Đảm bảo an toàn sinh học
Anh Đỗ Ngọc Thích, môt hộ chăn nuôi xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: Hiện trại của gia đình tôi có tổng cộng hơn 300 con lợn. Trong đó, gia đình có 40 con lợn nái, 2 lợn ông bà. Ngay từ đầu gia đình đã xác định phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Mặc dù phải đầu tư chuồng trại, nhân lực, vật lực và lên lịch cho quy trình chăn nuôi tỉ mỉ, song ngay từ những lứa chăn nuôi đầu tiên, đã cho hiệu quả tích cực. Không chỉ giảm được nguy cơ dịch bệnh, đàn vật nuôi khỏe mạnh hơn, mà chất lượng gia súc, gia cầm thương phẩm cũng tăng lên.
Hiện nay, đàn lợn của gia đình sinh sản được bao nhiêu con đều để nuôi hết không như thời điểm dịch xảy ra phải hạn chế nuôi. Giờ gia đình chỉ sợ không có lợn giống mà nuôi thôi.
Anh Thích cho hay: Trang trại của gia đình đang thiết kế theo hướng tách biệt chuồng trại với môi trường xung quanh và hơn nữa là nằm giữa cánh đồng nên không lo lây nhiễm dịch bệnh từ những hộ xung quanh.
Chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi đều dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và gia đình đặc biệt quan tâm vấn đề ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh như chuột, chim, ruồi, muỗi.
Tại lối ra vào chuồng nuôi có xây dựng hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi. Sử dụng thức ăn có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, nước uống hợp vệ sinh và ghi chép đầy đủ đối với từng ô chuồng nuôi.
Con giống trong chăn nuôi đều do gia đình tự sản xuất nên đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và khoẻ mạnh. Gia đình cũng rất chú trọng vệ sinh chuồng trại và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi theo hướng hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.
Cũng theo anh Thích, gia đình định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi 2 lần/tháng, vệ sinh máng ăn, máng uống hằng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.
Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Gia đình cũng tăng cường tiêu độc, khử trùng, trong chuồng thì 1 lần/tuần, xung quanh chuồng mỗi ngày 1 lần.
Tập trung tăng đàn tại chỗ
Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, tình hình chăn nuôi phát triển khá ổn định, tại các trang trại đã tăng đàn, tái đàn trở lại, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên, tổng đàn lợn của tỉnh đến thời điểm hiện tại khoảng 435.230 con (trong đó lợn nái 46.000 con, lợn thịt 389.230 con). Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, biến động của thời tiết, hoạt động chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại.
Hiện nay giá xuất bán lợn thịt giao động ở khoảng 75.000 – 78.000 đồng/kg thịt hơi. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong tỉnh và xuất bán vẫn đang ở mức cao, do ảnh hưởng dịch bệnh. Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang tập trung ổn định tổng đàn, tăng đàn tại các cơ sở đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng.
Toàn tỉnh đang có trên 7.600 hộ chăn nuôi lợn, số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại đạt khoảng 500 mô hình. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng an toàn sinh học và chăn nuôi VietGAHP. Đến nay, hầu hết các trang trại đảm bảo tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, khoảng 8-10% hộ chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người chăn nuôi tập trung tăng năng suất, chất lượng lợn thịt thương phẩm, nhờ đó dù tổng đàn ở mức ổn định người chăn nuôi vẫn có lãi.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên nắm sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời trong công tác thú y.
Công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, sản phẩm động vật, quản lý hành nghề thú y, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được triển khai đúng kế hoạch; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, nhất là những nơi có nguy cơ cao phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, tập trung tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở đảm bảo nguồn giống chất lượng tại trại sẵn có và nguồn giống tự sản xuất.
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học và chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, không khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi vi phạm Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ môi trường và Luật An toàn thực phẩm.