Ông Ngô Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nhãn lồng Hưng Yên cho biết, năm 2012 tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh đạt 40.000 tấn, doanh thu 300 tỷ đồng. Đây là kết quả của việc áp dụng tiến bộ KHKT trong canh tác cải tạo, nhân rộng mô hình trồng các giống nhãn lồng chất lượng.
TOP 50 TRÁI CÂY NỔI TIẾNG VN
Tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức lễ vinh danh nhãn lồng khi đặc sản này lọt vào TOP 50 loại trái cây ngon nhất VN do tổ chức Kỷ lục VN bình chọn. Nói về sự hình thành và phát triển của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, ông Ngô Xuân Thái, GĐ Sở KH-CN Hưng Yên chia sẻ, cây nhãn tổ được trồng ở Hưng Yên cách đây hơn 300 năm tại cổng chùa Phố Hiến, theo thời gian đã trở thành sản vật biểu tượng của tỉnh.
Qua tài liệu của GS.TS Trần Thế Tục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho thấy, nhãn Hưng Yên được chia thành 2 nhóm với hàng chục chủng loại. Trong đó, nổi tiếng nhất là giống nhãn lồng và nhãn đường phèn, quả to, cùi dầy đan lồng lên nhau, vị giòn ngọt, ít nước và có mùi thơm đậm đà.
Những năm qua, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh năm 1997, cây nhãn được Hưng Yên đặc biệt chú trọng mở rộng diện tích từ 1.067 ha lên 2.982 ha năm 2011, trong đó xấp xỉ 2.700 ha đang cho thu hoạch. Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện BVTV, Viện Cây lương thực, cây thực phẩm đào tạo, tấp huấn xây dựng các mô hình thâm canh nhãn tại huyện Khoái Châu, Tiên Lữ và TP. Hưng Yên.
Tỉnh cũng tiến hành 2 lần bình tuyển được các giống nhãn đầu dòng ở cả 2 trà nhãn sớm, chính và muộn, chọn được những giống tốt nhất làm nguồn gen nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cũng như trong công tác bảo tồn. Hiện tỉnh đã có đề án xây dựng và phát triển vùng nhãn hàng hóa đến năm 2015, phấn đấu mỗi năm cải tạo từ 150-200 ha. Sản lượng nhãn tại Hưng Yên bình quân đạt 30.000-40.000 tấn/năm, giá trị kinh tế đem lại từ 250 - 300 tỷ đồng, chiếm 15% giá trị SXNN.
Anh Trần Văn Thế, xã Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên vui bên vườn nhãn chín muộn
TẬP TRUNG 3 GIỐNG CHỦ LỰC
Do áp lực phải giữ vững đất lúa đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đất SX ngày càng thu hẹp, tỉnh Hưng Yên xác định không mở rộng thêm diện tích nhãn trồng mới, thay vào đó sẽ cải tạo, chuyển đổi các vườn nhãn cũ, vườn tạp nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Minh Ngọc nhấn mạnh, việc nhãn lồng Hưng Yên lọt vào TOP 50 trái cây nổi tiếng của VN là niềm vinh dự lớn, đòi hỏi các cấp ngành địa phương phải giữ vững và phát huy tốt hơn nữa vị thế của cây nhãn lồng.
“Để thúc đẩy phong trào trồng nhãn phát triển, tỉnh đã ban hành QĐ 2004/QĐ-UB ngày 8/12/2004 về việc thành lập Hội Nhãn lồng tỉnh. Đến nay, hội có tổng số 115 hội viên tập trung ở các địa phương có phong trào trồng nhãn phát triển như TP. Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ… Bình quân mỗi hội viên thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập tới 500 triệu đồng", ông Ngọc chia sẻ.
“Sau khi nhận danh hiệu TOP 50 loại trái cây ngon nhất VN, chúng tôi sẽ đầu tư ngân sách và chỉ đảo các cơ quan phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm cây nhãn không phải thông qua việc tăng diện tích mà thông qua việc nâng cao về chất lượng qua các giống nhãn được tuyển chọn kết hợp công nghệ chế biến sau thu hoạch và đảm bảo VSATTP”, ông Đặng Minh Ngọc. |
Để cụ thể hóa mục tiêu, ông Ngọc cho biết thêm, tỉnh đã yêu cầu các địa phương khi cải tạo, nhân giống các vườn nhãn chỉ được lấy 3 giống nhãn chính đầu dòng đã được chọn tuyển là: Đường phèn, Hương Chi và Khoái Châu.
Trong 3 giống nhãn trên, mỗi giống có một ưu điểm riêng về năng suất và chất lượng. Nếu như nhãn Hương Chi ra hoa được ở cả 3 trà sớm, chính và muộn nên năng suất cao thì nhãn Khoái Châu quả to, cùi dầy, ít nước cộng lợi thế chín muộn nên đầu ra, giá bán rất cạnh tranh và nhãn đường phèn là loại nhãn quả nhỏ, song vị rất ngọt, có mùi thơm mát, năng suất ổn định.
Tới Hàm Tử, một xã có diện tích trồng nhãn lớn nhất nhì huyện Khoái Châu, thấy rõ hiệu quả kinh tế mô hình nhãn muộn đem lại. Trước đây, vào thời điểm cuối tháng 8 hầu như ở Khoái Châu nói riêng và Hưng Yên nói chung đều không còn nhãn, giờ đã cuối tháng 9 nhưng nhãn muộn tại đây vẫn còn xấp xỉ 10-20% đang cho thu hoạch. Dự kiến, nhiều vườn nhãn còn cho thu hoạch tận cuối tháng 10, giá bán có thể lên tới 50.000 - 70.000 đ/kg.