Bệnh dại gia tăng
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại, ngày 28/9, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị và mít tinh phòng chống bệnh dại năm 2022 với chủ đề “Bệnh dại: Một sức khỏe, không người tử vong”.
Theo số liệu từ ngành y tế, từ năm 2010 đến nay, bệnh dại đã làm 1.066 người tử vong và hơn 5,5 triệu lượt người buộc phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, gây tổn thất trên 15.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 42 người tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, đã phát hiện 133 ca bệnh dại trên động vật tại 107 xã thuộc 53 huyện của 15 tỉnh, thành phố; tỉnh Phú Thọ là địa phương xảy ra nhiều nhất với 39 ca.
Cục Thú y nhận định tình hình dịch bệnh dại gia tăng do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là tỷ lệ tiêm phòng trung bình trên đàn chó mèo rất thấp, đạt khoảng 40% trong tổng đàn gần 7 triệu con.
Trong đó, mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70%. Công tác quản lý đàn chó mèo còn lỏng lẻo, địa phương chưa bố trí đầy đủ kinh phí hỗ trợ tiêm phòng vacxin, người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký…
Gần đây, tâm lý chủ quan của một bộ phận chủ nuôi chó nên số ca tử vong do bệnh dại có xu hướng tăng ở những khu vực trước đây ít xảy ra. Cụ thể như tại tỉnh Bến Tre, địa phương có đàn chó trên 211.000 con. Đa số các hộ nuôi theo phương thức thả rông. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 8 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus bệnh dại; số người phơi nhiễm với virus dại trên 11.200 người; 11 ca tử vong do dại và 1 có liên quan đang chờ kết luận từ Viện Pasteur.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Trước năm 2017, nhiều năm liền Bến Tre không có ca tử vong vì bệnh này. Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Bến Tre có số ca tử vong vì bệnh dại tăng đột biến, đứng đầu các tỉnh, thành cả nước.
Nguyên nhân do tâm lý chủ quan, lơ là của các ngành, các cấp và hộ nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, mới đạt khoảng 47%, chưa đạt mục tiêu quy định tối thiểu 70%. Một số người bị chó cắn không chịu đến cơ sở y tế điều trị, tự điều trị bằng thuốc Nam”.
Giám sát bệnh dại theo mô hình IBCM
Nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại Cục Thú ý đã phối hợp với Trung tâm Giám sát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ triển khai thí điểm dự án điều tra các trường hợp người bị chó nghi dại cắn, các trường hợp chó nghi bị dại tại 10 tỉnh, thành phố - mô hình quản lý ca bệnh dại IBCM (Integrated Bite Case Management).
Theo CDC Hoa Kỳ, mô hình IBCM gồm các bước: Thông báo (bác sĩ, cộng đồng), điều tra, theo dõi, cách ly, xét nghiệm, thông báo kết quả, xử lý ổ dịch.
Hệ thống giám sát bệnh dại dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện nhanh chó nghi dại và cách ly khỏi cộng đồng. Mô hình IBCM đã được công nhận toàn cầu, giúp giảm chi phí cho việc ngăn ngừa mỗi ca tử vong trên 2 lần; giảm 20 triệu liều vacxin điều trị dự phòng trên toàn thế giới; có thể ngăn chặn khoảng 400.000 ca tử vong do dại trong 15 năm tới.
Mô hình được triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ, năm 2016. Năm 2018, thí điểm tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An. Năm 2020, triển khai tại tỉnh Trà Vinh, Lạng Sơn. Năm 2021, triển khai tại tỉnh Đắk Lắk. Năm 2022, mô hình tiếp tục được thí điểm tại 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Quảng Trị, Lào Cai.
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ cho biết: “Giai đoạn 2010-2015, khi chưa thực hiện mô hình giám sát chủ động IBCM, trên động phát hiện 43 con chó mắc bệnh tại 23 ổ dịch; trên người có 41 ca tử vong, bình quân 7 ca/năm, đứng đầu cả nước. Giai đoạn 2016 – 2022, sau khi áp dụng IBCM, trên động vật phát hiện 187 con chó mắc bệnh tại 180 ổ dịch; trên người có 12 ca tử vong, giảm 29 ca”.
Cũng theo ông Thành, địa phương có đàn chó 250.000 con, 70% nuôi theo phương thức thả rông, tỷ lệ tiêm phòng vacxin mới đạt dưới 30% tổng đàn. Nguy cơ dịch bệnh dại trên động vật là rất lớn. Trong điều kiện quản lý đàn chó chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng thấp, trước mắt, địa phương tăng cường giám sát chủ động theo mô hình IBCM.
Về lâu dài, quản lý đàn chó, mèo ngay tại cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền lấy vai trò người dân, xóm, ấp là nòng cốt; cơ quan chuyên môn thú y, y tế cùng phối hợp song hành…
Mục tiêu không còn ca tử vong do bệnh dại vào 2030
Nhằm hướng tới mục tiêu cùng cả nước phấn đấu không còn ca tử vong do bệnh dại và năm 2030, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bệnh dại và các giải pháp phòng, chống.
UBND tỉnh kêu gọi chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ phong trào chung tay phòng, chống và loại trừ bệnh dại, quyết liệt bằng các hành động thiết thực như: Khai báo chó mèo, tiêm ngừa theo quy định, đến cơ sở y tế điều trị nếu không may bị chó cắn, không được tự điều trị bằng thuốc nam…
“UBND tỉnh sẽ bổ sung thêm kinh phí tiêm phòng, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022, tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn chó, mèo đạt từ 80% và duy trì bền vững. 100% người bị chó mèo cắn đều được tiêm phòng đúng quy định, hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030”, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết.
Tiến sỹ - bác sỹ thú y Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh dại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng thấp, tại những tỉnh này có số ca tử vong cao.
Do đó, tiến sĩ Pawin Padungtod khuyến nghị, cần phân bổ nguồn lực từ trung ương đến địa phương một cách đầy đủ để thực hiện một số công tác như: quản lý đàn chó nuôi, tăng tỷ lệ tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác điều phối ứng phó với ổ dịch, nhất là công tác thống kê, điều tra bệnh dại; tăng cường chia sẻ thông tin giữa hai ngành thú y và y tế.
Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, cần thống nhất, quán triệt tổ chức triển khai đầy đủ nội dung, có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng đề nghị các tỉnh cần có kế hoạch tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực đẩy mạnh công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật, đặc biệt khu du lịch, nơi đông dân cư. Bởi hiện còn 4 tỉnh chưa có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình này.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cũng giao Cục tiếp tục tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh trọng điểm để đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện; giám sát virus dại, kịp thời cảnh báo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, Cục Thú y sẽ nhân rộng mô hình IBCM tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
"UBND nhân dân các tỉnh, thành phố cần thống kê, báo cáo đảm bảo quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo giai đoạn 2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030. Nâng tỷ lệ tiêm phòng vacxin tổng đàn chó lên tỷ lệ trên 70% giai đoạn 2022-2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030. Bởi nếu không tiêm phòng được trên 70% chúng ta không có cách nào thực hiện được mục tiêu không có ca tử vong do bệnh dại vào năm 2030”, Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.