rất quyết liệt. Và, mô hình của Viện I đã nghiên cứu ra giống, đã có thức ăn dinh dưỡng, có hệ thống lồng, có hệ thống phân phối cá sẽ được nhân rộng ra nhiều vùng trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm