| Hotline: 0983.970.780

Phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030

Thứ Tư 22/12/2021 , 19:51 (GMT+7)

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 đặt mục tiêu phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi. Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi. Ảnh minh họa.

Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2151/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng.

Chương trình đặt ra mục tiêu đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật, quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tiêm vacxin Dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trên 70% số tỉnh, thành phố giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện và ít nhất 10 cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp xã, phường. Duy trì 100% các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh dại trong giai đoạn 2017 - 2021.

Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, 100% các quận, huyện có điểm tiêm vacxin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người.

100% các tỉnh, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học.

100% số người tiêm vacxin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia.

90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Đến năm 2025, không còn tỉnh, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; đến 2027 không còn tỉnh, thành phố có nguy cơ trung bình về bệnh dại trên người.

Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Đối với công tác quản lý đàn chó, mèo, Chương trình yêu cầu các chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã, cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vacxin Dại.

Chính quyền các cấp cần phải tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo, cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo. Định kỳ tối thiểu 2 lần/năm, báo cáo cập nhật số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo chi tiết đến cấp xã.

Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại, cưỡng chế tiêm vacxin Dại cho chó, mèo.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vacxin Dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật.

Chương trình đặt mục tiêu tiêm vacxin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Chương trình đặt mục tiêu tiêm vacxin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bộ NN-PTNT ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh động vật, quản lý chó, mèo nuôi; rà soát, đầu tư xây dựng, nâng cấp và tổ chức hướng dẫn sử dụng Hệ thống báo cáo trực tuyến số liệu dịch bệnh, tổng đàn, tiêm vacxin Dại cho đàn chó, mèo, giám sát, vùng, cơ sở an toàn bệnh dại.

Đối với vấn đề kiểm soát vận chuyển chó, mèo, Chương trình yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo sản phẩm chó, mèo nhập khẩu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp qua biên giới theo quy định; tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo trong nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Dại đối với chó, mèo được vận chuyển.

Chương trình cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông trung ương chủ động phối hợp với Bộ NN-PTNT (Cục Thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam), Bộ Y tế xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí của các đơn vị để tổ chức thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dại và thực hiện các nội dung của Chương trình.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất